Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy gì khi trẻ còn thơ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trong giáo dục, nếu người lớn quá chi phối và hạn chế hành vi của trẻ thì trẻ sẽ bắt chước và cho rằng mình cũng có thể làm như vậy đối với người lớn.

Trong nhiều năm làm việc, tôi thường nhận được nhiều câu hỏi từ phía phụ huynh. Một số câu hỏi thường gặp: “Con trai tôi rất ích kỷ, làm gì để cháu trở nên rộng lượng hơn?”, “Con gái tôi lúc nào cũng cáu kỉnh và hẹp hòi với bạn bè. Làm gì để giúp cháu đối xử với mọi người bằng lòng tốt và sự tôn trọng?”…
Trả lời những câu hỏi này là rất khó trong điều kiện con cái chúng ta luôn bị bủa vây bởi những hứa hẹn viển vông của các công ty quảng cáo, lắm phim ảnh ẩn nhiều chuyện phi giáo dục…

Giờ học ngoài trời của một lớp mầm non tại TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Dạy tính tự lập
Khi được 1 tuổi trở lên, trẻ bắt đầu hình thành kỹ năng tự phục vụ. Ở giai đoạn này, phụ huynh cần dạy cho trẻ các kỹ năng tự phục vụ, như biết cởi giày, ra dấu khi có nhu cầu vệ sinh, cài nút áo, chải đầu, đánh răng, tự xúc cơm ăn… Những điều này giúp trẻ tăng cường tính độc lập và có cảm giác về sự thành công nên ngoài việc có lợi cho sự phát triển của trẻ thì còn giúp ích rất nhiều cho cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ.
Bất cứ lúc nào phụ huynh cũng đều có thể rèn luyện cho trẻ những kỹ năng này. Khi giao nhiệm vụ tự phục vụ thì phụ huynh có thể đưa ra những điều kiện thuận lợi để trẻ có thể hoàn thành một cách dễ dàng, ví dụ giao những đôi giày to hơn so với cỡ chân của trẻ khi dạy trẻ tự mang giày, đưa cái ly có miệng rộng hơn khi dạy trẻ tự rót nước vào ly. Những cách làm này sẽ gây cho trẻ hứng thú và tự tin trong việc hoàn thành các nhiệm vụ chơi và học.
Dạy lễ phép
Một số đông phụ huynh thường phàn nàn rằng trẻ em ngày nay ít lễ phép hơn so với trẻ em trước đây. Cách cư xử, sự kính trọng đối với người lớn tuổi là điều cần thiết phải dạy cho trẻ biết kể từ khi hình thành giai đoạn giao tiếp và phát triển các mối quan hệ xã hội.
Muốn vậy thì khi trẻ 2 tuổi, phụ huynh nên chú ý dạy trẻ hành vi biết nghe lời chỉ bảo của cha mẹ và người lớn, nhường nhịn và tuân theo luật chơi khi tham gia trò chơi tập thể, biết nói xin lỗi, nói lời cảm ơn khi người lớn cho quà, biết chào hỏi… Những điều này sẽ dần dần trở thành hành vi tự giác ở trẻ.
Trong việc giáo dục những thái độ lễ phép, ứng xử cho trẻ ở giai đoạn này, một trong những yếu tố rất được đề cao là vai trò của phụ huynh và giáo viên. Ở độ tuổi mẫu giáo, những điều trẻ học được thường không phải là những lời lẽ mà là thông qua những thái độ hoặc hành động làm gương của người lớn. Vì vậy, nếu phụ huynh hoặc giáo viên có thái độ không tốt đối với trẻ thì trẻ sẽ học theo, đối xử không tốt với bạn bè và người xung quanh. Nói cách khác, hành vi của phụ huynh, giáo viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý cũng như sự hình thành tính cách của trẻ.
Tôn trọng: “dinh dưỡng đặc biệt”
Người lớn có xu hướng chiều theo mọi hành vi của trẻ vì nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, cần sự ưu ái, quan tâm, chăm sóc. Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, có cá tính và mong muốn thể hiện sự độc lập của mình. Vì vậy, trong giáo dục trẻ, nếu người lớn quá chi phối và hạn chế hành vi của trẻ thì trẻ sẽ bắt chước và cho rằng trẻ cũng có thể làm như vậy đối với người lớn.
Ví dụ khi nói chuyện với trẻ, không những chúng ta chăm chú lắng nghe mà còn cúi thấp xuống để trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, không ép khi trẻ ăn cơm, không mắng nhiếc thậm tệ khi trẻ phạm lỗi, cũng không nên buộc theo ý cha mẹ hoàn toàn khi muốn trẻ thay quần áo. Hối thúc hay quát nạt sẽ làm cho trẻ thêm tự ti và khó dạy hơn.
Khi cha mẹ đưa món đồ ăn nào cho trẻ mà trẻ nói “không ăn”, “không thích” hoặc ngược lại, trẻ nằng nặc đòi ăn mãi một món nào đó thì cha mẹ cũng không nên to tiếng quát nạt. Bởi vì trẻ không có gì sai khi thể hiện sở thích xem gì, ăn gì của mình. Điều cha mẹ cần phải làm là căn cứ vào thời điểm thích hợp để giảng giải cho trẻ hiểu với tư cách là người hướng dẫn. Không nên dạy dỗ trẻ trước mặt người khác, càng không cho phép mắng trẻ là “thằng này ngu lắm, đồ ăn này ngon mà không chịu ăn” hoặc “không ăn cho mày nhịn đói luôn đi, ai mà rảnh rỗi đi hầu hạ mãi”…
Dành 20 phút/ngày cho trẻ
20 phút là thời gian không dài nhưng sẽ rất hữu ích với trẻ. Qua giọng đọc rủ rỉ của cha mẹ mà hứng thú đọc sách sẽ dần được hình thành trong trẻ. Bên cạnh đó, thực tiễn đã chứng minh rằng việc trẻ được nghe đọc sách thường xuyên có thể giúp tăng cường khả năng chú ý, vốn từ vựng, kích thích, khơi gợi trí tưởng tượng, mở rộng tầm nhìn và kiến thức. Chơi với con, vì thế là việc mà các bậc cha mẹ được khuyến cáo nên ưu tiên hàng đầu vì đó là sự vui chơi kết hợp giáo dục.
Kiều Thanh Hà(chuyên viên tâm lý, TPHCM)
Nguoi Lao Dong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)