Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy học bằng tiếng Anh: Có thật chính đáng?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khi đề cập đến chủ trương của Bộ Giáo dục – Đào tạo về việc từ niên học 2011-2012 sẽ dạy học sinh trường chuyên các môn học tự nhiên bằng tiếng Anh, Giáo sư Lê Tự Hỷ (Atlanta – Mỹ) – người đã từng công tác trong ngành giáo dục Việt Nam gần 40 năm và rất am tường lĩnh vực này của một số  nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Nhật – đã thẳng thắn góp ý:

Không biết Bộ GDĐT đã căn cứ vào những yếu tố nào để đưa ra kế hoạch? Và thật sự những yếu tố này có thật chính đáng, cần phải dốc sức người, sức của?
Theo GS Lê Tự Hỷ, chủ trương dạy một số môn bằng tiếng Anh cho học sinh trường chuyên là không chính đáng (ảnh minh hoạ). Ảnh: KỲ ANH
Trước hết, xin nói ngay kế hoạch này không khả thi, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Vì sao? Bởi hiện tại lực lượng thầy giáo nói tiếng Anh của ta liệu đã sử dụng trôi chảy để có thể đảm nhận được công việc giảng dạy bằng thứ tiếng này? Theo tôi, các thầy giáo của ta, với 4 năm học tại trường đại học sư phạm thì không đủ khả năng dạy các môn học bằng tiếng Anh. Bởi ngay cả những thầy cô chuyên giảng dạy ngôn ngữ này sau 4 năm học đại học sư phạm tiếng Anh, nếu không tu nghiệp với những thầy dạy tiếng Anh bản ngữ ít nhất 2 năm thì cũng chưa đủ “chuẩn” để dạy. Đó là chưa nói đến tình trạng nếu học sinh trường chuyên – vốn là những học sinh thông minh, nhưng lại phải tiếp thu kiến thức các môn học bằng tiếng Anh từ người thầy chưa đủ trình độ về ngôn ngữ để trình bày bài giảng một cách lưu loát thì sẽ trở thành… “lợi bất cập hại”.
Hơn nữa, liệu Bộ GDĐT đã tính đến phương án khi những lớp HS này tham gia vào kỳ thi tuyển sinh ĐH trong nước sẽ như thế nào? Các em sẽ thi chung đề với đại trà HS các trường phổ thông khác, hay lại phải tổ chức một kỳ thi riêng? Và liệu nếu thi chung thì họ có đủ kiến thức chuyên môn bằng tiếng Việt để làm bài thi khi họ được đào tạo, giảng dạy toàn bằng tiếng Anh? Ngoài ra, theo tôi biết, mục tiêu của trường chuyên không phải là dạy “gà nòi”, luyện thi quốc tế mà để tạo nền tảng đào tạo hàng loạt chuyên gia đạt trình độ tiến sĩ vào tầm tuổi 24-30 để phụng sự đất nước. Hơn nữa, ở các kỳ thi quốc tế, HS dự thi làm bài bằng tiếng Việt chứ không làm bài bằng tiếng Anh. Vì vậy, ý kiến cho rằng do khả năng tiếng Anh còn yếu, nhiều HS dự thi Olympic quốc tế gặp khó khăn trong giao tiếp cũng như tiếp cận đề thi, cách ra đề bằng tiếng Anh là không thuyết phục.
Cũng cần nói thêm, một trong những lý do khiến tôi cho rằng “không chính đáng”, đó là kế hoạch này sẽ gây nên tác động tâm lý không tốt cho nhiều thế hệ HS trường chuyên. Bởi, như tôi đã đề cập đến để ở trên, HS trường chuyên đa  phần là những HS thông minh, có tiềm năng. Đây chính là lực lượng đáng quý của tri thức tương lai cho đất nước. Chính vì vậy, chúng ta phải giáo dục các em thành người có khả năng chuyên môn cũng như phải tinh thông về tiếng Việt, yêu tiếng Việt để có thể phụng sự đất nước. Các em phải được học các môn bằng tiếng Việt với một văn phong thuần Việt trong sáng, để cảm nhận được rằng tiếng Việt cũng là một ngôn ngữ có khả năng diễn đạt mọi tư tưởng của nhân loại. Và về sau này, chính các em sẽ có khả năng và nhiệm vụ giúp làm phong phú thêm tiếng Việt trong chuyên ngành mà các em tinh thông.
Ngược lại, nếu chúng ta giảng dạy cho các em bằng tiếng Anh thì vô tình đã tạo cho các em tâm lý xem nhẹ tiếng Việt và không thể diễn tả được chuyên môn của các em bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ. Đó chính là mầm mống giảm đi tình yêu đối với quê hương, đất nước. Hơn nữa, các em sẽ mất đi khả năng và nhiệm vụ làm giàu tiếng Việt mà tầng lớp trí thức ưu tú như các em đáng lý phải đảm trách.
Vậy, nên dạy như thế nào? Xin có một vài gợi ý: Phải dạy các em mọi môn bằng tiếng Việt. Song song đó, trang  bị thêm cho các em một ngoại ngữ tinh thông. Có thể từ lớp 3 hay lớp 6 đến lớp 12, chủ yếu là kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thông thạo về những vấn đề chung của xã hội, chứ không phải chỉ trong một chuyên ngành mà các em theo học. Bên cạnh đó, dạy thêm cho các em một ngoại ngữ thứ hai nữa (từ lớp 10 đến lớp 12). Và một trong hai ngoại ngữ này sẽ là tiếng Anh. Với vốn kiến thức và ngoại ngữ này, các HS trường chuyên nếu có điều kiện du học nước ngoài sẽ dễ dàng thích nghi. Điều này đã được minh chứng qua nhiều tiền lệ như thế hệ của chúng tôi cũng như nhiều thế hệ trước đây và cả về sau này, đã có biết bao HS giỏi của nước ta đâu cần học mọi môn học bằng tiếng Anh ở trung học, mà đến học đại học ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Nhật, Nga… bằng tiếng bản xứ cũng đã trở thành tiến sĩ, những người làm việc trong  lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng như văn học ở xứ người…
Linh Lan lược ghi / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)