Dạy đọc hiểu và dạy viết văn bản nghị luận có liên quan nhưng không phải là một. Cùng là văn bản nghị luận, nhưng yêu cầu và cách thức dạy đọc hiểu khác với dạy viết. Tuy nhiên, đặc điểm văn nghị luận là chung. Mục đích của văn nghị luận là thuyết phục…
Theo tác giả, dạy viết văn bản nghị luận không thể yêu cầu cao, giáo viên nên tập trung cho học sinh thực hành là chính (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Để thuyết phục người viết/nói phải nêu ý kiến, đưa ra các lý lẽ và bằng chứng. Lý lẽ giúp người ta hiểu; bằng chứng làm người ta tin. Khi đã hiểu và tin thì bị thuyết phục. Cần dạy văn nghị luận cho học sinh, vì bên cạnh việc rèn luyện tư duy hình tượng (tưởng tượng, liên tưởng, hình dung, so sánh…) còn phải phát triển tư duy logic (nói và viết sáng sủa, lập luận chặt chẽ, có lý lẽ và bằng chứng cụ thể, rõ ràng…). Vấn đề là nên bắt đầu dạy đọc và viết văn nghị luận từ lớp nào? Với chương trình 2018, ở cấp tiểu học chưa đặt ra yêu cầu đọc, viết văn nghị luận. Tuy nhiên, trong thực tế thì học sinh đã “làm” văn nghị luận rất nhiều. Khi một em nhỏ trả lời câu hỏi: Vì sao em yêu con mèo? Vì sao em thích nhân vật Đôrêmon? Vì sao em thích học môn toán?… thì chính là đã thực hành văn nghị luận (mà trẻ con thì luôn có vô vàn câu hỏi).
Chương trình 2018 chủ trương bắt đầu dạy đọc và viết văn bản nghị luận từ lớp 6, cả nghị luận văn học và nghị luận xã hội, nhưng yêu cầu đơn giản. Về đọc: Nhận biết được đặc điểm nổi bật của văn bản nghị luận. Về viết: “Bước đầu viết được đoạn văn ghi lại suy nghĩ, cảm xúc của mình sau khi đọc một bài thơ” chính là nghị luận văn học sơ giản (dạng phản hồi văn học). Nghị luận xã hội yêu cầu: “Bước đầu biết viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng mà mình quan tâm: Nêu được vấn đề và suy nghĩ của người viết, đưa ra được lý lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ cho ý kiến của mình”. Từ yêu cầu đọc và viết này, sách giáo khoa và giáo viên cụ thể hóa thành các bài học đọc và viết văn bản nghị luận.
Dạy đọc văn bản nghị luận với sách ngữ văn 6 (bộ Cánh diều), giáo viên chỉ cần chú ý mấy điểm sau: Thứ nhất, tổ chức cho học sinh đọc kỹ văn bản nghị luận trong sách giáo khoa (thường rất ngắn), tìm hiểu các từ ngữ khó như là đọc các văn bản khác; không cần quá đi sâu vào tìm hiểu tác giả bài nghị luận. Thứ hai, tổ chức cho học sinh tìm hiểu các câu hỏi trong sách giáo khoa. Ví dụ, với bài “Nguyên Hồng – nhà văn của những người cùng khổ” (Nguyễn Đăng Mạnh), giáo viên có thể chia ra các nhóm tìm hiểu 4 câu đầu. Để có thời gian trao đổi nên chia 4 nhóm, mỗi nhóm một câu. Những câu khác, các em sẽ tìm hiểu ở bước trao đổi, thảo luận. Thứ ba, tổ chức cho học sinh trao đổi, thảo luận kết quả tìm hiểu các câu hỏi đã làm theo trình tự từ câu 1 – câu 4, trên cơ sở đó giáo viên tổng kết lại nội dung của mỗi câu. Thứ tư, tổ chức cho học sinh viết (câu 5), bắt buộc tất cả đều phải viết đoạn văn (4-5 dòng) thể hiện cảm nghĩ của em về nhà văn Nguyên Hồng; sau đó đọc phần viết của một số học sinh.
Học sinh lớp 6 sân khấu hóa tác phẩm văn học (ảnh minh họa). Ảnh: Đ.Yến
Khác với đọc hiểu, dạy viết là dạy học sinh cách nghĩ và cách diễn đạt nên giáo viên chỉ gợi ra hướng như sách đã nêu, còn nội dung cụ thể để các em tự tìm ra, tự hoàn chỉnh, tự diễn đạt theo cách của mình. Với văn nghị luận không nên yêu cầu học sinh có bài viết dài, hay và đầy đủ ngay. |
Cần chú ý, khi dạy đọc văn bản nghị luận ở tất cả các bài, giáo viên không cần nêu thêm bất kỳ một nội dung nào khác, mà chỉ phát triển chi tiết hoặc thêm câu hỏi gợi mở từ các câu hỏi trong sách giáo khoa. Vì các câu hỏi ấy đã thể hiện đủ các yêu cầu đọc hiểu của chương trình về văn bản nghị luận rồi. Trong 5 câu hỏi của sách giáo khoa thì câu 4 (Văn bản trên cho em hiểu thêm gì về nội dung đoạn trích Trong lòng mẹ đã học ở bài 3?) chính là liên hệ và câu 5 yêu cầu viết đoạn văn là vận dụng rồi, không phải nêu thêm gì ở phần liên hệ, vận dụng nữa. Về thời lượng, với sách ngữ văn 6 có ít nhất 2 tiết (90 phút) để dạy một văn bản nghị luận. Có thể phân bổ tương đối như sau: Tổ chức cho học sinh đọc văn bản (20 phút); tìm hiểu các câu hỏi (15 phút); tổ chức cho học sinh trao đổi (30 phút) và yêu cầu viết đoạn văn ngắn (20 phút); 5 phút tổng kết. Văn bản dài 1,5 trang dạy trong 2 tiết với yêu cầu như trên thì sẽ không có gì là quá sức.
Dạy viết văn bản nghị luận ở lớp 6 không thể yêu cầu cao. Giáo viên nên tập trung vào việc tổ chức cho học sinh thực hành là chính. Sách giáo khoa đã nêu lên bài tập thực hành về hai dạng bài này. Giáo viên tổ chức cho học sinh làm theo các bước, ưu tiên cho bước tìm ý, lập dàn ý và bước viết thành đoạn văn, bài văn. Trừ bài kiểm tra giữa học kỳ, bốn bài còn lại của mỗi học kỳ có ba tiết dành cho viết. Trong 3 tiết ấy, phần Định hướng chỉ cần 15 phút. Phần thực hành, gồm: Chuẩn bị 5 phút; tìm ý và lập dàn ý 40 phút; thời gian luyện viết là 45 phút; còn lại 30 phút là đọc chéo lẫn nhau, kiểm tra, chỉnh sửa lỗi của đoạn, bài đã viết. Khác với đọc hiểu, dạy viết là dạy học sinh cách nghĩ và cách diễn đạt nên giáo viên chỉ gợi ra hướng như sách đã nêu, còn nội dung cụ thể để các em tự tìm ra, tự hoàn chỉnh, tự diễn đạt theo cách của mình. Với văn nghị luận không nên yêu cầu học sinh có bài viết dài, hay và đầy đủ ngay.
Cần kiên trì từng bước, yêu cầu các em suy nghĩ theo ý của mình, khuyến khích những suy nghĩ khác nhau…, dù có thể chưa đúng. Bước đầu, không nên lấy yêu cầu dài ngắn, học sinh viết được bao nhiêu tùy vào mỗi em, miễn là đoạn văn, bài văn được viết từ chính suy nghĩ và cảm xúc của các em; không chép lại từ bài khác, của người khác… Lỗi về viết sẽ được chỉnh sửa dần trong mỗi bài và cả năm học, thậm chí cả cấp học, không thể một sớm, một chiều.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)