Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy học theo dự án ở Trường THPT Giồng Ông Tố: Lan tỏa điều kỳ diệu…

Tạp Chí Giáo Dục

Sau 2 tháng làm dự án học văn với chủ đề “Chung tay lan tỏa giá trị Việt”, thầy và trò Trường THPT Giồng Ông Tố đã tạo ra 30 sản phẩm có giá trị thực học, thực hành. Mỗi sản phẩm được chắt lọc từ trải nghiệm thực tế đã kích thích sự đam mê, sáng tạo, giúp học sinh trưởng thành hơn.

Cảm nhận để yêu cuộc sống nhiều hơn

Cháo là món ăn bình thường nhưng lại có ý nghĩa, làm ấm lòng những ai lâm cảnh nghèo khó, bữa đói, bữa no. Và chỉ đến khi tận tay phát những chén cháo nóng cho những bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM, các bạn học sinh lớp 11AD mới hiểu thêm giá trị của cuộc sống ở nơi con người phải đối mặt với bệnh nan y, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh. Rồi chứng kiến những em nhỏ bị ung thư trên đầu không còn sợi tóc vì phải điều trị hóa trị kéo dài, các trò thấu hiểu ước muốn bình dị được bay nhảy, được đến trường học hành của những thiên thần nhỏ thật xa vời. Bằng lời bình xúc động kèm những hình ảnh sinh động, những thước phim “Gieo mầm yêu thương” đã cuốn hút, lay động người xem trong khán phòng.

Một cảnh trong trích đoạn “Bí mật vườn Lệ Chi” của học sinh lớp 11B2 Trường THPT Giồng Ông Tố.

Chia sẻ thành công giành giải nhất cho dự án này, đại diện lớp 11AD nói: “Những bài học từ thực tế giúp chúng em trưởng thành, hiểu thêm những mảnh đời nghèo khó ở xung quanh mình. Sẻ chia để thấy mình may mắn và yêu thương cuộc sống nhiều hơn”.

Tương tự, tham gia dự án “Văn hóa đọc”, bạn Thanh Ngân, lớp 12AD, chia sẻ những điều thú vị: “Đi trải nghiệm thực tế, tìm hiểu về văn hóa đọc từ nhà sách, cà phê sách đến công viên, chúng em nhận thấy không chỉ có học sinh, sinh viên ham thích đọc sách mà vẫn có rất nhiều người dành tình yêu cho sách. Đặc biệt, đến Mái ấm Ánh Sáng quận 3 chứng kiến các em nhỏ bị khiếm thị say mê với những giờ đọc sách, chúng em càng thấy giá trị lan tỏa của văn hóa đọc…”.

Có thể nói ấn tượng nhất là vở kịch trích đoạn trong “Bí mật vườn Lệ Chi” do học sinh lớp 11B2 tái hiện. Vở kịch đã khiến người xem xúc động và không thể không thốt lên lời khen: “Các diễn viên nhập vai khá quá. Các em không chỉ diễn bằng cảm xúc, hóa thân vào từng nhân vật lịch sử mà còn thể hiện rõ đam mê, sở trường…”. Theo chia sẻ của nhóm, nhờ diễn kịch các em hiểu kỹ hơn về một giai đoạn lịch sử của dân tộc và những gì liên quan đến cuộc đời, uẩn khúc ngang trái của Nguyễn Trãi.

Mong có thêm giờ học thực tế

Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp, tổ trưởng tổ Văn, để học sinh yêu Văn, say Văn và giúp môn Văn gắn với thực tiễn sinh động của cuộc sống, tổ Văn đã chọn đổi mới phương pháp dạy học theo dự án. Sau khi tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các trường THPT khác ở TPHCM, tổ đã thực hiện phương pháp này thành công, giáo viên dạy Văn cùng học trò ở 3 khối lớp 10, 11, 12 bắt tay thực hiện. Thật không ngờ, chính sự nhiệt tình, hào hứng, tự tin, năng động của học sinh đã mang đến thành công ngoài dự đoán. Chỉ trong vòng 2 tháng, toàn trường đã tạo ra 30 sản phẩm với nhiều thể loại, nội dung phong phú như “Gieo mầm yêu thương”, “Sống xanh”, “Tinh khôi áo dài”, “Thiêng liêng biển gọi”, “Học Văn qua kịch”…

Như được khơi mào đam mê, tạo chất dung môi sáng tạo, tất cả học sinh của các khối lớp đều bị cuốn hút vào dự án. Tùy theo khả năng, năng lực của mình, các em phân công nhau làm dự án. Hết giờ học chính khóa, cả thầy lẫn trò cùng “lăn xả” lên kịch bản, tập diễn, tập quay phim, tỏa đi thực tế thu thập tư liệu, hình ảnh để hoàn thiện ý tưởng. Có những cảnh phim, clip phải quay đi quay lại nhiều lần nhưng những “ê kíp áo trắng” không quản ngại nắng mưa, cực nhọc đeo đuổi đam mê đến cùng.

Theo các giáo viên dạy Văn, dạy học theo dự án cực lắm, nhưng bù lại nhìn thấy kết quả thực học, học sinh của mình sôi động, hào hứng và tự tin thể hiện năng lực cá nhân nên vui lắm. Đây cũng là dịp để các em rèn luyện kỹ năng làm văn nghị luận xã hội và tích hợp, kết nối với các môn học khác như Tin học, Giáo dục công dân, Sử, Địa…

Hơn nữa, việc tích hợp liên môn, chứa nhiều nội dung của dự án đã giúp học sinh thể hiện bản thân, làm quen với các môn nghệ thuật khác như điện ảnh, tập sự làm MC, làm báo. Và theo thầy Thanh Vũ, được cọ sát với học trò, thầy cô cũng học hỏi nhiều điều từ sự sáng tạo, năng động của học sinh.

Thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố, bộc bạch: “Cái được lớn nhất của dự án học Văn mang lại là đã giúp học sinh phát huy tính tích cực, chủ động, tự tin giải quyết những vấn đề phát sinh từ cuộc sống. Những kỹ năng mềm (làm việc đội nhóm, thuyết trình,…) được tích lũy từ trường phổ thông sẽ làm giàu hành trang cho các em vững bước vào đời. Hơn nữa, những sản phẩm thực gắn kết với đời thường đã góp phần rèn luyện nhân cách, làm giàu tâm hồn nhân ái, cảm xúc thực của các em”.

Bạn Quỳnh Trang, lớp 11AD, tâm sự rằng, học Văn từ thực tế đã giúp học sinh thẩm thấu được nhiều điều thú vị, bổ ích. Và tất cả học sinh đều mong muốn được học theo phương pháp này nhiều hơn nữa, thay vì chỉ tiếp thu lý thuyết, kiến thức khô khan trên lớp. Tuy còn một số lỗi kỹ thuật, cách thể hiện nhưng những gì các em gia công, đầu tư cho những sản phẩm của mình thật đáng ghi nhận.

“Buổi học thịnh soạn như một bữa tiệc tinh thần và giúp người thưởng thức cảm nhận “ngon lành”. Những chủ đề hay, thiết thực của dự án “Chung tay lan tỏa giá trị Việt” có ý nghĩa lan tỏa và giúp học sinh nhìn lại những giá trị thuần Việt cần được tôn vinh.

Việc dạy Văn theo dự án đang được ngành GD-ĐT TPHCM khuyến khích, nhân rộng ở các trường phổ thông và sẽ có sức lan tỏa, thay thế dần lớp học truyền thống chỉ dạy lý thuyết khô khan, xa rời thực tế”, ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Văn của Sở GD-ĐT TPHCM, nhận xét như thế tại hội thảo về dự án học Văn của Trường THPT Giồng Ông Tố mới đây.

KHÁNH BÌNH

(SGGP)

Bình luận (0)