Nhiều tài liệu về ngôn ngữ đều cơ bản thống nhất định nghĩa thành ngữ “là những cụm từ mang ngữ nghĩa cố định (phần lớn không tạo thành câu hoàn chỉnh về mặt ngữ pháp, đồng thời không thể thay thế và sửa đổi về mặt ngôn từ) và độc lập riêng rẽ với từ ngữ hay hình ảnh mà thành ngữ sử dụng”. Vì vậy, thành ngữ thường được sử dụng trong việc tạo thành những câu nói hoàn chỉnh.
Học thành ngữ, tục ngữ là học lời ăn tiếng nói của cha ông xưa để áp dụng vào cuộc sống hiện nay (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh |
Thí dụ: Ai khảo mà xưng, Ăn ngon mặc đẹp, Bàn đi tính lại, Đeo như đỉa, Chân tơ kẽ tóc, Gậy ông đập lưng ông, Ghét cay ghét đắng… Còn tục ngữ “là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, súc tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền”. Nội dung tục ngữ thường phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử – xã hội, hoặc thể hiện triết lý dân gian của từng cộng đồng, từng dân tộc. Thí dụ: Ăn cây nào rào cây nấy; Chớ thấy sóng cả, mà ngã tay chèo; Đi một ngày đàng học một sàng khôn; Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng..
Trên thực tế, có một số câu còn có tranh cãi là thành ngữ hay tục ngữ, bởi sự chưa rõ ràng về nội dung, cấu trúc. Trong việc dạy thành ngữ, tục ngữ cho học sinh phổ thông, giáo viên (đặc biệt là ở môn ngữ văn) phải có sự chú trọng đúng mức, bởi thành ngữ, tục ngữ là vốn quý của ngôn ngữ dân tộc, là biểu hiện khá đặc sắc về ngôn ngữ, vừa mang đặc điểm vùng miền vừa mang tính lịch sử – xã hội rất cụ thể. Chẳng hạn, câu Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ sẽ giúp chúng ta liên tưởng đến một xã hội cũ, thời còn nuôi ngựa bầy đàn chứ không phải nuôi một vài con như sau này; hay câu Cầm đèn chạy trước ô tô có thể suy ra nguồn gốc từ miền Bắc và chỉ xuất hiện khoảng từ đầu thế kỷ XX… Có những nhận xét đó càng giúp học sinh hiểu rõ hơn ý nghĩa của các thành ngữ, tục ngữ, càng thấy sự phong phú, đa dạng, thú vị của loại hình tiếng nói này. Trong việc dạy về thành ngữ, tục ngữ, cần quan tâm một số điểm sau:
Thứ nhất, chú ý giải thích nghĩa của từng từ nhưng để hiểu hết câu thì không được chỉ dựa vào các ý hiển ngôn đó mà phải quan tâm ý hàm ngôn. Thí dụ, trong câu Già kén kẹn hom thì gần như có từ “già” là dễ hiểu, còn lại đều là từ cổ và mang tính chuyên ngành (trồng dâu nuôi tằm) nên học sinh hiện nay sẽ rất khó hiểu. Do đó, cần giải thích “kén” là “kén tằm”, “kẹn” là “kẹt”, “hom” là “thanh dọc ngang đan ken nhau để làm chỗ cho tằm làm kén”. Đó là nghĩa đen, nhưng ý của câu này phải hiểu ở nghĩa bóng, tức là kén chọn kỹ tính quá thì cuối cùng sẽ bị lỡ thì, không được toại nguyện trong việc xây dựng gia đình; có khi cũng được hiểu là quá chú trọng việc chọn lựa nhưng lại chọn nhầm thứ xấu, cũng như để kén tằm lâu trên giá thì kén to quá bị kẹt giữa các hom, khó gỡ ra được.
Để hiểu đúng tiếng Việt, để nhận rõ sự giàu đẹp của tiếng Việt, từ đó góp phần giữ gìn và phát huy sự giàu đẹp ấy, học sinh cần được dạy một cách cẩn thận, đầy đủ và hợp lý. |
Thứ hai, quan tâm tìm hiểu kỹ các thành ngữ, tục ngữ có từ địa phương, từ cổ, điển tích hoặc các câu có nguồn gốc từ nước ngoài, nhất là các câu từ Hán – Việt. Chẳng hạn, câu Môn đăng hộ đối vốn nghe thường xuyên nhưng không phải ai cũng hiểu nghĩa đen, vốn là “cửa” (môn), “nhà” (hộ) phải ngang bằng, đối hợp nhau (đăng và đối); tức là hai gia đình thông gia phải ngang bằng nhau về nhà cửa, của cải, tương đương về địa vị xã hội, là một quan niệm được thể hiện rõ trong xã hội cũ. Tương tự như vậy sẽ có Bách niên giai lão, Máu ghen Hoạn Thư, Ngựa Tái ông, Phú quý sinh lễ nghĩa, Sơn cùng thủy tận, Sơn hào hải vị, Tứ cố vô than…
Thứ ba, phải tập cho học sinh thường xuyên sử dụng các thành ngữ, tục ngữ, nhằm giúp các em hiểu đúng, dùng đúng. Có một số câu không dễ hiểu nên cần được nghe, nói, dùng thường xuyên để trở nên quen thuộc, nhập tâm. Trong quá trình giảng bài, giáo viên có thể dùng xen một cách phù hợp, cho thí dụ, gợi ý học sinh dùng từ, đặt câu, viết nghị luận về một câu nào đó, khuyến khích học sinh dùng bằng cách cho điểm ưu tiên… Thí dụ, với câu Xanh vỏ đỏ lòng rất nhiều người chỉ hiểu ở nghĩa nội dung và hình thức không phù hợp với nhau theo góc là giả dối, tráo trở, bề ngoài tỏ ra tử tế nhưng bên trong ngầm hại người. Thực ra, câu này còn có nghĩa là bề ngoài xấu kém để che đậy cái tốt đẹp bên trong vốn do điều kiện khách quan mà không thể bộc lộ được.
Tóm lại, học thành ngữ, tục ngữ là học tiếng Việt, là học lời ăn tiếng nói của cha ông xưa để áp dụng vào cuộc sống hiện nay. Do đó, để hiểu đúng tiếng Việt, để nhận rõ sự giàu đẹp của tiếng Việt, từ đó góp phần giữ gìn và phát huy sự giàu đẹp ấy, học sinh cần được dạy một cách cẩn thận, đầy đủ và hợp lý. Có như vậy mới tránh được hiện tượng một thế hệ người Việt tư duy và phát ngôn bằng cách của người nước ngoài, bằng tiếng nước ngoài trong khi tiếng Việt vô cùng giàu đẹp!
Trúc Giang
Bình luận (0)