Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy học ngữ văn theo chương trình mới: Khoảng trống trong đào tạo, bồi dưỡng GV

Tạp Chí Giáo Dục

Chương trình ng văn 2018 đt ra mt vn đ hết sc cp thiết là cn giúp giáo viên (GV) chuyn t dy hc chy theo ni dung sang dy hc theo hưng phát trin phm cht và năng lc.

Hc sinh THPT đc tác phm thơ “Vit Bc” ca T Hu (nh minh ha).   Ảnh: N.Q

Dạy học phát triển năng lực không hướng đến việc cung cấp thật nhiều kiến thức ngôn ngữ và văn học mà quan tâm đến việc vận dụng những kiến thức ấy, quan tâm đến năng lực giao tiếp của người học, cụ thể là học sinh (HS) cần có năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học.

1. Dạy học theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi GV cần thay đổi, từ bỏ một số thói quen do lâu ngày dạy theo cách cũ ở tất cả các phương diện (phân môn). Trước hết là dạy đọc hiểu văn bản, GV cần phải chuyển từ cách dạy giảng văn sang dạy đọc hiểu văn bản; chuyển từ việc nói cho HS nghe những gì thầy cô hiểu, yêu thích về văn bản – tác phẩm sang hướng dẫn để các em biết tìm ra cái hay cái đẹp của tác phẩm theo cách nhìn và suy nghĩ cảm nhận của chính HS. Cần phải khẳng định, dạy học ngữ văn theo lối bình văn, giảng văn, phân tích tác phẩm có những ưu điểm; chẳng hạn với những GV giỏi qua giờ giảng văn có thể giúp HS say mê yêu thích văn chương – một yêu cầu cũng rất quan trọng trong dạy học ngữ văn. Nhưng cách dạy ấy có chung một hạn chế ở chỗ thầy nói là chính, thầy giảng những điều thầy hiểu về tác phẩm cho HS nghe, áp đặt cách hiểu của người dạy, HS chỉ ghi chép theo thầy. Trong khi lý thuyết tiếp nhận đòi hỏi mỗi người đọc phải là một chủ thể tiếp nhận sáng tạo, phải tham gia tạo nghĩa, lấp đầy khoảng trống của văn bản; đặc biệt phải biết cách đọc, cách khám phá ra các giá trị của văn bản. Nhìn từ góc độ lịch sử môn học sẽ thấy đọc hiểu văn bản là một bước tiến lớn trong thiết kế chương trình và quan niệm dạy học ngữ văn. Nó giúp HS biết cách đọc, tự tiếp nhận tác phẩm nhưng không thủ tiêu vai trò của người thầy. Người thầy vẫn có vai trò rất quan trọng trong việc đặt câu hỏi, nêu vấn đề, tổ chức cho HS hoạt động tìm hiểu văn bản. GV không làm thay, đọc hộ HS nhưng vẫn cần những phút giây thăng hoa, “lên đồng” đúng lúc, đúng chỗ; nêu lên những hiểu biết, cảm nhận của mình để cùng HS khám phá, trao đổi; giúp HS hoàn thiện, hoàn chỉnh, nâng cao những điều mình hiểu về tác phẩm ấy.

Dạy đọc hiểu văn bản trước hết HS phải tiếp xúc, làm việc với văn bản, chú ý quan sát các yếu tố hình thức của văn bản, từ đó có ấn tượng chung và tóm tắt được nội dung chính của văn bản. GV tổ chức cho HS tìm kiếm, phát hiện, phân tích, bước đầu suy luận ý nghĩa các thông tin, thông điệp, quan điểm, thái độ, tư tưởng, tình cảm, cảm xúc… được gửi gắm trong văn bản; hướng dẫn HS liên hệ, so sánh giữa các văn bản, bước đầu kết nối văn bản với bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội; kết nối văn bản với trải nghiệm cá nhân HS… để hiểu sâu hơn giá trị của văn bản; biết vận dụng, chuyển hóa những giá trị ấy thành niềm tin và hành vi ứng xử của cá nhân trong cuộc sống hàng ngày.

2. Dạy học ngữ văn theo hướng phát triển năng lực đòi hỏi GV cần biết tổ chức các hoạt động học tập, thông qua các hoạt động nhằm giúp các em tự khám phá và kiến tạo tri thức cho mình. GV không thể nói suốt trong giờ dạy, nói say mê những điều mình biết về văn bản – tác phẩm ấy, mà quan trọng là cần hướng dẫn để HS biết cách tiếp cận, nắm được cách tìm hiểu một văn bản theo đặc trưng thể loại. Từ đọc có hướng dẫn đến đọc độc lập (tự đọc). Tổ chức cho HS làm thông qua các hoạt động không có nghĩa là GV phó thác và mất hết vai trò làm thầy trong giờ học mà trái lại dạy học phát triển năng lực đòi hỏi GV phải nỗ lực rất nhiều. Cố gắng trong việc thiết kế giáo án, trong việc hướng dẫn tổ chức cho HS làm việc, nhắc nhở, uốn nắn những lệch lạc của HS trong tiếp nhận và tạo lập văn bản, tham gia cùng HS phát biểu những suy nghĩ và cảm nhận của mình về giá trị của văn bản – tác phẩm… Dạy viết có hai yêu cầu: dạy kỹ thuật viết và dạy viết đoạn văn, văn bản. Ngoài dạy kỹ thuật viết, đúng chính tả, mục đích quan trọng nhất của dạy viết theo yêu cầu phát triển năng lực là rèn luyện tư duy và cách viết, qua đó mà giáo dục phẩm chất và phát triển nhân cách HS. Vì thế khi dạy viết, GV cần chú trọng yêu cầu tạo ra ý tưởng, triển khai ý tưởng và biết cách trình bày ý tưởng, đảm bảo yêu cầu mạch lạc, sáng tạo và có sức thuyết phục.

Mục đích của dạy nói và nghe là nhằm giúp HS có khả năng diễn đạt, trình bày bằng ngôn ngữ nói một cách rõ ràng, tự tin; có khả năng hiểu đúng; biết tôn trọng người nói, người nghe; có thái độ phù hợp trong trao đổi, thảo luận. Dạy nói và nghe không chỉ phát triển năng lực giao tiếp mà còn giáo dục phẩm chất và nhân cách HS. Yêu cầu dạy nghe nói cần rèn luyện cho HS không chỉ nói nghe không đúng mục đích, có nội dung, cách nói phù hợp mà còn có thái độ đúng mực và có văn hóa trong giao tiếp, tranh luận, trao đổi… Năng lực văn học của HS phải được hình thành thông qua các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe, không tách rời với năng lực ngôn ngữ. Và vì thế đánh giá năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học của người học cũng phải thông qua các kỹ năng này.

3. Tất cả các yêu cầu cơ bản nêu trên về dạy học ngữ văn theo hướng phát triển năng lực là một thách thức lớn đối với thực trạng dạy học ngữ văn ở nước ta. Trước hết là do thói quen, quán tính của lối dạy học cũ. GV chỉ thích nói những gì mình thích cho HS nghe; đọc cho HS chép và đánh giá cao những gì HS nói và viết đúng ý mình. Tiếp đến là cách thức đào tạo trong các trường sư phạm. Chương trình ngữ văn ở nhà trường phổ thông đã chủ trương dạy đọc hiểu từ 20 năm trước, nhưng cho đến nay hầu như chưa hề có một giáo trình nào về phương pháp dạy học đọc hiểu cho sinh viên các trường sư phạm. Các tổ phương pháp dạy học tại các trường sư phạm vẫn mò mẫm tự tìm lối đi, mỗi nơi mỗi kiểu, thiếu sự thống nhất trong quan niệm và lý thuyết dạy học đọc hiểu. Hầu hết các tài liệu hiện nay đều nặng về lý thuyết đọc hiểu, trong khi vấn đề đặt ra với công tác đào tạo và bồi dưỡng GV phải là cách dạy đọc hiểu (phương pháp dạy học đọc hiểu); tức là dạy đọc hiểu như thế nào chứ không chỉ đọc hiểu là gì? Tương tự như thế là chưa có giáo trình về cách dạy viết (phương pháp dạy học tạo lập văn bản); cách dạy nghe và nói theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho HS. Việc bồi dưỡng GV lâu nay vẫn chú trọng về những chuyên đề bổ sung kiến thức; ít chú ý tới phương pháp dạy học theo yêu cầu mới. Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã khởi động tạo sự chuyển biến trong dạy học theo hướng phát triển năng lực cả về phương pháp dạy học và kiểm tra – đánh giá nhưng vẫn chưa có tài liệu nào giải quyết đúng mực và thỏa đáng về phương pháp dạy học đọc hiểu và đánh giá theo năng lực trong môn ngữ văn. Việc chỉ đạo dạy học ngữ văn từ Trung ương đến địa phương hầu như buông thả, không có tư tưởng, thiếu định hướng rõ ràng, thống nhất…

Dạy học theo hướng hình thành và phát triển năng lực là một xu thế tiến bộ không chỉ trong dạy học ngữ văn. Chương trình 2018 đã được xây dựng theo định hướng đó. Tuy nhiên, để biến các ý tưởng dạy học phát triển năng lực thành hiện thực là cả một vấn đề không ít thách thức, khó khăn. Đọc hiểu là gì đã khó; dạy đọc hiểu như thế nào còn khó hơn; khó nhất là thực hành dạy đọc hiểu trên lớp. Để có hy vọng, trước hết phải trông chờ vào chất lượng của việc bồi dưỡng và đào tạo GV. Không ai thay thế được GV. Gánh nặng này đang đè lên vai các trường sư phạm, nhà nghiên cứu ngữ văn, chuyên gia về phương pháp dạy học môn này. Một khoảng trống mênh mông cần san lấp về dạy học phát triển năng lực trong môn ngữ văn vẫn còn đó.

PGS.TS Đ Ngc Thng

 

Bình luận (0)