Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy học dưới góc độ định hướng năng lực

Tạp Chí Giáo Dục

Trong giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa là yêu cầu cấp thiết trong xu thế hội nhập. Đổi mới để tồn tại và phát triển, nhằm hướng tới một nền giáo dục tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong khuôn khổ bài viết mang tính chất trao đổi cùng đồng nghiệp, chúng tôi xin đưa ra cách dạy học đoạn trích Chiến thắng Mtao – Mxây trong sử thi Đăm Săn của người Ê Đê dưới góc độ định hướng năng lực cho học sinh (HS). Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi sử dụng kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo ở người học.

Học để biết → hình thành năng lực chuyên môn

Học để biết là quá trình tiếp nhận từ đơn giản đến phức tạp. Học để biết không chỉ diễn ra trong nhà trường mà còn trong cộng đồng xã hội, trong suốt thời gian tồn tại của con người. Trong nhà trường, hướng người học vào hình thành năng lực chuyên môn. Tùy thuộc vào từng môn học, bài học người dạy định hướng và xây dựng nền tảng cho HS những năng lực chuyên môn cụ thể.

Một tiết học môn ngữ văn của HS Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: ANh Khôi

Trong đoạn trích này, giáo viên (GV) cung cấp cho HS khối lượng kiến thức vừa mang giá trị văn hóa, giá trị văn học. Biết về những giá trị văn hóa tộc người thuộc dải Trường Sơn – Tây Nguyên – trong đó có người Ê Đê như: Văn hóa trang phục; văn hóa âm nhạc; văn hóa tổ chức cộng đồng người; văn hóa về tín ngưỡng, thần linh; quan niệm về cuộc chiến trong sử thi Đăm Săn và rộng hơn nữa là sử thi các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Trong đoạn trích Chiến thắng Mtao – Mxây, GV cung cấp cho người học lượng kiến thức về văn chương như: Bút pháp nghệ thuật (miêu tả, so sánh, ẩn dụ…); những giá trị mang thuộc tính văn học mà sử thi Đăm Săn mang lại. Đây là bước quan trọng hình thành trong người học những đơn vị kiến thức cơ bản làm nền tảng, để từ đó, mỗi HS tự khám phá, tìm hiểu thêm ở loại hình sử thi anh hùng này.

Học để làm → hình thành năng lực phương pháp

Sau khi được cung cấp kiến thức, mỗi HS tự mình tìm cách tiếp cận sao cho mang lại hiệu quả cao nhất. Điều này tùy thuộc vào tư duy, sự lĩnh hội, các phương pháp xử lý và cao hơn là kỹ năng ở mỗi em. Ví dụ, để hình thành năng lực phương pháp ở người học, GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi: Phần cuối đoạn trích chú ý nhiều đến việc miêu tả cảnh chết chóc hay cảnh ăn mừng chiến thắng? Hãy phân tích ý nghĩa của sự lựa chọn ấy để làm rõ thái độ, cách nhìn nhận của tác giả về ý nghĩa thời đại của cuộc chiến tranh bộ tộc và về tầm vóc lịch sử của người anh hùng trong sự phát triển của cộng đồng (sách giáo khoa Ngữ văn 10 – tập 1, NXB Giáo dục, Tr36). Để trả lời cho câu hỏi này, HS phải lựa chọn phương pháp thuyết trình, phân tích, chứng minh dựa trên những tài liệu đã sưu tầm (trong thư viện, qua báo, đài, hoặc đã từng tiếp xúc trực tiếp với người Ê Đê…), qua việc định hướng giảng dạy của GV. Tuy nhiên, GV phải chuẩn bị sẵn phương án trả lời chính xác làm mẫu để những em chưa có câu trả lời chính xác theo đó hình thành năng lực phương pháp.

Học để cùng chung sống → hình thành năng lực xã hội

Nhiệm vụ lớn lao của giáo dục là dạy cho người học cách chung sống trong cộng đồng không chỉ trong một dân tộc mà nhiều dân tộc, không chỉ trong nước mà còn mở rộng ở nhiều nước (quốc gia). Kỹ năng chung sống – năng lực xã hội – là mấu chốt của dạy học.

Trong quá trình thu thập tài liệu, HS phải biết cách giao tiếp với cộng đồng người dân tộc thiểu số, hiểu về văn hóa, ngôn ngữ, biết cách khai thác những thông tin liên quan đến bài học. Đây chính là chỗ giáo dục cho người học hình thành năng lực giao tiếp xã hội: Học cách ứng xử, tinh thần trách nhiệm, khả năng giải quyết xung đột, mâu thuẫn có thể xảy ra trong quá trình giao tiếp khai thác tài liệu. Thông thường, GV chia HS thành nhóm, mỗi nhóm có từ 5 đến 7 thành viên. Cách hoạt động này mang lại hiệu quả cao bởi các em phải hình thành năng lực giao tiếp trong nhóm, sau đó thảo luận nhóm những vấn đề nảy sinh trong quá trình làm việc.

Ở đây, HS tự rút ra bài học cho bản thân trong nhiều lĩnh vực, tự biết mình còn thiếu gì từ đó tự bổ sung hoàn thiện dần. Phương pháp dạy học như vậy, GV đã giúp HS không chỉ có kiến thức sách vở, còn cả kiến thức xã hội, giao tiếp.

Học để tự khẳng định → hình thành năng lực cá thể

Kết quả cuối cùng trong quá trình tiếp nhận ở HS là chỗ các em tự trả lời câu hỏi “qua bài học, mình đã lĩnh hội được những gì?”.

Người học tự đánh giá khả năng tiếp thu bài học, rút ra những điểm mạnh, điểm yếu, xây dựng kế hoạch học tập, điều chỉnh hành vi và phương pháp học tập tốt hơn, đánh giá hình thành chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa, lòng tự trọng trong người học.

Như vậy, khi dạy một đoạn trích ngắn Chiến thắng Mtao – Mxây, người dạy đã cung cấp cho HS không chỉ kiến thức sách vở mà ở đó còn hình thành một số kỹ năng sống, như kỹ năng giao tiếp xã hội. Có thể nói chúng ta đang đi theo hướng nhà trường dạy những gì xã hội và người học cần.

ThS. Nguyễn Thanh Du

(GV Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk)

Dạy học theo chương trình định hướng năng lực là gì?

Theo tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực HS xuất bản năm 2014, tại trang số 16 ghi: “Giáo dục định hướng năng lực nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của chất lượng dạy học, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất, nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn nhằm chuẩn bị cho con người năng lực giải quyết tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp”. Như vậy, chương trình đã nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách chủ thể của quá trình nhận thức.

Để đáp ứng chương trình giáo dục trên, người dạy cần linh hoạt vận dụng các phương pháp tiến hành trong bài giảng như: Dạy học giải quyết vấn đề; dạy học theo tình huống; dạy học phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo… Tùy thuộc vào từng văn bản cụ thể, GV đứng lớp áp dụng phương pháp sao cho đạt hiệu quả theo chương trình giáo dục định hướng năng lực cho người học. 

 

Bình luận (0)