Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy học ngoại ngữ ở trường CĐ: Sĩ số đông + chương trình ít = chất lượng kém?

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học ngoại ngữ đông như thế này thì khó đảm bảo được chất lượng. Ảnh chụp tại một trường CĐ trên địa bàn TP

Năng lực ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đã trở thành công cụ không thể thiếu của mỗi lao động Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, bài toán khó cho các trường CĐ và ĐH hiện nay là tốt nghiệp ra trường, SV vẫn không sử dụng được tiếng Anh khi làm việc…
Ngày 15-3, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức tổ chức Hội nghị báo cáo chuyên đề “Nâng cao năng lực tiếng Anh cho SV CĐ” nhằm tìm ra những nguyên nhân và khắc phục các điểm còn yếu kém trong công tác giảng dạy tiếng Anh ở các trường CĐ hiện nay.
Lớp học 70-80 em!
Theo một cuộc khảo sát tiếng Anh của SV ĐHQG TP.HCM do Hội đồng Anh, ĐH Cambridge và Trung tâm Khảo thí đánh giá chất lượng ĐHQG TP.HCM thì 100% SV không đủ năng lực đọc, hiểu tiếng Anh ở trình độ sơ cấp A2 theo tiêu chuẩn chung châu Âu. Đối với kỹ năng viết, có 22% SV đạt trình độ sơ cấp, riêng kỹ năng nghe thì khá hơn (khoảng 60% SV đạt trình độ sơ cấp). Khảo sát này đã được thực hiện cách đây khoảng 6 năm nhưng theo TS. Phan Thế Hưng (giảng viên Trường CĐ Bách Việt): “Dù thời gian thực hiện khảo sát này đã khá lâu nhưng nhìn chung năng lực ngoại ngữ của SV hiện nay vẫn chưa có nhiều thay đổi. Trình độ tiếng Anh của phần lớn SV còn ở mức trung bình và kém, đặc biệt là SV hệ CĐ và TCCN”.
Cô Phạm Hoàng Minh Thảo (giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) nêu thực tế: “Trình độ tiếng Anh của SV Việt Nam còn thấp so với thế giới, trình độ này chỉ mới đạt trong khoảng 360-370 điểm TOEFL hoặc 3,5 điểm IELTS. Theo Hiệp hội Các nhà trắc nghiệm ngôn ngữ châu Âu, ở trình độ này SV chưa thể tham gia vào các cuộc trao đổi ý kiến dù ở mức thấp nhất mà chỉ mới tiếp nhận những thông tin đơn giản trong những bối cảnh quen thuộc”.
Có rất nhiều lý do dẫn đến thực trạng yếu, kém của SV trong việc học ngoại ngữ. Nhiều giảng viên ở các trường CĐ cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do sĩ số lớp học quá nhiều trong khi thời lượng chương trình quá ít…
ThS. Châu Thị Khánh Linh (giảng viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch) thẳng thắn nói: “Sĩ số lớp khá đông (khoảng 60 em/lớp), thời gian học và thực hành ở lớp quá ngắn nhưng hầu hết SV không có thói quen tự học ở nhà là nguyên nhân dẫn đến thực trạng khả năng ngoại ngữ SV còn yếu”.
TS. Phan Thế Hưng cũng đồng tình: “Số lượng SV trong lớp quá đông  (chừng 50-60 em), có một số lớp ghép có khi lên tới 70-80 em/lớp thì giáo viên có giỏi thế nào, công cụ giảng dạy có hiện đại đến đâu cũng khó mà giảng dạy cho các em học tốt”.
Ngoài ra, sự chênh lệch đầu vào của SV cũng là khó khăn cho giảng viên trong quá trình giảng dạy. ThS. Nguyễn Thị Hải Vân (giảng viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch) cho hay: “Đa phần các SV ở tỉnh nên đầu vào không đồng đều, có em được học 7 năm nhưng cũng có em chỉ mới học 3 năm ở bậc THPT nên ở trong một lớp sẽ bao gồm các trình độ từ sơ cấp đến trung cấp”.
Bên cạnh đó, trách nhiệm này còn thuộc về đội ngũ giảng viên. “Phương pháp giảng dạy mà đa số giảng viên áp dụng vẫn còn bị ảnh hưởng bởi phương pháp dạy truyền thống và ít mang tính giao tiếp. Các phương pháp giảng dạy nhằm kích hoạt ở SV tính khám phá, sáng tạo, giao tiếp thật sự chưa được áp dụng rộng rãi”, ThS. Bùi Nguyễn Nữ Thục (giảng viên Trường CĐ Giao thông vận tải TP.HCM) thừa nhận sự yếu kém.
Cần thay đổi phương pháp giảng dạy
Để SV ra trường có năng lực ngoại ngữ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thì vấn đề cấp bách đặt ra cho các trường CĐ và ĐH là tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn này, đặc biệt là vấn đề sĩ số lớp học.
TS. Phan Thế Hưng cho rằng: “Cần kiểm tra trình độ SV ngay khi vào học, tổ chức lớp học theo trình độ, thành cặp và nhóm, tăng cường hoạt động giao tiếp trong lớp như thảo luận, trình bày, báo cáo, hoàn thành đề án… Đồng thời, đội ngũ giảng viên cũng cần tăng cường trình độ và kỹ năng tiếng Anh để có các phương pháp giảng dạy thu hút học viên”.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Thúy (Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) cũng cho rằng cần thay đổi phương pháp giảng dạy và khắc phục sĩ số lớp học đông: “Khi dạy tiếng Anh, cần cung cấp các hoạt động giao tiếp như đóng vai, làm việc nhóm, làm việc cặp cho học viên. Để thực hiện công việc này một cách hiệu quả, giảng viên nên chuẩn bị các nội dung bài học theo từng chủ đề giảng dạy, theo dõi tình hình thực hiện, để ý học viên nào không thực hành thì nhắc nhở, cho điểm cộng khi yêu cầu thực hành để học viên phấn khởi hơn…”.
Ngoài ra, những vấn đề như thay đổi phương thức kiểm tra đánh giá, lựa chọn giáo trình phù hợp, nâng cao phương tiện giảng dạy… là điều kiện cần để giúp việc dạy ngoại ngữ ở trường CĐ đạt hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để có kỹ năng tiếng Anh tốt thì vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở SV. “SV cần ý thức rõ tầm quan trọng của tiếng Anh để hình thành động cơ, hứng thú học tâp. Các em nên chủ động trong học tập, tích cực tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh để nâng cao khả năng nói tiếng Anh…”.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)