Dạy học tích hợp (DHTH) được xới lên từ nhiều năm qua nhưng vẫn còn mới, thậm chí bỡ ngỡ, tù mù với nhiều giáo viên, nhất là giáo viên trẻ mới vào nghề. Tâm lý lo ngại, chưa sẵn sàng thích ứng với phương pháp này còn cao. Làm thế nào để chuẩn bị tâm thế, nguồn giáo viên đủ chuẩn thích ứng với mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015?
Học sinh Trường THPT Đinh Thiện Lý (quận 7, TPHCM) trải nghiệm thực tế tại Trại dưỡng lão Vinh Sơn.
Hiểu chưa đúng, làm chưa tới
Đây là những vấn đề được mổ xẻ, phân tích tại hội thảo khoa học “Dạy học tích hợp, dạy học phân hóa ở các trường trung học” do Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM) tổ chức cuối tuần qua tại TPHCM.
Theo các chuyên gia giáo dục, nâng cao năng lực học sinh thông qua việc vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra là xu hướng, trào lưu sư phạm đang thịnh hành ở các nước có nền giáo dục hiện đại và họ đã làm từ lâu. 5 năm qua, ngành GD-ĐT đã xới lên và hiệu ứng lan tỏa của chủ trương này chưa nhiều và số đông vẫn chưa sẵn sàng, thậm chí ngại đổi mới. Kết quả khảo sát trên 250 giáo viên ở 18 trường THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng cho thấy, có 40% nhầm lẫn khái niệm tích hợp liên môn và đa môn, 12% chưa từng lồng ghép các vấn đề khác ngoài nội dung SGK. Đáng báo động hơn là có đến 9% giáo viên (chủ yếu mới ra trường) chưa hiểu biết gì về DHTH. Theo cô Trương Thị Thanh Mai (Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng), tuy giáo viên đã có ý thức, tiếp cận DHTH và chủ động lồng ghép kiến thức các môn học vào bài giảng, chủ đề tích hợp nhưng đa số vẫn nhầm lẫn giữa dạy tích hợp liên môn và dạy theo định hướng phát triển năng lực cho người học. Vì thế, trong nhiều chủ đề, giáo viên tích hợp khoảng 5 – 6 lĩnh vực khác nhau như Toán, Hóa, Sinh, Văn, Tin học, Giáo dục công dân… Thậm chí khi biên soạn các chủ đề, giáo viên còn mơ hồ, chưa nắm bắt được yêu cầu tích hợp liên môn dẫn đến sự tích hợp chồng chéo giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Tương tự, khảo sát của TS Phạm Thị Lan Phượng và các cộng sự ở 6 trường THPT tại TPHCM cũng chỉ ra con số 2,4% giáo viên trên tổng số 249 phiếu không hiểu DHTH là gì. Theo đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, hai năm qua TPHCM đã phát động cuộc thi về DHTH, thu hút nhiều sản phẩm của thầy cô nhưng chất lượng chưa cao, tỷ lệ giáo viên hiểu đúng về tích hợp không nhiều.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, do hiểu chưa đúng hay hiểu lơ mơ nên một bộ phận giáo viên đã áp dụng DHTH một cách máy móc, lồng ghép kiến thức khiên cưỡng, nếu không muốn nói là lan man, ôm đồm. TS Dương Thị Hồng Hiếu (Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TPHCM) chỉ ra rằng, mấu chốt của vấn đề này là chỉ đúng chủ đề, bài giảng cần tích hợp và đề nghị các cơ sở giáo dục phải chỉ dẫn cho giáo viên chọn nội dung, chủ đề tích hợp, liên môn hiệu quả. Đưa ra dẫn chứng về một số chủ đề tích hợp cả chục môn học, kiến thức lan man, các chuyên gia cho rằng hiểu không đúng hoặc lơ mơ sẽ dẫn đến làm không hiệu quả, thậm chí còn làm “bể” chương trình dạy.
Cỗ máy sư phạm phải chuyển động trước
TPHCM là địa phương đi đầu trong việc phổ biến, tập huấn cho giáo viên về DHTH, vì thế tỷ lệ thường xuyên áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến như thuyết trình, nêu vấn đề, dạy theo dự án, trải nghiệm khá cao (chiếm trên 50%). Đưa ra dẫn chứng sinh động về DHTH và dạy học phân hóa ở trường phổ thông qua dự án môn Ngữ văn, cô Đoàn Thị Hải Yến, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, khẳng định học sinh rất đam mê, hứng thú tham gia và các em đã thể hiện năng lực cá nhân, phát huy sở trường rất tốt. Đối với giáo viên tham gia DHTH, đòi hỏi phải sáng tạo, có kiến thức liên môn sâu rộng, biết cách hướng dẫn học sinh làm việc theo nhóm, xử lý tình huống… Tuy tỷ lệ đồng tình với chủ trương này ở TPHCM khá cao nhưng nhiều giáo viên cũng nêu khó khăn, trở ngại về thời gian không đủ hoàn thành bài giảng, cơ sở vật chất không đảm bảo, sĩ số lớp học quá đông, thiếu tài liệu hướng dẫn…
Theo các chuyên gia giáo dục, dù được trang bị kiến thức, kỹ năng DHTH nhưng tâm lý thiếu tự tin, thậm chí hoang mang, lo ngại trước định hướng đổi mới này chiếm tỷ lệ không nhỏ ở nhiều trường, nhiều địa phương. Nguyên nhân do giáo viên không được đào tạo về DHTH, vẫn xem SGK là “chìa khóa vạn năng”. Hơn nữa, sức ì, năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm yếu, thiếu ở một bộ phận giáo viên cũng đáng quan ngại. Thế nhưng, ở nhiều trường phổ thông, việc đánh giá họ đạt chuẩn nghề nghiệp cũng “xuề xòa”, cào bằng. Th.S Hồ Sỹ Anh đề nghị cỗ máy sư phạm phải khởi động trước, đào tạo sinh viên sư phạm năng động, biết nghiên cứu khoa học và có phương pháp khơi gợi, nâng cao năng lực sáng tạo cho học sinh thông qua hoạt động dạy học. Một khảo sát mới đây đối với 550 sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho thấy có gần 80% sinh viên tốt nghiệp cử nhân sư phạm nhưng chưa hề tham gia nghiên cứu khoa học. Như thế làm sao đáp ứng yêu cầu DHTH – đòi hỏi người dạy phải có chuyên môn sâu, kiến thức chuyên ngành rộng, biết khai thác thông tin, đặt ra và giải quyết các vấn đề…
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Anh Dũng (nguyên Phó Viện trưởng Viện Giáo dục VN, thành viên ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK của Bộ GD-ĐT) cũng trăn trở: “Chất lượng giáo viên hiện nay đáng lo ngại nhất. Làm sao đáp ứng yêu cầu DHTH nếu không chuẩn bị, định hướng các nội dung đổi mới giáo dục, phương pháp dạy học ở các trường sư phạm?”.
Đưa ra giải pháp, PGS-TS Ngô Minh Oanh nhấn mạnh rằng cần có kế hoạch đồng bộ về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho DHTH và phân hóa để họ có thể đảm nhận trọng trách khai thác chương trình, SGK mới một cách hiệu quả.
KHÁNH BÌNH
(SGGP)
Bình luận (0)