Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy học gợi mở và tương tác

Tạp Chí Giáo Dục

Trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay, phương hướng dạy học gợi mở, dẫn dắt vấn đề đang được coi trọng.

Đối với bộ môn ngữ văn, hình thức lên lớp của người thầy là đưa ra hệ thống câu hỏi theo một số tiêu chí nhất định để thâm nhập bài học. Hệ thống câu hỏi đó có thể từ dễ đến khó, từ cụ thể đến trừu tượng, từ chi tiết đến khái quát… Điều này phụ thuộc vào ý đồ của thầy cô giáo cũng như năng lực của đối tượng tiếp nhận. Nhìn chung, dạng câu hỏi phổ biến có tính chất dẫn dắt, gợi ý là chính. Một số trường hợp khác, người thầy đưa ra nhận định chưa chính xác để kiểm tra thông tin, nhận thức của người học. Theo đó, người thầy không còn truyền thụ kiến thức một chiều mà luôn lắng nghe những ý kiến tham gia của các em học sinh. Từ đó, quá trình học tập trở thành quá trình tương tác.

Để thực hiện hoạt động dạy học theo hình thức tương tác có kết quả, người thầy phải lắng nghe tất cả các ý kiến nhưng phải biết dẫn dắt học sinh để giúp các em có cách tư duy và lập luận đúng. Trong thời đại thông tin, học sinh được truy cập kiến thức từ rất nhiều nguồn, do đó người thầy cần phải trang bị kiến thức nền, kiến thức chuyên môn vững vàng, có quan điểm đối thoại rõ ràng. Về phía học sinh phải có hiểu biết nhất định mới đặt ra vấn đề cùng biện bác, luận bàn. Thực tế việc giảng dạy theo phương hướng gợi mở, tương tác mang tới nhiều hứng thú cho học sinh nhưng chỉ thực hiện hiệu quả với những em học khá, giỏi. Từ đó bài giảng được khai thác phong phú hơn, tránh cảm tính, suy diễn chủ quan. Cách dạy này không chỉ có kết quả tốt hơn về kiến thức mà còn rèn luyện cho học sinh sự tự tin, mạnh dạn dám đưa ra ý kiến của bản thân. Bởi vì thông thường, học sinh trước một bài luận không dám đưa ra những điều các em nghĩ mà nhớ xem thầy cô giáo đã giảng về nó thế nào, rồi cố gắng viết lại chính xác nhất. Về phía người thầy không ngại khi học sinh phản bác, đưa ra ý kiến trái chiều. Qua đó năng lực cá nhân của thầy và trò được phát huy tối đa. Người thầy trở thành một nhân tố của quá trình biện bác không còn giữ vai trò người toàn trí, đại diện cho chân lý.

Một tiết học môn văn lớp 12 tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: Anh Khôi

Phương pháp dạy học gợi mở và tương tác còn có tác dụng lớn trong phân hóa giáo dục. Theo định hướng đổi mới giáo dục, sau năm 2015 sẽ thực hiện phân hóa từ bậc THPT. Chúng tôi tán thành quan điểm, kiến thức phổ thông nên dạy theo hướng tích hợp đến bậc THCS, bước sang THPT nên phân hóa để có những tăng/giảm phù hợp với năng lực. Bởi khoa học cho thấy năng lực của mỗi cá nhân không hoàn toàn giống nhau. Chúng tôi cũng không tán thành quan điểm, ngành/môn nào cao quý hơn, giá trị hơn. Có một thời ở bậc phổ thông chúng ta chỉ coi trọng các môn toán, lý, hóa.

Phương pháp dạy học gợi mở và tương tác tạo cơ hội cho người thầy tiếp xúc và lắng nghe, đồng thời quan sát người học, biết được khả năng từng người. Đây cũng là chỗ để người thầy có thực sự là một nhà giáo dục hay không, có khả năng hiểu biết con người hay không. Quá trình giảng dạy của người thầy và quá trình học sinh tự nhận thức về bản thân sẽ giúp định hướng phát triển năng lực cho các em. Đó cũng là góp phần thực hiện phân hóa giáo dục. Bởi vì mục đích của giáo dục chính là giúp học sinh trưởng thành, bước vào đời thành công.

TS. Đinh Phan Cẩm Vân

(Phó trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Bình luận (0)