Hơn 15 năm theo nghề giáo, chuyên nhận nhiệm vụ đứng lớp giảng dạy cho học sinh khiếm thính ở Trường Chuyên biệt Tương lai TP.Đà Nẵng, cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn yêu thương, chăm sóc học trò của mình như người mẹ thứ hai. Với cô Thu, đó là cách san sẻ cùng các em một chút thiệt thòi trong đời sống, cùng hướng về phía trước sáng tươi hơn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu dạy học bằng trách nhiệm và tình yêu dành cho trẻ khiếm thính
Tận tâm với nghề
Một tiết học toán của các em học sinh lớp học D3 – Trường Chuyên biệt Tương lai TP.Đà Nẵng một ngày cuối tháng 12 khi chúng tôi đến vẫn diễn ra như những tiết học khác. Cô giáo Thu đứng trên bục giảng, mở khẩu hình miệng song song với ngôn ngữ ký hiệu bằng tay để giảng cho các em. Phía dưới những ánh mắt chăm chú nhìn cô giảng. Thi thoảng những cánh tay đưa lên trả lời bài học, những ký hiệu ngôn ngữ được diễn tả bằng những ngón tay bé xinh vẽ chữ số vào không trung. Nhận được một câu trả lời đúng, cô giáo mỉm cười thật tươi, tiến về phía góc trái bảng đánh dấu thêm một ngôi sao lên tên học trò vừa phát biểu.
Cô Thu bảo, để có được những tiết học suôn sẻ như thế, ngay từ đầu năm học, giáo viên phải nỗ lực 200% để giúp các em làm quen với trường lớp, với các tiết học chỉ có ký hiệu bằng tay. “Giáo viên chỉnh chu và tỉ mỉ trong từng cử chỉ tay làm sao cho trùng với khẩu hình miệng để các em nắm bắt và hiểu được mình đang nói gì, đồng thời cũng là cách giúp các em diễn đạt đúng cho giáo viên dễ hiểu. Có những cử chỉ mình phải dạy lặp đi lặp lại nhiều lần để các em ghi nhớ”, cô Thu chia sẻ.
Học trò ở lớp khiếm thính luôn xem cô Thu như người mẹ thứ hai của mình
Quê ở Quảng Nam. Năm 2001, cô Thu nhận công tác về Trường Chuyên biệt Tương lai TP.Đà Nẵng. Thương những đứa trẻ khiếm khuyết chịu nhiều thiệt thòi, khát khao được đứng trên bục giảng để cùng nắm tay các em đi qua chặng đường tuổi thơ đầy bỡ ngỡ, cô không ngừng học tập để nâng cao trình độ. Cô Thu lần lượt tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế chuyên ngành giáo dục mầm non và tiếp tục hoàn thành văn bằng 2 về giáo dục trẻ khuyết tật tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Để giúp học trò tiếp cận nhiều hơn, bắt nhịp tốt hơn với học tập, cô Thu đã cùng đồng nghiệp công tác cùng trường là cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu có nhiều sáng kiến về làm đồ dùng dạy học. Tiêu biểu nhất là sáng kiến “Mô hình hình học giúp học sinh khiếm thính Trường Chuyên biệt Tương lai học tốt môn toán”. Sáng kiến đạt giải C cấp thành phố, năm học 2021-2022. Cũng trong năm học này, sáng kiến này đạt giải nhất cuộc thi đồ dùng dạy học cấp nhà trường và giả ba hội thi đồ dùng dạy học do dự án “Tăng cường năng lực mạng lưới hệ thống giáo dục hòa nhập cộng đồng tỉnh Quảng Ngãi và TP.Đà Nẵng” tổ chức; giải nhì cấp thành phố dành cho sáng kiến “Ô cửa sổ đa năng cho học sinh khiếm thính Trường Chuyên biệt Tương lai TP.Đà Nẵng”.
Yêu trò như con
Tiếng trống báo hiệu giờ giải lao giữa buổi học vừa vang lên, cô bé M.A từ lớp học bên cạnh vội vã chạy đến tìm cô Thu. Dịu dàng lắng nghe từng cử chỉ của học trò, cô Thu gật đầu và cùng M.A bước sang phòng học lớp 5. Cô Thu tiến lại gần cậu học trò M.K đang ngồi khóc, nhẹ nhàng dỗ dành và giải thích sự hiểu nhầm giữa M.K và các bạn cùng lớp. Một lát sau, M.K lau nước mắt, nở nụ cười và gật đầu cảm ơn cô giáo rồi tiếp tục vui chơi cùng các bạn. “M.K là học trò lớp tôi các năm trước. Em khá cá tính nên từ ngày đầu vào trường, tôi đã dành cho em sự quan tâm đặc biệt. Từ một cậu bé bướng bỉnh, M.K dần thân thiện và luôn tìm đến tôi mỗi khi có vướng mắc với các bạn cùng lớp. M.K xem tôi như mẹ nên dù lên lớp lớn rồi mỗi khi có chuyện gì cũng tìm đến tôi”, cô Thu kể.
Các học trò ở lớp khiếm thính
Lặng thầm trên bục giảng, trong lớp học bằng trách nhiệm của người thầy và tình yêu của người mẹ, hơn 15 năm qua, cô Nguyễn Thị Hoài Thu đã truyền thụ kiến thức, chỉ dẫn nhiều thế hệ học trò khiếm thính thích ứng với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. |
Thường xuyên được phân công giảng dạy lớp khiếm thính, cô Thu thường tìm hiểu tính cách, nắm bắt tâm tư từng học trò. “Trước khi là cô giáo thì tôi phải làm bạn với các em. Tạo cho các em sự thân thiện, gần gũi để các em mạnh dạn hơn, bước ra khỏi sự nghi ngại khi học tập và vui chơi cùng tập thể”, cô Thu chia sẻ. Không chỉ vậy, cô còn như một người mẹ thứ hai của học trò. Mọi vướng mắc, tâm tư, thậm chí cả quá trình phát triển tâm sinh lý với nhiều điều khó sẻ chia của học sinh đều được cô tìm cách tháo gỡ, chỉ dẫn các em từng bước một. Với những học sinh cá tính, cô làm cầu nối với phụ huynh để cùng nhau tìm ra giải pháp tốt cho học trò.
Cô Thu bảo, mình phải yêu thương trò như con thì mới nhận lại được sự sẻ chia từ các em. “Tôi luôn thương các em như con của mình. Thậm chí còn yêu thương nhiều hơn vì các em chịu thiệt thòi. Nếu mình không đưa tay ra nắm lấy bàn tay các em, dẫn dắt, đùm bọc, chỉ dẫn thì các em khó hòa nhập với cuộc sống đời thường ngoài kia”.
Lặng thầm trên bục giảng, trong lớp học bằng trách nhiệm của người thầy và tình yêu của người mẹ, hơn 15 năm qua, cô Thu đã truyền thụ kiến thức, chỉ dẫn nhiều thế hệ học trò khiếm thính thích ứng với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
“Niềm hạnh phúc nhất của tôi là dù tôi chỉ dạy các em những năm đầu bậc tiểu học nhưng các em luôn xem tôi là người thân, dù không còn học ở lớp tôi dạy thì vẫn tìm đến chia sẻ với tôi nhiều câu chuyện trong học tập, cuộc sống. Nhiều em lớn lên, có việc làm, ngày xây dựng gia đình còn đến mời tôi tham dự. Trẻ khuyết tật cũng như bao đứa trẻ khác, các em cũng có tâm tư, các em thiệt thòi hơn nhiều vì việc sẻ chia, tâm sự với người thân, bạn bè gặp khó khăn. Vì thế mình yêu thương như một sự bù đắp thiếu khuyết cho các em”, cô Thu bộc bạch.
Phan Lệ
Bình luận (0)