Ngày 21-12, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực và Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Dạy – học – chia sẻ: Hội nhập quốc tế”. Hội thảo tập trung vào các vấn đề: Ứng dụng công nghệ thông tin trong mô hình đào tạo từ xa; Mô hình giáo dục trường học kết nối cùng với việc áp dụng công nghệ thông tin ở Philippines và xuất khẩu công nghệ giáo dục Việt Nam ra nước ngoài để thu ngoại tệ… Tuy nhiên, muốn làm được những điều lớn lao đó cần bắt đầu từ đâu?
Bắt đầu từ CT-SGK
GS.TS Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, cho rằng việc tham khảo có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế trong giáo dục nói chung và trong việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) nói riêng là việc làm quan trọng. “Tôi nhớ, ngày còn đi học, các cuốn SGK phổ thông mỏng dính, kiến thức rất chắt lọc, nhưng về cơ bản vẫn “đủ chất” cho học sinh, kể cả “chất để làm người”, dù học tiếp lên ĐH ở trong nước hay ngoài nước, học CĐ hay đi học nghề hoặc đi làm. Được như vậy là nhờ chúng ta đã tham khảo cách làm giáo dục, tham khảo các SGK chuẩn mực và rất cơ bản của Nga, Pháp, Mỹ và các nước khác” – GS. Trần Văn Nhung chia sẻ.
Cũng theo GS. Nhung, ngày đó, riêng SGK môn toán cấp THCS và THPT do thầy Lê Hải Châu và GS. Hoàng Tụy biên soạn vừa ngắn gọn, súc tích vừa cơ bản. Chính vì vậy, GS. Trần Văn Nhung cho rằng hiện nay, khi biên soạn lại và hiện đại hóa SGK chúng ta cần chú ý hơn nữa đến việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Đó là cách làm rất khoa học, tiết kiệm và hội nhập trong thời đại thế giới phẳng như hiện nay. Với các môn khoa học tự nhiên, theo GS. Nhung không chỉ bậc phổ thông mà cả ĐH, sau ĐH cần mạnh dạn hơn nữa trong việc tham khảo có chọn lọc và sử dụng nguồn thông tin, SGK trên thế giới. Với môn khoa học xã hội và nhân văn, bên cạnh “chất liệu” về cơ bản đương nhiên là của Việt Nam nhưng vẫn cần xem họ thiết kế chương trình và dạy ra sao. “Tóm lại phải thấm nhuần sâu sắc phương châm “cơ bản, hiện đại, Việt Nam” của Đảng ta trong giáo dục phổ thông và cả ĐH” – GS. Trần Văn Nhung nhấn mạnh.
Muốn ra biển lớn phải biết tiếng Anh
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá chủ đề hội thảo phù hợp với những nội dung trong chương trình hành động của ngành giáo dục, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, việc dạy và học trong thời đại ngày nay không còn bó gọn trong phạm vi từng trường, từng quốc gia mà là sự kết nối của nhiều nền giáo dục khác nhau. Tri thức ngày nay được phổ biến nhanh chóng thông qua các kênh thông tin, truyền thông. Nhờ vậy việc tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trở nên bình đẳng hơn đối với tất cả mọi người.
TS. Trần Đình Châu, Vụ trưởng, Chánh văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đặt vấn đề, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay, giáo dục đối diện với nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi chúng ta phải chủ động hội nhập, “gạn đục khơi trong”, biết nắm bắt, học hỏi, chia sẻ với các nền giáo dục tiến bộ trên cơ sở điều kiện kinh tế chính trị, xã hội của nước ta.
Để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế đất nước, TS. Trần Đình Châu cho rằng, rào cản về ngôn ngữ rõ ràng đóng vai trò rất quan trọng trong hội nhập của tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị. Việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho nguồn nhân lực nước ta là công việc không chỉ của ngành giáo dục mà là nhận thức chung của cả xã hội.
Còn GS. Trần Văn Nhung thì lấy bài học từ Trung Quốc, từ Singapore, từ Nhật Bản, từ Malaysia để thấy vai trò quan trọng của việc học tiếng Anh trong giáo dục. “Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu” ngẫm lại cả chiều dài lịch sử và hướng tới tương lai (cho đủ cả 4 chiều), để học hỏi, để xây dựng con người Việt Nam mới, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cũng phải đủ bản lĩnh để hội nhập và phát triển trong thế giới phẳng ngày nay với đầy cam go, thử thách và cạnh tranh khốc liệt xảy ra trong khu vực và trên thế giới, liên quan tới phát triển bền vững, tới an ninh và chủ quyền Tổ quốc” – GS. Nhung nhấn mạnh.
Thiên Lam
Bình luận (0)