Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy học sinh kỹ năng lắng nghe

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy và trò Trường THPT Nhân Việt trong buổi ngoại khóa về “Lắng nghe và chia sẻ”
“Người ta mất ba năm để học nói nhưng mất cả đời để học cách lắng nghe”, “Một người nói hay không bằng một người nghe giỏi”… Đó là những danh ngôn không phải học sinh nào cũng được dạy, được biết từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Tuy nhiên, chỉ sau một buổi ngoại khóa kéo dài hơn 60 phút với chủ đề “Lắng nghe và chia sẻ”, các em HS Trường THPT Nhân Việt (TP.HCM) đã tích cực hơn trong việc lắng nghe để thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc từ người khác.
Nghe được là một điều quý giá
Tại buổi ngoại khóa, một sơ đồ minh họa với những hình ảnh, từ khóa được đưa ra. Sau một hồi suy nghĩ và tranh luận, các em mới đi đến kết luận: Đây là sơ đồ minh họa cho một chu trình đường đi của thông tin. Theo đó, âm thanh khi được tiếp nhận sẽ truyền đến tai qua màng nhĩ rồi mới tới não để phân tích. Quy trình tưởng như rất giản đơn và bình thường ấy lại chính là khát khao của nhiều người không có thứ giác quan để nghe thấy âm thanh và cảm nhận được dư vị phong phú của cuộc sống, đó là thính giác. Với những người khiếm thính, những thứ âm thanh thường nhật của cuộc sống luôn được “nghe” bằng sự tưởng tượng của trí não. Chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ để cho các học sinh tham gia buổi ngoại khóa hôm ấy – những con người bình thường có khả năng tiếp nhận âm thanh hiểu rằng: Nghe được đã là một điều quý giá.
Nhưng chỉ nghe thôi thì chưa đủ, buổi ngoại khóa còn dẫn dắt các em biết đến đỉnh cao của sự lắng nghe, của sự nhận thức con người là biết chia sẻ, cảm thông của người nghe đối với người nói. Sự cảm thông đó trước hết được biểu hiện ở thái độ lắng nghe chân thành, nghe một cách chăm chú với những cử chỉ điệu bộ như gật đầu, ánh mắt thiện cảm. Thay vì im lặng, người nghe có thể dùng những từ ngữ như “vậy à!” “dạ” “rồi sao?” “dạ vâng”… để người nói thấy được thiện chí của người đang lắng nghe thông tin mình truyền đạt.
Phải biết cách lắng nghe
Không chỉ hiểu được ý nghĩa và thái độ lắng nghe, các em học sinh còn tỏ ra hào hứng khi được tham gia giải ô chữ với các câu ngạn ngữ có nội dung liên quan đến chủ đề “Lắng nghe” như: “Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương”, “nói là gieo, nghe là gặt”, “điếc hơn người điếc là người không muốn nghe”… Đặc biệt, nội dung của mỗi câu ngạn ngữ lại được gắn liền với những câu chuyện cảm động về sự lắng nghe và chia sẻ. Đó là câu chuyện về sự ra đời của con mèo Kitty kể về một cô bé sống trong vỏ ốc cô đơn vì không có sự quan tâm của cha mẹ và người thân, bị bạn bè bắt nạt nhưng không dám nói với người nhà. Do đó, mọi ấm ức được em chia sẻ với một ông già xa lạ trong công viên. Ngày em qua đời vì bị tai nạn giao thông, ông già nọ đã đốt hình nộm là một con mèo để em có thể sẻ chia những muộn phiền khi không thể nói chuyện cùng ai. Hay câu chuyện về một chàng trai được sinh sống, nuông chiều trong gia đình khá giả nên đã tỏ ra giận dữ khi không có được món quà như ý vào ngày nhận bằng tốt nghiệp. Chàng trai căm ghét gia đình, bỏ nhà và tự mình gầy dựng sự nghiệp mà chẳng đoái hoài tới tình thân, sự quan tâm của bố mẹ. Chỉ đến lúc bố mất đi, chàng trai mới nhận ra giá trị thực sự bên trong cuốn sách mà ông bố trao cho cậu vào thời khắc nhận bằng tốt nghiệp.
Hay câu chuyện về bà mẹ một mắt cũng lấy đi khá nhiều nước mắt trên gương mặt ngây thơ của các cô cậu học trò khi kể về một người mẹ sẵn sàng nhường con mắt bên trái của mình cho con vì một trò nghịch dại thời bé thơ. Để rồi từ đó cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, bà sống trong sự ghẻ lạnh, căm hờn của đứa con khi có một người mẹ xấu xí. Đến khi đứa con biết được nguồn cơn sự việc thì đã quá muộn. Lúc này những ông bố, bà mẹ trong câu chuyện chú mèo Kitty, chàng trai giàu có và người con có người mẹ một mắt mới hối hận về những hành động của họ và nhận ra rằng: Giá như mình dành ít phút để lắng nghe tận tường mọi chuyện thì sự thể đã không đến hồi bi đát như vậy. Và cũng từ những câu chuyện đó, các em học sinh đã kịp nhận ra nhiều bài học cho chính mình. Ngay trong môi trường học đường, không ít cuộc cự cãi, gây gổ đã diễn ra chỉ bởi những mâu thuẫn nhỏ mà tuổi học trò hiếu thắng không kịp lắng nghe đối phương giải thích đã vội “ra đòn”. 
“Nhiều khi thấy bạn có thái độ khác lạ, em cũng chẳng quan tâm vì nghĩ đó không phải là chuyện của mình. Em nghĩ, từ nay em và nhiều bạn khác cần phải thay đổi suy nghĩ và thái độ về cách lắng nghe để không xảy ra những sự việc hối tiếc. Biết lắng nghe là một điều tốt, nhưng sau lắng nghe chúng ta cần có những hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm, chia sẻ để kịp thời động viên, giúp đỡ người khác lúc khó khăn”, một học sinh lớp 10C3 chia sẻ về những giá trị nhận được sau buổi ngoại khóa.
Bài, ảnh: Linh Vy
Biết lắng nghe là một điều tốt, nhưng sau lắng nghe chúng ta cần có những hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm, chia sẻ để kịp thời động viên, giúp đỡ người khác lúc khó khăn.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)