Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dây dưa BHXH, lao động thiệt đủ đường

Tạp Chí Giáo Dục

Đối với các đơn vị chây ỳ, trốn đóng BHXH cho người lao động lẽ ra phải xử phạt kịp thời, nếu hành vi nghiêm trọng nên truy tố thì doanh nghiệp mới ngán.
Mặc dù cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, phối hợp cùng Thanh tra Lao động TP thanh tra định kỳ, đột xuất các đơn vị dây dưa, né đóng BHXH cho người lao động. Nhưng thực tế tình trạng các doanh nghiệp (DN) không đóng BHXH và “ém” sổ BHXH của người lao động (NLĐ) vẫn còn khá phổ biến.
Ba năm trốn đóng BHXH cho nhân viên
Các nhân viên làm việc tại Công ty Truyền thông S.X (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc phản ánh: “Chúng tôi ký hợp đồng dài hạn với công ty từ năm 2010 nhưng công ty không hề đóng BHXH, BHYT… cho NLĐ”. Bị thiệt thòi quyền lợi, các nhân viên ở công ty này đã đề nghị giám đốc công ty phải đóng BHXH cho họ nhưng rốt cuộc năm lần bảy lượt nơi này vẫn không đả động gì đến quyền lợi của NLĐ. Nhiều người mất kiên nhẫn, chán nản bỏ việc nhưng cũng không được hưởng chế độ BHTN vì nơi này không đóng BHXH cho họ. Bi đát hơn, hồi giữa năm ngoái, chị K. – một một nhân viên ở công ty này sinh con, do công ty không đóng BHXH nên chị K. hoàn toàn không có bất cứ chế độ nào về thai sản theo Luật Lao động. “Trớ trêu hơn, trong thời gian sinh con, tôi không được hưởng chế độ thai sản và cũng không được công ty trả lương cơ bản. Gần đây, khi thấy chúng tôi kiên quyết đòi đóng bảo hiểm nghe nói công ty đã rục rịch liên hệ đóng BHXH trong năm 2012, còn các năm trước đó họ lờ đi” – chị K. cho hay.

Rất nhiều lao động bị DN trốn đóng các loại bảo hiểm nên khi nghỉ việc cũng không có cơ hội để nhận BHTN. Trong ảnh: NLĐ đăng ký BHTN. Ảnh: P. ĐIỀN
NLĐ phản ánh ngoài trốn đóng BHXH trong ba năm, công ty này cũng trừ thuế cá nhân. Cụ thể, công ty không cho NLĐ kê khai giảm trừ gia cảnh. Một nhân viên có con nhỏ, lương tháng 5 triệu đồng nhưng hằng tháng vẫn bị trừ 50.000 đồng. “Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, kiếm việc làm không dễ dàng, chúng tôi không dám bỏ việc tùy tiện để tìm kiếm công việc mới. Mong các cơ quan chức năng xem xét giải quyết để quyền lợi NLĐ không bị thiệt thòi” – NLĐ ở công ty này kiến nghị.
Trước sự bức xúc của NLĐ và sự vi phạm pháp luật của công ty này, ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Kiểm tra BHXH TP, đã có công văn kiến nghị cơ quan Thanh tra Lao động TP thanh tra đột xuất đơn vị này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
“Mất” sổ BHXH vì làm cho công ty đối thủ!
Đó là tình cảnh của chị Võ Thị Bích Thủy, nhân viên thiết kế Công ty TNHH Dệt thêu may Mỹ Dung (quận Bình Tân, TP.HCM). Chị Thủy trình bày: Chị làm việc tại công ty từ năm 1998, đến năm 2001 thì ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, sau khi ký xong công ty lại không đưa cho chị bản hợp đồng nào. Đến tháng 10-2009, chị nghỉ việc nhưng công ty không trả cho chị bất cứ loại giấy tờ nào, trong đó có sổ BHXH vì cho rằng chị nghỉ việc để làm việc cho công ty đối thủ. Lo ngại ngần ấy năm làm việc bị mất quyền lợi, chị Thủy yêu cầu công ty trả sổ BHXH nhưng công ty trả lời sổ BHXH đã bị thất lạc.
Bức xúc với cách trả lời “vô can” của công ty, chị Thủy đã kiến nghị Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Tân can thiệp để đòi lại sổ BHXH. Tại phiên hòa giải, có đại diện Phòng LĐ-TB&XH quận Bình Tân, bà Lý Thị Vân, Giám đốc công ty, cho biết sẽ làm lại sổ BHXH mới với điều kiện chị phải vào công ty xác nhận thời gian làm việc. Cho rằng mình không liên can đến việc mất sổ BHXH và công ty phải có trách nhiệm làm lại sổ mới vì thế chị nhất quyết không vào công ty.
Trao đổi với PV, bà Vân giãi bày: “Cô Thủy đã có thời gian làm việc cho công ty chúng tôi một thời gian dài, được đãi ngộ rất tử tế, có tình có lý nhưng sau đó cô nghỉ ngang ba năm vì chuyện riêng. Trong khi đó, các phần mềm thiết kế thời trang của công ty đều do cô nắm giữ khiến chúng tôi thiệt hại rất nhiều. Điều tôi lấn cấn nhất là cô ấy đi làm cho công ty đối thủ. Nếu cô Thủy có thiện ý hợp tác với bộ phận nhân sự thì chúng tôi sẵn lòng làm lại cho cô ấy”.
Phạt nặng như cơ quan thuế, may ra…
Đối với các trường hợp nợ BHXH thì NLĐ có quyền khởi kiện đơn vị sử dụng lao động ra tòa. Ngoài ra, các đơn vị vi phạm khi bị cơ quan thanh tra lao động xử phạt hành chính, yêu cầu khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho NLĐ. Trong thực tế, ngay cả khi tòa tuyên phần thắng thuộc về NLĐ thì việc thi hành án đối với người sử dụng lao động cũng hết sức khó khăn. Vì các DN này ngay từ đầu họ đã cố tình chây ỳ, đến khi thi hành án thì hầu như họ không còn tài sản gì đáng giá.
Đối với các đơn vị chây ỳ, trốn đóng BHXH cho NLĐ lẽ ra phải xử phạt kịp thời, nếu hành vi nghiêm trọng nên truy tố thì DN mới ngán. Ngoài ra, có thể tăng mức xử phạt thật nặng như cơ quan thuế may ra mới tháo gỡ được tình trạng trốn đóng BHXH gia tăng như hiện nay.
Ông Đỗ QUANG KHÁNH, Phó Giám đốc BHXH TP
PHONG ĐIỀN
Pháp Luật TP

Bình luận (0)