Một tiết dạy toán bằng tiếng Anh của thạc sĩ Đỗ Khánh Giang tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai
|
Nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh (HS) bậc THPT, nhiều trường trên địa bàn TP.HCM đã và đang triển khai giảng dạy các môn toán, lý, hóa, sinh bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, không ít nơi còn lúng túng…
Mỗi trường mỗi… kiểu
Triển khai giảng dạy các môn toán, lý, hóa bằng tiếng Anh từ năm học 2007-2008, đến nay, Trường THPT Lê Quý Đôn đã có 6 giáo viên (GV) giỏi chuyên môn, thạo tiếng Anh đảm nhận trách nhiệm đứng lớp. Một tuần, các em HS được học 12 tiết/ 3 môn vào các chiều thứ sáu, bảy, chủ nhật. Thời gian qua, Trường THPT Lê Quý Đôn chỉ hợp tác cùng Hội đồng Anh trong công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực Anh ngữ cho GV. Do đó, từ việc cung cấp giáo trình đến quá trình đánh giá kết quả đều do Hội đồng Anh quyết định. Mục đích chính của chương trình hợp tác này là nhằm phục vụ cho quá trình du học của HS chứ nội dung giáo trình chưa thực sự đi đúng trọng tâm: Giảng dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cũng tập trung giảng dạy hai môn toán, lý bằng tiếng Anh cho cả 3 khối lớp. Nguồn giáo trình chủ yếu dựa vào các tài liệu do thầy cô đi nước ngoài mua hay các em du HS gửi về. Cô Đồng Thị Minh Thủy, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Dựa trên nguồn tài liệu này, các GV được phân công tìm hiểu rồi soạn lại giáo trình giảng dạy riêng cho từng môn”. Chia sẻ về quá trình triển khai giảng dạy các môn tự nhiên bằng tiếng Anh, ban giám hiệu các trường cho rằng họ chưa nhận được những hướng đi nhất quán, cụ thể như đào tạo, nâng cao năng lực GV ra sao, nguồn giáo trình lấy từ đâu, thời lượng cũng như cách đánh giá kết quả HS như thế nào… Thậm chí nhiều trường còn phải tự dịch sách từ tiếng Việt sang tiếng Anh để giảng dạy.
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thời gian qua đã dạy môn toán và lý cho HS khối 10 bằng tiếng Anh. Thế nhưng, Ban giám hiệu nhà trường vẫn có cảm giác đây chưa phải là những môn có tính tác động tích cực. Đa phần HS tiếp cận bài giảng tốt, nhưng mỗi tuần các em chỉ được học 1 tiết, khoảng thời gian quá ngắn để thích nghi với cách dạy hiện đại này. Nếu có định hướng rõ ràng hơn về thời gian, giáo trình, cách đánh giá kết quả… chắc hẳn việc dạy toán, lý bằng tiếng Anh của nhà trường sẽ sớm vào guồng.
Mục đích của Đề án giảng dạy toán và các môn khoa học bằng ngoại ngữ nhằm giúp HS sớm nắm bắt những thuật ngữ chuyên môn để có thể chủ động tra cứu mọi thông tin trên internet, qua các nguồn tài liệu nước ngoài chứ không phải là học tiếng Anh thông qua các môn khoa học. Và khó khăn gặp phải ở đây chủ yếu do trình độ tiếng Anh của HS không đồng đều, trong khi tính chất, yêu cầu của mỗi bộ môn cũng hoàn toàn khác nhau. Nhằm “phân luồng” người học, Trường THPT Lương Thế Vinh đã tổ chức cho HS thi xếp lớp. Tuy nhiên, đến khi triển khai chương trình, trường chủ yếu chỉ dạy để HS nắm các thuật ngữ tiếng Anh của bộ môn vì năng lực ngoại ngữ của các em còn chênh lệch nhiều.
Cô Đồng Thị Minh Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, chia sẻ rằng, nếu sử dụng riêng tiếng Anh để dạy thì HS rất khó để hiểu hết bài cũng như các thuật ngữ chuyên ngành. Như vậy cũng sẽ thiệt thòi cho những em không giỏi ngoại ngữ nhưng lại có mong muốn được học những lớp như thế này.
Không thầy đố trò làm nên
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, năm học 2012-2013, các trường chuyên (cũng như những trường có điều kiện) phải khẳng định có đủ khả năng giảng dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh. Trước tiên các trường phải chuẩn bị đủ nguồn nhân lực, GV bộ môn nào thì dạy môn đó. Bàn về vấn đề này nhiều trường lắc đầu ngao ngán bởi để tìm ra đội ngũ sư phạm có trình độ chuyên môn vững vàng, đủ khả năng sử dụng tiếng Anh giảng dạy đã khó mà giữ chân được họ lại càng khó hơn.
“Nhà trường đã mời được một giảng viên dạy toán đạt chuẩn đề ra nhưng ngặt nỗi mức thù lao cho mỗi tiết tại trường quá thấp. Thầy dạy bằng tinh thần tự nguyện là chính nên chúng tôi chưa biết liệu thầy có gắn bó lâu dài hay không?”, một lãnh đạo Trường THPT Lương Thế Vinh tâm sự.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tưởng chừng may mắn hơn các trường khác vì có đội ngũ GV đạt trình độ thạc sĩ trở lên, đủ năng lực tiếng Anh để triển khai hiệu quả đề án này. Thế nhưng, sau khi được bồi dưỡng, nâng cao năng lực đứng lớp, hay bảo vệ luận án xong, nhiều thầy cô lại xin chuyển sang môi trường khác có điều kiện để công tác. Điều này khiến Ban giám hiệu nhà trường khá đau đầu. Thầy Trần Đức Huyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết hiện tại trong trường đã có một GV dạy hóa chuyển sang Trường Đại học KHTN TP.HCM công tác, một GV chuyển sang Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý, và một vài thầy cô cũng đang “rục rịch” chuyển đi. Không thể trách họ được bởi lẽ với trình độ tương đương, GV bản ngữ được trả từ 20 USD/ tiết trở lên trong khi GV Việt Nam lại được hưởng mức thù lao không xứng với công sức đã bỏ ra. Tuy nhiên, nếu cứ tạo điều kiện cho GV nâng cao năng lực rồi lại ra đi thì thật lãng phí.
Trước những khó khăn này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Hoài Chương cho rằng: “Các trường không nên lấy chế độ chính sách ra để trả lương cho thầy cô. Chúng ta nên xem đây như chương trình tiếng Anh tăng cường rồi thương lượng với PHHS tìm cách hỗ trợ GV. Có như thế mới giải quyết được phần nào những khó khăn. Và nên xem đây như là một hoạt động ngoại khóa chứ không phải bắt buộc. Đồng thời cần giảng dạy trên tinh thần tự nguyện, tránh gây căng thẳng cho các em”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
“Tránh dịch sách giáo khoa tiếng Việt sang tiếng Anh mà nên lấy giáo trình từ nước ngoài, có nội dung gần với chương trình của Việt Nam, soạn lại để giảng dạy sẽ hay hơn. Những trường chưa có tài liệu nên học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các trường đã có. Để đánh giá năng lực, điểm số của HS, có thể tạo một học bạ riêng như chương trình tiếng Anh tăng cường. Việc làm này sẽ khuyến khích tinh thần học tập của các em” – ông Nguyễn Hoài Chương nói. |
Bình luận (0)