Dạy KN “đoàn kết – hợp tác” thông qua các trò chơi. Ảnh: T.Tri |
Những năm gần đây, rất nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã đưa kỹ năng (KN) sống vào giảng dạy cho học sinh (HS) từ tiểu học đến trung học như: KN thích nghi với môi trường, KN tự bảo vệ, KN ứng xử… Cội rễ của những KN đó chính là giá trị sống – giá trị cốt lõi.
Dạy KN “đoàn kết – hợp tác”
Có nhiều bài học mà giáo viên (GV) truyền giảng cho HS về KN “đoàn kết – hợp tác”, qua đó giúp các em nắm vững và củng cố KN làm sao để tạo mối dây đoàn kết, hợp tác trong mọi hoạt động học tập cũng như vui chơi. Và kết quả là các em nắm được những KN đó nhưng liệu các em có hiểu được nguồn gốc của KN này chính là những giá trị cốt lõi để giúp mình hoàn thiện bản thân? Đó là một thiếu sót mà trong quá trình giảng dạy nhiều GV chưa khắc phục được. Đáng lẽ, HS phải được cung cấp giá trị sống để “cảm nghiệm” thông qua thực tế mà các em được va chạm, tiếp cận.
Khi dạy KN “đoàn kết – hợp tác”, người GV cần làm cho HS hiểu về giá trị của việc “đoàn kết – hợp tác” là gì? Khi hiểu được ý nghĩa sâu xa của giá trị này thì các em sẽ thực hành KN đó một cách trọn vẹn mà không gượng ép vì đã hiểu, đã trải nghiệm qua thực tế; qua những trao đổi hàng ngày giữa thầy cô và học trò; giữa những người xung quanh mà các em được tiếp xúc. Từ đó, các em sẽ vững vàng và ứng xử tốt hơn với những KN được cung cấp từ nhà trường.
Dạy giá trị sống về bản chất con người
Việc giảng dạy giá trị sống trước khi dạy KN sống cho HS là GV đang thực hiện mục tiêu: Dạy về bản chất của con người. Có tất cả 12 giá trị cốt lõi về bản chất của con người, đó là: “Giá trị hòa bình, yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm, khoan dung, hợp tác, giản dị, khiêm tốn, đoàn kết, tự do và hạnh phúc”. Tổng hợp 12 giá trị sống này là những KN cơ bản để rèn luyện cho HS các đức tính, những cách ứng xử sao cho “có văn hóa, có nhân bản” để hướng các em đến những điều tốt đẹp nhất là “Chân – thiện – mĩ”. Ngoài ra, HS được học về những giá trị sống để hiểu về chính bản chất thật của con người và từ bản chất này, các em sẽ trau dồi các KN trong quá trình sống, quá trình hoạt động trong từng môi trường khác nhau để thích ứng và cư xử hợp với đạo đức, tư cách của con người văn minh, lịch sự. Chẳng hạn, khi dạy HS về KN “biết yêu thương đồng loại” thì trên hết các em phải được hiểu về “giá trị yêu thương là gì?”, để từ đó tiếp cận với KN yêu thương. Qua đó các em sẽ dễ dàng bộc lộ tình cảm chân thật của mình đối với mọi người chung quanh, biết phân biệt về những cung bậc của sự yêu thương, chứ không phải là “lòng thương hại”.
Vì vậy, khi giảng dạy các KN cho HS phát triển, trau dồi thì người GV cần phải hiểu rõ mục tiêu sâu xa của những KN đó chính là giá trị cốt lõi của vấn đề mà mình cần cung cấp cho các em, để tự các em sẽ cảm nhận được một cách rõ nét nhất về giá trị sống. Từ đó, các em biết tự điều chỉnh hành vi của mình thông qua những KN được tiếp cận ngay sau đó. Có như thế, chúng ta sẽ tạo ra thế hệ trẻ “vừa hồng vừa chuyên” với đầy đủ tư chất, giá trị của một con người phát triển về nhân cách và phát triển về mặt trí tuệ, và xã hội sẽ được thừa hưởng những thành quả đó do các em mang lại. Bởi chính các em đã được giáo dục một cách bài bản về nhân cách và kiến thức.
Trần Minh Duy
(Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc)
(Phó hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt Úc)
Bình luận (0)