Dạy học ngữ văn trước hết là cung cấp cách thức, công cụ để các em giao tiếp tốt (hiểu, cảm, phân tích, thưởng thức…) chính là phát triển năng lực. Cung cấp công cụ phải thông qua văn bản cụ thể…
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) trong một tiết học online môn ngữ văn (ảnh minh họa)
1. Cho đến nay rất nhiều người vẫn hiểu, môn ngữ văn chỉ học các tác phẩm văn chương (thơ, truyện, tiểu thuyết, ký…). Nghĩa là chủ yếu chỉ học văn chương tưởng tượng, hư cấu. Sự thực đúng là đã từng có quan niệm đối tượng môn ngữ văn cần hướng đến chỉ là các tác phẩm văn chương. Ngay chương trình văn học THPT năm 1989 cũng quan niệm giảng văn là chỉ giảng những tác phẩm văn chương hư cấu. Vì thế, ngày ấy đã chuyển tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang dạy ở phần Làm văn như một tác phẩm mẫu mực cho văn nghị luận. Từ sau 2000, với chương trình 2006 quan niệm dạy ngữ văn được mở rộng hơn. Đối tượng đọc hiểu bao gồm cả văn bản văn học (truyện, thơ, ký, kịch) và văn bản không hư cấu (văn bản nghị luận và một số văn bản nhật dụng). Chương trình 2018 mở rộng hơn nữa: đọc cả 3 loại: văn bản văn học, văn bản nghị luận và thêm văn bản thông tin (VBTT).
2. Khác với văn bản nghị luận chủ yếu nhằm thuyết phục; văn bản văn học chủ yếu nhằm thổ lộ, giãi bày tình cảm, tư tưởng… VBTT (Informational texts) chủ yếu nhằm cung cấp thông tin một cách khách quan, trung thực. VBTT rất đa dạng, phong phú nhưng có đặc điểm riêng. Về hình thức, VBTT thường có: nhan đề, sa-pô, tiểu mục, các loại chữ đậm, nhạt, các ký hiệu gạch đầu dòng, số thứ tự, đồ họa, biểu đồ, đồ thị, hình minh họa và ảnh… Về tổ chức nội dung, VBTT thường sắp xếp các ý tưởng và thông tin theo thứ tự quan trọng, hoặc theo trình tự thời gian, quan hệ nhân quả, so sánh – tương phản… Về dạng thức, các bài báo, tạp chí, tài liệu giáo khoa, hợp đồng, phiếu bảo hành, hướng dẫn sử dụng, thông báo, bản tin, báo cáo, đơn xin việc, biên bản, sơ yếu lý lịch… đều được coi là VBTT.
3. Như thế, có thể thấy loại văn bản này rất phổ biến, hiển thị rất nhiều trong đời sống hằng ngày, thậm chí ra đời học sinh phải tiếp xúc với VBTT nhiều hơn các loại văn bản khác. Trong thực tế, VBTT đã vào sách giáo khoa các môn học ở nhà trường từ lâu. Đọc các bài trong sách lịch sử, địa lý, vật lý, toán, kỹ thuật, hóa học… chính là đọc VBTT. Nhưng nhà trường lại không dạy cách đọc loại văn bản ấy. Vì thế, bây giờ cần phải dạy cách đọc loại văn bản này để học sinh không chỉ biết đọc các VBTT trên phương tiện truyền thông hằng ngày mà trước hết biết đọc hiểu VBTT trong sách giáo khoa các môn học, giúp học tốt các môn học này. Vì lẽ đó mà từ cuối thế kỷ trước, chương trình nhiều nước phát triển đều quan tâm dạy VBTT, coi trọng không kém việc dạy văn bản văn học.
4. Do đặc điểm và tính chất của VBTT như trên nên không thể đòi hỏi VBTT có chất văn như truyện và thơ. Và vì thế việc dạy loại văn bản này khác với dạy văn bản văn học. Khi dạy đọc VBTT, giáo viên cần chú ý giúp học sinh nhận ra các đặc điểm của VBTT ấy. Trước hết là cho học sinh quan sát các yếu tố hình thức của VBTT. Bắt đầu từ nhận biết dạng thức của văn bản (là bài báo, bài tạp chí hay tài liệu giáo khoa; bài thuyết minh hay hợp đồng, bảo hành, thông báo…). Sau đó là nhận biết các yếu tố hình thức và tác dụng của chúng như: nhan đề văn bản, ngày đăng tải, sa-pô, cách trình bày thông tin, các tiêu đề nhỏ, các tiểu mục và kênh hình (ảnh, bảng biểu, đồ thị…). Từ các yếu tố hình thức này mới kết hợp khai thác nội dung. Như thế, dạy VBTT là dạy cách đọc VBTT, giúp học sinh nhận biết được đặc điểm của loại văn bản ấy để hiểu đúng thông tin trong văn bản là chính. Ví dụ, dạy bài “Bác Hồ và Tuyên ngôn độc lập” trong Ngữ văn 6 (Cánh diều) không phải là dạy bài lịch sử mà dạy cách đọc VBTT thuật lại một sự kiện lịch sử theo trình tự thời gian. Giáo viên cần giúp học sinh chú ý vào các điểm chính như: Tác giả viết về sự kiện gì? Thời điểm đăng tải bài viết (1-9) có ý nghĩa gì? Thông tin chính mà văn bản cung cấp cho người đọc được nêu ở phần nào? Các yếu tố nhan đề, sa-pô, đề mục, chữ đậm, số thứ tự, dấu đầu dòng, hình ảnh… trong văn bản có tác dụng gì? Những mốc thời gian được nhắc đến trong văn bản. Tương ứng với mỗi mốc thời gian đó là sự việc gì? Ý nghĩa của việc thuật lại sự kiện đó đối với người đọc?…
Dạy học ngữ văn trước hết là cung cấp cách thức, công cụ để các em giao tiếp tốt (hiểu, cảm, phân tích, thưởng thức…) chính là phát triển năng lực. Cung cấp công cụ phải thông qua văn bản cụ thể. Văn bản nào cũng hàm chứa nội dung; qua nội dung mà giáo dục tư tưởng, tình cảm, nhân cách… chính là phát triển phẩm chất.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)