Một tiết dạy môn tiếng Anh của cô Đinh Hồng Phương, Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh Trường THPT Ngô Quyền |
Trái ngược với những tiết học khác, tiết học tiếng Anh của lớp 12A16 Trường THPT Ngô Quyền (TP.HCM) luôn ồn ào bởi những trò chơi, những câu nói đùa của thầy giáo Hoàng Kim Nam.
Mỗi thành viên lớp 12A16 đều “thủ” sẵn… một chiếc bảng con – vật dụng thường dùng cho những HS lớp 1 tập đánh vần – để sử dụng mỗi khi đến giờ học tiếng Anh. Tương tự, giờ học tiếng Anh của lớp “láng giềng” 12A17 do cô Đinh Hồng Phương – Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh, phụ trách cũng không kém phần sôi nổi với những giờ làm việc theo nhóm hay lúc GV… “đòi nợ” bài cũ. Hai lớp 12A16 và 12A17 được “quy hoạch” dành cho HS yếu không chỉ môn tiếng Anh mà còn yếu các môn học khác nữa. Phương pháp dạy của thầy Nam và cô Phương là một trong những cách giúp các em học yếu môn tiếng Anh hứng thú với bài giảng, khắc sâu những kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011.
1. Trường THPT Ngô Quyền nằm trên địa bàn “nửa quê, nửa phố”, dân cư còn khó khăn, do đó HS ít có điều kiện được học nâng cao các môn học cơ bản. Trong đó, tiếng Anh là một trong những môn học khiến nhiều GV đau đầu nhất. Tuy là trường lấy chuẩn đầu vào lớp 10 theo hình thức thi tuyển, nhưng điểm bình quân môn tiếng Anh của HS trong các kỳ thi tuyển vào lớp 10 luôn nằm dưới mức trung bình. Chuyện các em chia động từ sai, không thuộc nhiều từ vựng là điều không còn xa lạ với các GV bộ môn này. Không chỉ thế, vấn đề tâm lý HS cũng là một bài toán khó đòi hỏi sự kiên trì của tất cả các GV nơi đây. Các em đều có hoàn cảnh khó khăn, không được sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, bản thân lại bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo. “Hầu hết các em học yếu đều mang tâm lý chán nản, buông trôi và không hợp tác với GV. Do đó các GV vừa dạy, vừa gần gũi nhưng cũng phải… dè chừng. Nhưng quan trọng hơn hết là các thầy cô phải cố gắng hiểu HS của mình, nắm bắt tâm lý các em để thuận tiện cho việc giảng dạy”, cô Đinh Hồng Phương, cho biết.
2. Trước thực trạng đó, từ năm học 2008-2009, các GV tiếng Anh của trường đã tìm cách đổi mới phương pháp dạy nhằm giảm thiểu tối đa HS yếu kém trong trường. Nhận thức được việc dạy tiếng Anh cho HS yếu sẽ khó khăn, phải được thực hiện ngay từ năm đầu học nên khi phân công giảng dạy, trường đã phân công 50% GV khối 12 có kinh nghiệm và nhiệt huyết dạy khối 10, số GV dạy khối 10 còn lại đều là những GV trẻ, nhiệt tình. Chính điều này đã giúp cho HS khối 10 lấy lại được kiến thức ngay từ khi vào trường. Ngoài ra, những GV dạy khối 10 còn được chia sẻ kinh nghiệm từ các GV khối 11, 12 thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn, thảo luận trong tổ. Đối với HS khối 11, 50% GV khối 12 sẽ được phân công giảng dạy và theo sát các em cho đến hết lớp 12. Riêng GV dạy khối 12 sẽ được phân công theo năng lực và kinh nghiệm. Bên cạnh đó, do khối 12 thường có HS học yếu (HS thi lại) nên cũng có những GV “chuyên trị” cho đối tượng này. Song song với việc phân công GV đứng lớp, các GV tiếng Anh cũng thống nhất về đề cương giảng dạy, chương trình dạy các khối ngay từ đầu năm học nhằm kết hợp giảng dạy giữa SGK và ôn lại kiến thức cũ. Để đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình, việc ra đề kiểm tra luôn dựa vào đề cương, không đánh đố HS. Ngoài ra, các GV cũng tận dụng những giờ tăng tiết để hệ thống, củng cố kiến thức, rèn luyện các kỹ năng cơ bản cho HS.
3. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực cũng là một trong những biện pháp được các GV tiếng Anh Trường THPT Ngô Quyền hướng tới. Theo đó, GV thường tổ chức cho HS làm việc theo nhóm, theo cặp; HS giỏi làm việc với HS yếu, HS yếu học tập từ các bạn HS giỏi. Tuy nhiên, để có thể khiến HS say mê học tập, GV đã vạch ra kế hoạch chỉ dẫn cho các em cách học, cách phân chia bài vở, lên kế hoạch sử dụng thời gian hợp lý và đặc biệt là luôn tạo ra các tình huống, hình thức vui nhộn để lôi kéo các em vào bài giảng của mình. Đó cũng chính là lý do khiến giờ học tiếng Anh ở trường luôn ồn ào với sự tham gia nhiệt tình của các thành viên trong lớp. Đồng thời, các GV tiếng Anh cũng tích cực… “đòi nợ” HS trả từ vựng, trả công thức ngữ pháp…
Song song với các hoạt động đó, tổ bộ môn còn tập trung ôn tập và rút kinh nghiệm cho HS sau các đợt kiểm tra nhằm giúp các em nắm chắc các kỹ năng làm bài cơ bản, hệ thống kiến thức đã học và giúp điều chỉnh kiến thức sao cho hiệu quả nhất. Trường còn có chủ trương GV dành thời gian ôn tập cho HS một tuần trước kỳ kiểm tra hoặc thi học kỳ. Sau kỳ kiểm tra, GV sửa bài, phân tích lỗi thường gặp và chỉ ra phương pháp vận dụng kiến thức đã học khi làm bài. Căn cứ vào kết quả kiểm tra chất lượng học kỳ I và tình hình học tập trên lớp, GV sẽ sàng lọc danh sách những HS yếu kém môn tiếng Anh để có kế hoạch phụ đạo thêm.
Nhưng trên hết, các GV đều tâm niệm rằng, việc thực hiện kế hoạch có hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm và tình thương của GV dành cho học trò. Chính sự gần gũi với HS sẽ kéo dần khoảng cách thầy – trò, giúp các em có thể tin tưởng vào những lời thầy cô định hướng, khuyên răn, cũng là động lực để các em thay đổi bản thân mình.
Bài, ảnh: Tường Vy
Bình luận (0)