Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy – học ngoại ngữ chưa gắn thực tế

Tạp Chí Giáo Dục

Việc dạy – học ngoại ngữ hiện nay ở nhiều trường ĐH vẫn chỉ chú trọng kỹ năng đọc, viết và mục đích chủ yếu là phục vụ các kỳ thi chứ chưa thực sự ứng dụng vào thực tiễn công việc. Dù đã có “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2008-2020” với mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường nhưng đến nay kết quả đạt được chưa cao.

Ảnh một giờ học ngoại ngữ của SV TP.HCM

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn (Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) cùng một số tác giả đã đề cập điều này tại hội thảo “Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ nhất” do trường này tổ chức ngày 1-12.

Theo ông Hoàn, một trong các nguyên nhân chính của thực trạng nói trên là số giáo viên (GV) giảng dạy ngoại ngữ chưa đạt chuẩn; một số địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu trầm trọng GV dạy ngoại ngữ. Bên cạnh đó, những năm qua, việc giảng dạy ngoại ngữ ở nhiều trường ĐH trên cả nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu diễn ra ở lớp học, người học không có cơ hội sử dụng ngoại ngữ giao tiếp. Tiếng Việt vẫn còn được sử dụng phổ biến trong quá trình giảng dạy ngoại ngữ cho SV. Việc áp dụng các mô hình dạy học tiên tiến như mô hình lớp học đảo ngược vẫn còn hạn chế, chưa triển khai rộng rãi và ít được chú tâm, dẫn đến việc giảng dạy tiếng Anh không kích thích được tính chủ động tích cực của người học.

Việc thiết kế nội dung giảng dạy và triển khai chương trình đào tạo của các trường cũng ít tham khảo chuyên gia, nhà tuyển dụng và nhu cầu của người lao động nên nội dung học chưa hữu dụng cho người học. Môi trường thực hành tiếng Anh ở các trường hiện chủ yếu diễn ra ở khuôn khổ lớp học, cùng với hạn chế về thời gian dẫn đến hiệu quả học không cao.

Các trường CĐ-ĐH cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn về ngoại ngữ cho SV khi tốt nghiệp, tuy nhiên các quy chuẩn đầu ra cũng thường dựa vào bài thi đánh giá năng lực như TOEIC, TOEFL, IELTS… dễ dẫn đến việc dạy và học chạy theo các bài thi hơn là hoàn thiện các kỹ năng cho SV.

Ông Hoàn cho rằng, cần triển khai xây dựng một chương trình tiếng Anh không chuyên tổng thể phù hợp với đối tượng người đi làm, bắt đầu từ xác định chuẩn đầu ra tương ứng với từng học viên, từng nhu cầu của khách hàng, đơn vị đặt hàng. Trên cơ sở đó xác định người học cần gì và phải học những kỹ năng, khối kiến thức nào trước, khối kiến thức và kỹ năng giao nào tiếp sau để có thể lựa chọn nội dung giảng dạy phù hợp.

Các đơn vị đào tạo cần tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh hoặc môi trường song ngữ cho học viên trong giờ học và tại nơi đào tạo để học viên có thể vận dụng ngay kiến thức. Nhà trường, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi về ngoại ngữ, giao lưu giữa các đơn vị, trường, trung tâm trong và ngoài nước nhằm tạo điều kiện cho người dạy lẫn người học có môi trường trao đổi tốt ngoại ngữ.

Đặc biệt, việc nâng cao trình độ GV giảng dạy ngoại ngữ cần đươc chú ý thông qua các hoạt động tạo điều kiện học tập, trao đổi với GV, chuyên gia nước ngoài; cử GV tham quan các mô hình đào tạo ngoại ngữ chuẩn của các nước và các đơn vị đào tạo có uy tín để học tập kinh nghiệm. Các trường cần đưa tiêu chuẩn ngoại ngữ vào điều kiện quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và tạo điều kiện cho các cán bộ, viên chức tích lũy dần các tiêu chuẩn để kích thích việc nâng cao trình độ ngoại ngữ.

“Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở các trường, trung tâm đào tạo thông qua việc đầu tư về đội ngũ GV, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, giáo trình. Đặc biệt, các trường cần xem việc giảng dạy ngoại ngữ là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với ứng dụng thực tế”, ông Hoàn đề xuất.

M.Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)