HS lớp 12 Trường THPT Trần Hưng Đạo (TP.HCM) diễn kịch Chiếc thuyền ngoài xa theo phương pháp dạy học theo dự án. Ảnh: N.Quang
|
Bên cạnh phương pháp dạy truyền thống, dạy học theo dự án (DHDA) là phương pháp dạy nhằm bắt nhịp với xu thế hiện đại trong giáo dục để nâng cao năng lực học tập của học sinh (HS). Hiểu được nguyên lý DHDA, giáo viên (GV) sẽ có thêm cơ hội phát huy tính tích cực của HS, từ đó làm cho hoạt động dạy học vừa phong phú vừa gắn bó với thực tiễn.
Thuật ngữ dự án được hiểu theo nghĩa phổ thông là một đề án, một dự thảo hay một kế hoạch. Khái niệm dự án từ lĩnh vực kinh tế đi vào lĩnh vực GD-ĐT không chỉ với ý nghĩa là các dự án phát triển giáo dục mà còn được sử dụng như một phương pháp hay hình thức dạy học. Đầu thế kỷ 20, các nhà sư phạm Mỹ đã xây dựng cơ sở lý luận cho phương pháp dự án và coi đó là một phương pháp dạy học quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học lấy HS làm trung tâm.
Hình thức dạy học hiện đại
Từ trước đến nay có nhiều quan niệm và định nghĩa khác nhau về DHDA. Ngày nay, DHDA được coi là một hình thức dạy học vì khi thực hiện một dự án phải có nhiều phương pháp dạy học cụ thể được sử dụng. Có thể hiểu đây là một hình thức dạy học trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp và có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để tạo ra sản phẩm có thể giới thiệu. Nhiệm vụ này được người học thể hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập. Làm việc nhóm là hình thức làm việc cơ bản của DHDA.
Có thể thấy những đặc điểm cơ bản của DHDA bao gồm: Định hướng thực tiễn, có ý nghĩa thực tiễn xã hội, định hướng hứng thú người học, tính phức hợp, định hướng hành động, tính tự lực cao của người học, cộng tác làm việc và định hướng sản phẩm. Về mục tiêu, DHDA vừa tạo ra sản phẩm vừa thực hành nghiên cứu lại giải quyết được một vấn đề. Nếu phân loại theo chuyên môn thì có dự án trong một môn học, dự án liên môn, dự án ngoài chuyên môn. Nếu phân loại theo quỹ thời gian thì có: Dự án nhỏ, dự án trung bình và dự án lớn. Khi phân loại theo nhiệm vụ thì có: Dự án tìm hiểu, dự án nghiên cứu, dự án thực hành và dự án hỗn hợp. Bên cạnh đó có thể phân loại theo sự tham gia của người học và sự tham gia của người dạy.
Dựa trên cấu trúc của tiến trình phương pháp, người ta có thể chia DHDA ra nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên xác định chủ đề và mục đích của dự án; yêu cầu GV và HS cùng nhau đề xuất ý tưởng. Tiếp theo lên kế hoạch thực hiện, đây là công việc của HS: Xây dựng đề cương theo hướng dẫn của GV. Sau đó HS sưu tầm các tài liệu liên quan để thu thập thông tin. Khi thực hiện dự án đòi hỏi HS vừa hoạt động trí tuệ vừa hoạt động thực hành. Để trình bày sản phẩm dự án, HS có thể viết dưới dạng thu hoạch hoặc báo cáo. Khâu cuối cùng là đánh giá dự án: Thầy – trò đánh giá kết quả và kinh nghiệm đạt được để thực hiện dự án sau tốt hơn.
Ưu điểm và nhược điểm
Theo đánh giá chung, DHDA có những ưu điểm nổi trội sau: Gắn lý thuyết và thực hành, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội; kích thích động cơ và hứng thú cho người học; phát huy tính tự lực và tính trách nhiệm; phát triển khả năng sáng tạo; rèn luyện khả năng giải quyết những vấn đề phức hợp; rèn luyện tính bền bỉ và kiên nhẫn; rèn luyện năng lực cộng tác làm việc; rèn luyện năng lực đánh giá.
Đặc biệt, ưu điểm nổi bật nhất của DHDA là tập trung vào một câu hỏi lớn hoặc một vấn đề quan trọng có thể có nhiều quan điểm liên quan tới nhiều bộ môn khác nhau. Đây còn là cơ hội đưa ra sáng kiến và thực hiện nhiều hoạt động khác nhau dựa trên các thông tin có thể tiếp cận được, đòi hỏi thực hiện trong một thời gian nhất định nhằm phát huy sự hợp tác.
Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là DHDA không có những nhược điểm. Thực tiễn cho thấy, DHDA không phù hợp trong việc truyền thụ kiến thức lý thuyết mang tính hệ thống cũng như rèn luyện hệ thống kỹ năng cơ bản. Mặt khác, DHDA đòi hỏi nhiều thời gian vì vậy phương pháp dạynày không thể thay thế cho phương pháp thuyết trình và luyện tập mà là hình thức dạy học bổ sung cần thiết cho các phương pháp dạy học truyền thống. Về kinh tế, DHDA đòi hỏi phương tiện vật chất và tài chính phù hợp.
Tóm lại, DHDA là hình thức dạy học quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học hiện đại như: Định hướng người học, định hướng hành động, dạy học giải quyết vấn đề và quan điểm dạy học tích hợp. Bên cạnh đó, DHDA góp phần gắn lý thuyết với thực tiễn, tư duy và hành động, nhà trường và xã hội, tham gia vào việc đào tạo năng lực làm việc tự lực, năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp, tinh thần trách nhiệm và khả năng cộng tác làm việc của người học.
TS. Lưu Thu Thủy (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)
Dạy học theo dự án là hình thức dạy quan trọng để thực hiện quan điểm dạy học hiện đại như: Định hướng người học, định hướng hành động, dạy học giải quyết vấn đề và quan điểm dạy học tích hợp. |
Bình luận (0)