Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dây dưa nợ bảo hiểm thất nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sau 2 năm triển khai bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), số doanh nghiệp nợ, thậm chí trốn đóng BHTN gia tăng. Tình trạng này khiến nhiều lao động mất việc làm không được giải quyết chế độ.

Lao động bị mất việc làm sẽ không được hưởng trợ cấp BHTN nếu doanh nghiệp chậm đóng hoặc nợ đọng BHTN  Ảnh: Phong Cầm.
Quỹ BHTN tăng mạnh
Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đến hết tháng 2, có 225.675 lượt người đăng ký và 176.894 người có quyết định hưởng BHTN. Bình quân một tháng, một trung tâm giới thiệu việc làm có 249 người đến đăng ký thất nghiệp. Số lượng người tham gia BHTN lớn hơn rất nhiều so với dự kiến, tập trung tại TPHCM (71.506 người), Bình Dương (54.281 người), Đồng Nai (22.945 người), Hà Nội (5.084 người)… Năm 2010, Quỹ BHTN chi trả trên 550 tỷ đồng.
Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, với 1% quỹ tiền lương phải bỏ ra, nhiều doanh nghiệp tự giác thực hiện chính sách BHTN cho người lao động. Tính đến tháng 12-2010, tổng số lao động tham gia BHTN là 7,05 triệu người, tăng 19,6% so với năm 2009. Tổng thu năm 2010 là 4.800 tỷ đồng, đưa tổng Quỹ BHTN lên 8.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình trạng nợ dây dưa BHTN đang tăng mạnh. Tính riêng tại Hà Nội, cơ quan BHXH thành phố đang quản lý hơn 27.347 đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Năm 2010, có hơn 842 doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHTN với số tiền gần 200 tỷ đồng. Những doanh nghiệp nợ đọng chủ yếu rơi vào lĩnh vực xây dựng, cầu đường. Không ít lao động mất việc khi đến cơ quan chức năng đăng ký để hưởng BHTN mới biết chủ sử dụng chưa đóng BHTN.
Cần nâng mức xử phạt
Ông Trương Trọng Thắng, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội, cho biết, tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài ảnh hưởng quyền lợi người lao động; dù ngành bảo hiểm đã chủ động đôn đốc, kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng thành lập đoàn thanh tra liên ngành song nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình không thực hiện. “Nếu như trước kia, tình trạng nợ đọng chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp, đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì vài năm gần đây có xu hướng lan sang cả những doanh nghiệp hoạt động bình thường, thậm chí còn rất phát triển”, ông Thắng nói.
Theo ông Trung, nguyên nhân của tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHTN là do người sử dụng lao động luôn tìm cách đối phó, trốn tránh hoặc chiếm dụng tiền đóng BHTN của người lao động để tái sản xuất. Bên cạnh đó, do lãi suất chậm đóng của nợ BHTN luôn thấp hơn lãi suất vay ngân hàng; mức xử phạt nợ, chậm đóng BHTN còn quá nhẹ nên không đủ sức răn đe.
Ông Trung cho rằng, dù chế tài xử phạt chậm đóng, nợ đọng BHTN đã được nâng lên trong Nghị định 86 (mức phạt tối đa tăng từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng) nhưng đây vẫn là mức xử phạt nhẹ nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm. Nếu có khởi kiện ra tòa thì cũng chỉ ra tòa dân sự hoặc kinh tế nên không có tính răn đe, khiến tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, chậm đóng BHTN không những giảm mà còn gia tăng, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động. Bởi thế, cần nâng mức xử phạt lên gấp nhiều lần, mới đủ sức răn đe, ông nói.
Phong Cầm/ TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)