Chúng ta đã nghe rất nhiều câu chuyện về lòng nhân ái bao la của Bác Hồ. Nhà thơ Tố Hữu trong tác phẩm nổi tiếng “Bác ơi” viết ngày 6-9-1969, chỉ vài ngày sau khi Bác Hồ từ trần, đã có những câu rất hay: “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già…”.
Theo tác giả, dạy các môn ngữ văn, lịch sử…, giáo viên phải lồng ghép các câu chuyện kể về Bác Hồ hay những bài học liên quan đến lòng yêu thương con người của Bác đến với học sinh một cách cụ thể, dễ hiểu. Trong ảnh: Học sinh tiểu học thi kể chuyện về Bác Hồ. Ảnh: Lê Phương Trí
Nhiều tài liệu, nhiều câu chuyện đã chỉ rõ, lòng thương người theo tư tưởng và bản chất của Hồ Chí Minh phải được thực hiện một cách bình thường, chân thực, thường xuyên đến độ trở thành máu thịt của chúng ta chứ không phải hành động trong chốc lát, không phải hành động bột phát hoặc hành động có toan tính với mục đích nào đó. Nếu không, chúng ta có thể chỉ “diễn” chứ không phải thương người, kính trọng con người một cách thực lòng.
Nói về lòng nhân ái bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta có rất nhiều câu chuyện cảm động khác. Bác Hồ đã từng sẻ đôi bát chè cho anh lính liên lạc đi công việc lúc gần nửa đêm. Người đã từng sẻ làm ba một bát cháo gà với hai đồng chí cảnh vệ. Người đã từng dùng quạt giấy quạt cho các đồng chí thương binh rồi đem máy điều hòa mà cơ quan định lắp cho Bác tặng cho thương binh để đỡ nóng bức. Ở chiến khu, thấy một số cháu nhỏ bị lở chốc, Người đã từng đem nước nóng rửa thật sạch chỗ bị thương, rồi lấy tro bếp nóng, gói lại ấp lên đầu các cháu một cách cẩn thận. Đi qua suối, có đồng chí trượt chân ngã xuống nước, Bác dặn mọi người phải kê lại hòn đá để người đi sau không bị ngã nữa. Gặp một chiến sĩ có tên là Thểu vì sinh ra trong gia đình quá nghèo, phải lang thang thất tha thất thểu, đầu đường xó chợ kiếm ăn, thì Bác đã đặt lại tên là Thảo với lời dặn “phải hiếu thảo với nhân dân”. Khi đi công tác nước ngoài, được biết có loại cây xanh quanh năm không rụng lá, Người nghĩ ngay tới những chị lao công đêm đêm vất vả quét lá nên khuyên tìm cách đưa loại cây ấy về nước để có câu chuyện về “cây xanh bốn mùa” đầy cảm động. Đi chiến dịch Biên giới, Người đã từng không chịu một mình cưỡi ngựa mà bảo cả mọi người cùng đi bộ, để ngựa thồ hành lý cho anh em đỡ mệt. Đêm giao thừa, Người đã từng đến thăm nhà chị Tín góa chồng, nhà nghèo, phải làm nghề gánh nước thuê cho đến gần nửa đêm với câu nói nổi tiếng: Bác không tới thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai?… Những câu chuyện tương tự như thế còn rất nhiều. Hành động đó hoàn toàn thống nhất với lời nói, quan điểm, tư tưởng của Người. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: Học tập chủ nghĩa Mác – Lênin để thương yêu nhau hơn. Người viết: “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin được”. Điều này đã được nhà thơ Tố Hữu khái quát bằng những câu thơ xuất sắc: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” (Bài ca mùa xuân 1961).
Lòng nhân ái của Bác Hồ hẳn có nguồn gốc từ tình cảm và sự giáo dục của gia đình. Mẹ của Người, bà Hoàng Thị Loan, là người phụ nữ Việt Nam điển hình chịu thương chịu khó, hết mực yêu thương và hy sinh cho chồng con. Cha của Người, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, là người yêu nước thương dân, sớm đau lòng với cảnh nước mất nhà tan. Ngay trong lúc bị tù đày ở Quảng Tây, Hồ Chí Minh vẫn thể hiện tình yêu thương bao la, sâu sắc với những cảnh đời bất hạnh trên đường Người nhìn thấy, nghe thấy. Những điều đó được ghi lại cụ thể, sinh động và trung thực trong tập “Nhật ký trong tù”. Đặc biệt là với những người dân lao động, Người cảm nhận được đó là những con người bị bóc lột nặng nề nhất, tình cảm Bác chan chứa yêu thương: “Dãi gió, dầm mưa chẳng nghỉ ngơi/ Phu đường vất vả lắm ai ơi!/ Ngựa xe, hành khách thường qua lại/ Biết cảm ơn anh được mấy người” (Phu làm đường). Hay thấy cảnh người vợ có chồng trốn đi lính, Người xót xa cảnh ngộ éo le đến mức người đàn bà ấy phải ở tù thay chồng: “Biền biệt anh đi không trở lại/ Buồng the trơ trọi, thiếp ôm sầu/ Quan trên xót nỗi em cô quạnh/ Nên lại mời em tạm ở tù” (Gia quyến người bị bắt lính). Người cũng nhỏ giọt nước mắt để khóc cho thân phận khổ đau của những đứa trẻ nhỏ: “Oa…! Oa…! Oaa…!/ Cha trốn không đi lính nước nhà/ Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi/ Phải theo mẹ đến ở nhà pha” (Cháu bé trong ngục Tân Dương).
Tình thương bao la đó vốn đã hằn sâu trong Hồ Chí Minh từ ngày Người bôn ba trên hành trình tìm đường cứu nước, từ cảnh những người thủy thủ phải nhảy xuống biển bơi vào bờ giữa bão lớn ở Dakar (thủ đô của Senegal ngày nay) đến những người da đen bị đủ áp bức ở New York (Mỹ) hay những người dân châu Phi trên các cảng mà Người có dịp ghé. Người nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.
Giáo sư Trần Văn Giàu trong bài “Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh: đặc điểm và cội nguồn” đã viết: “Lòng nhân ái của Hồ Chí Minh sâu thẳm như biển cả, nhưng đồng thời lại thiết thực như hạt gạo hạt muối. Ngày ngày, ai cũng có thể thấy Bác Hồ yêu trẻ, kính già, trọng phụ nữ. Vũ Kỳ nói: Ở gần Cụ mấy chục năm, không bao giờ bị Cụ cáu quát, chỉ thấy được Cụ thân tình chỉ bảo. Phạm Văn Đồng nói: Dùng cơm với Cụ hàng trăm lần, lần nào cũng thấy cụ tém vén không để rơi một hạt cơm nào, bởi vì Cụ tôn trọng lao động của con người làm ra lúa gạo. Chuyện nhỏ đức lớn hài hòa ở một người”.
Bởi vậy, trong “Di chúc”, Hồ Chí Minh nói rõ: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…”.
Học tập Bác Hồ về lòng yêu thương con người là phải biến lòng nhân ái thành một bản năng, như đói thì ăn, khát thì uống, thấy con người thì biết yêu thương, không phân biệt màu da, dân tộc, giai cấp, giàu nghèo… Đặc biệt, trong trường học, việc dạy và học về lòng yêu thương con người của Bác Hồ cho học sinh phải được thực hiện thường xuyên, tích cực bằng nhiều hình thức. Ở các môn như ngữ văn, giáo dục công dân, lịch sử…, giáo viên phải lồng ghép các câu chuyện kể về Bác Hồ hay các bài học liên quan đến lòng yêu thương con người của Bác Hồ đến với học sinh một cách cụ thể, sinh động, dễ hiểu. Các hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, nhân văn trong nhà trường cần được phát huy một cách mạnh mẽ, như qua các đợt vận động ủng hộ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ các trường hợp khó khăn đột xuất trong trường, chia sẻ với các nỗi đau, mất mát của học sinh… Và đương nhiên, các giáo viên, nhân viên trong nhà trường phải thể hiện rõ ràng yêu thương lẫn nhau, tuyệt đối tránh công kích, nói xấu nhau hoặc có các biểu hiện tiêu cực khác…
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)