1. Văn bản thông tin (VBTT) là loại văn bản rất phổ biến. Trong chương trình và sách giáo khoa ngữ văn của Hoa Kỳ, VBTT (Information text) bao gồm các thể loại như niên giám, tiểu sử, thư từ thương mại, hợp đồng, hướng dẫn sử dụng phần mềm/dụng cụ/đồ dùng, hướng dẫn thực hiện quy trình, nhãn dán, tài liệu quảng cáo, lịch biểu, cơ sở dữ liệu, nhật ký, bách khoa toàn thư, các tài liệu/ấn bản của các tổ chức chính phủ, tài liệu lịch sử, tạp chí, bản tin, các văn bản hành chính, tài liệu tham khảo, các bài phát biểu, báo cáo, mô tả công việc, hướng dẫn đào tạo, từ điển, sổ tay… (McDougal Littell, Literature, Grade 6, 2008). Các văn bản này có thể được in theo kiểu truyền thống hoặc là những văn bản kỹ thuật số.
Như đã nói, đây là loại văn bản rất quen thuộc và hữu dụng trong đời sống sinh hoạt của mỗi người. Với Việt Nam, VBTT cũng đã có từ rất lâu trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, nhà trường từ trước đến nay chưa dạy cách đọc loại văn bản này. Chương trình ngữ văn 2018 yêu cầu dạy VBTT như một loại văn bản lớn bên cạnh văn bản văn học và văn bản nghị luận.
Theo tác giả, khi dạy cách đọc văn bản thông tin, giáo viên cần tập trung giúp học sinh nhận biết được đặc điểm của một văn bản thông tin là chính (ảnh minh họa). Ảnh: Đ.Yến
Mục đích của VBTT chủ yếu dùng để cung cấp thông tin về các hiện tượng tự nhiên, thuật lại các sự kiện, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, hướng dẫn các quy trình thực hiện một công việc nào đó… Cách thức trình bày của VBTT cũng có đặc điểm riêng, thường sử dụng chữ viết kết hợp với các phương thức khác như hình ảnh, âm thanh… VBTT được học trong chương trình 2018 ở tiểu học và THCS, đến THPT tiếp tục học nhưng yêu cầu cao hơn. Với lớp 10, chương trình yêu cầu chủ yếu dạy đọc các VBTT tổng hợp. Đó là loại văn bản người viết sử dụng phương thức thuyết minh kết hợp với một hoặc nhiều phương thức biểu đạt khác (biểu cảm, tự sự, miêu tả, nghị luận…). Ngoài ra, tính chất tổng hợp còn thể hiện ở việc trình bày kết hợp nhiều hình thức như chữ, hình ảnh, bảng biểu (văn bản đa phương thức). Chương trình chỉ quy định về kiểu VBTT tổng hợp còn nội dung (đề tài, chủ đề) tùy sự lựa chọn của mỗi bộ sách giáo khoa.
Đáp ứng yêu cầu nêu trên của chương trình, sách ngữ văn 10 (bộ Cánh diều) đã thiết kế bài đọc về VBTT vào một bài (bài 4 – tập 1). Trong bài này, VBTT tổng hợp được thông qua các văn bản cụ thể sau: “Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: Một hằng số văn hóa Việt Nam” (GS. Trần Quốc Vượng); “Lễ hội Đền Hùng”; “Lễ hội dân gian đặc sắc của dân tộc Chăm ở Ninh Thuận”; “Lễ hội Ok Om Bok” – một lễ hội của đồng bào Khmer (Nam bộ). Có thể thấy đề tài, chủ đề bài này chính là văn hóa – lễ hội. Tính chất tổng hợp thể hiện rõ ở bài viết của GS. Trần Quốc Vượng. Viết về văn hóa Hà Nội, tác giả vận dụng rất nhiều kiến thức thơ văn, lịch sử, địa lý và những trải nghiệm đời sống. Bài “Lễ hội Đền Hùng”, hướng dẫn học sinh đọc đồ họa (Inforgrafic) kết hợp giữa kênh chữ và kênh hình. Các bài về văn hóa – lễ hội ở đây được lựa chọn theo 3 miền Bắc – Trung – Nam. Lựa chọn những văn bản trên, sách giáo khoa muốn giới thiệu những nét đặc sắc văn hóa truyền thống của dân tộc ở nhiều vùng miền khác nhau, nhưng yêu cầu chính là học sinh nhận biết được cách triển khai thông tin bằng nhiều hình thức; tác dụng của cách trình bày văn bản có sử dụng kết hợp kênh chữ với kênh hình (văn bản đa phương thức); nhận biết được cách đưa tin và quan điểm của người viết tin.
2. Dạy cách đọc VBTT, giáo viên cần tập trung giúp học sinh nhận biết được đặc điểm của một VBTT là chính. Theo đó, đặc điểm của VBTT thể hiện trước hết ở cách trình bày (ví dụ: nhan đề, sa-pô, tiêu mục, tiểu mục, loại chữ đậm, các ký hiệu gạch đầu dòng và số thứ tự, các công cụ hỗ trợ đồ họa như biểu đồ, đồ thị, hình minh họa và ảnh…). Phân tích và đánh giá được đề tài, thông tin cơ bản của văn bản, cách đặt nhan đề của tác giả; nhận biết được mục đích của người viết. Từ đó thấy được ý nghĩa và tác dụng của cách trình bày trong văn bản. Tiếp đến, cần nhận biết được cách triển khai ý tưởng thông tin trong văn bản (ví dụ triển khai theo quan hệ nguyên nhân – kết quả; theo trật tự thời gian; vấn đề và giải pháp; liệt kê chuỗi sự việc; các bước trong quy trình; phân loại đối tượng…). Tìm hiểu thông tin chi tiết trong văn bản; biết suy luận và phân tích mối liên hệ giữa các chi tiết và vai trò của chúng trong việc thể hiện thông tin chính của văn bản; đánh giá được ý nghĩa của những thông tin đó với thực tiễn đời sống. Phân tích, đánh giá tác dụng của phương tiện ngôn ngữ và các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ; sự kết hợp của yếu tố thuyết minh với miêu tả, biểu cảm, tự sự trong việc truyền tải thông tin đến người đọc; giải thích được mục đích của việc lồng ghép các yếu tố đó vào văn bản. Cần kết nối với hiểu biết, kinh nghiệm, vốn sống cá nhân và các hoạt động tra cứu khác để hỗ trợ việc tìm hiểu và vận dụng thông tin từ văn bản. Nêu được ý nghĩa hay tác động của VBTT đã đọc đối với bản thân.
Dạy học đọc hiểu VBTT nhằm đáp ứng một nhu cầu thực tế rất quan trọng. Bất kỳ một học sinh cũng như người lao động bình thường nào hàng ngày đều đọc rất nhiều VBTT, nhưng không phải ai cũng có kỹ năng đọc loại văn bản này một cách thành thạo; nhiều người không phân biệt được cách đọc VBTT với văn bản văn học. “Về cơ bản, chúng ta đọc loại văn bản này để chuyển hóa các thông tin hoặc kiến thức trong văn bản thành tri thức của mình với mục đích sử dụng luôn trong học tập và đời sống hoặc làm tư liệu cho mai sau. Chỉ nguyên mục đích đó đã làm cho việc đọc VBTT trở nên khác với đọc văn bản văn học, như Rosenblatt (1978) đã gợi ý.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)