Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy học tích cực môn lịch sử – địa lý lớp 4 và 5:

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Hoạt động nhóm qua sưu tầm tư liệu

Hội thảo chuyên đề lịch sử – địa lý do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức

Hội thảo chuyên đề “Dạy học tích cực môn lịch sử – địa lý lớp 4 và 5” do Sở GD -ĐT TP.HCM và Phòng GD quận 8 phối hợp tổ chức vào sáng 3-12 vừa qua tại Trường TH Tuy Lý Vương “gọn gàng nhưng chất lượng” như một tín hiệu tích cực về chủ trương đổi mới phương pháp giảng dạy của ngành mà các trường tiểu học đang nỗ lực thực hiện.
Học sinh thích thú vì được tự khám phá
Chuyên đề “Tổ chức hoạt động nhóm qua sưu tầm tư liệu và thông tin” do ông Lâm Văn Đua – chuyên viên Phòng TH Sở GD-ĐT TP.HCM trình bày như một báo cáo đề dẫn cho buổi hội thảo. Khi nhắc lại mục tiêu giảng dạy phần lịch sử trong môn học này, ông Đua nhấn mạnh: “Ngoài việc cung cấp kiến thức cơ bản về các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử Việt Nam từ buổi đầu dựng nước, giáo viên phải hình thành và rèn luyện các kỹ năng như quan sát sự vật, hiện tượng, thu thập tư liệu lịch sử cho học sinh. Qua đó giúp các em biết phân tích, so sánh, đánh giá các sự vật, hiện tượng lịch sử để vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn đời sống”. Không chỉ có câu hỏi từ phía giáo viên – theo yêu cầu của ông Đua:   “Phải làm sao để các em biết nêu thắc mắc, đặt câu hỏi trong quá trình học tập, có như vậy mới giúp các em ham học hỏi, ham hiểu biết thế giới xung quanh”.
Cô Đặng Thị Huê – Phó hiệu trưởng Trường TH Hưng Phú rất coi trọng việc học sinh sưu tầm tài liệu, thông tin góp phần hình thành kiến thức bộ môn lịch sử, vì theo cô lịch sử là những việc đã diễn ra, có thật và tồn tại khách quan trong quá khứ. Do đó không thể phán đoán, suy luận để nhận thức lịch sử mà phải thông qua những dấu tích của quá khứ, những chứng cứ về sự tồn tại của các sự việc đã diễn ra. 
Bên lề hội thảo, nhiều ý kiến cũng đưa ra thực tế đáng buồn về hiện trạng của việc dạy và học môn lịch sử – địa lý trong những năm gần đây. Đó là tình trạng nhiều em chán học môn này; cách học chưa có hiệu quả cao; giáo viên chưa thật sự đổi mới phương pháp dạy học; cách dạy chưa phù hợp với đối tượng, vùng miền. Mọi người đều thừa nhận, học sử không phải để nhồi nhét vào trí nhớ những sự kiện, con số một cách vô cảm mà để sống và rung động với những sự kiện lịch sử, học để rút ra những bài học về nhân văn, về lòng yêu nước.
Không phải là cách học phụ thuộc 
Ông Lâm Văn Đua đánh giá: “Hiện nay một số tiết học lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử địa phương nói riêng được tiến hành một cách sinh động nhờ có sự quan tâm đầu tư trong việc soạn giảng, đổi mới tổ chức hình thức hoạt động cho học sinh trên lớp. Tuy nhiên việc dạy học này chưa được thực hiện đều ở đại bộ phận giáo viên, nhiều tiết dạy vẫn chưa tổ chức được cho học sinh sưu tầm tài liệu và chuẩn bị bài chu đáo, chưa tạo được sự hứng thú cho học sinh tham gia học hỏi và tìm hiểu kỹ bài học”. Điều này dẫn đến hệ quả nhiều em nắm lơ mơ về truyền thống lịch sử cha ông hay nhầm lẫn khái niệm, con số… Cô Đặng Thị Huê trao đổi, học tập lịch sử theo quan điểm hiện đại không phải là cách học phụ thuộc, nạp vào trí nhớ học sinh theo kiểu thầy đọc trò chép, thầy giảng trò nghe. Học sinh không học thuộc lòng theo SGK mà thông qua quá trình tiếp cận với sử liệu, các em sẽ tự hình dung lịch sử đã diễn ra trong quá khứ. Cô Huê mong muốn hãy để cho học sinh suy nghĩ , trình bày ý kiến của mình nhiều hơn trên cơ sở thông tin từ sử liệu, từ kiến thức bài học.
Nhiều ý kiến phản ánh nội dung sách lịch sử của chúng ta viết về các thời kỳ còn thiên về mảng chính trị và quân sự , nêu diễn tiến của các trận chiến, ngày tháng sự kiện quá chi tiết mà ít chú ý đến trọng tâm nội dung việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự mất cân đối này trong chương trình đã gây khó khăn cho giáo viên khi dạy lịch sử nước nhà. 
Buổi hội thảo được khép lại bằng một tiết dạy lịch sử địa phương “Tự nhiên – xã hội quận 8” của giáo viên Nguyễn Thị Mỹ Linh – Trường TH Tuy Lý Vương. Tiết dạy đã minh họa thêm những ý kiến trao đổi về phương pháp dạy bộ môn để mọi người rút ra bài học kinh nghiệm cần thiết khi thực hiện một giáo án cụ thể. Dù đôi chỗ còn mang tính trình diễn nhưng tiết dạy đã thể hiện rõ tầm quan trọng của việc học sinh tích cực, chủ động trong học tập thông qua các trò chơi, bài thuyết trình và đặc biệt là hoạt động sưu tầm tư liệu và thông tin theo nhóm.
Nguyễn Hoàng Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)