Dạy tích hợp là hình thức dạy học nhằm hình thành ở người học những năng lực giải quyết hiệu quả các tình huống thực tiễn cuộc sống trên cơ sở huy động kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Khi đổi mới nội dung chương trình, mối quan hệ giữa giáo viên – SGK – học sinh cần phải được xác lập một cách đầy đủ hơn (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi |
Tích hợp ở đây được hiểu là sự gắn kết phối hợp các lĩnh vực trí thức gần nhau của các phân môn văn, tiếng Việt, làm văn nhằm hình thành và rèn luyện tốt các kỹ năng: đọc, nói, nghe, viết cho học sinh. Gần đây quan điểm tích hợp trong sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn hiện hành đã được nâng lên một bước gắn liền với thực tiễn phát triển chương trình nhà trường, thực tiễn xây dựng chủ đề dạy học trong các môn học và các chủ đề tích hợp liên môn. Những đổi mới như trên không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn ngữ văn theo chương trình hiện hành mà còn là bước chuẩn bị tích cực hình thành những cơ sở thực tiễn bổ ích cho việc tiếp cận chương trình giáo dục sau 2018.
Về cấu trúc bài học tích hợp môn ngữ văn, theo nguyên tắc, một bài học tích hợp môn ngữ văn đúng nghĩa cần phải được hình dung theo dạng thức: văn bản đọc hiểu vừa là đối tượng của phân môn văn, vừa là mẫu của phân môn làm văn, kiến thức tiếng Việt; vừa giúp cho việc đọc – hiểu văn bản, vừa giúp cho việc tạo lập văn bản. Còn tạo lập văn bản sẽ là kết quả vận dụng tổng hợp các kiến thức văn học, tiếng Việt và các kỹ năng kinh nghiệm sống khác của học sinh. Hơn thế nữa, bám sát định hướng năng lực phát triển học sinh, mỗi bài học không chỉ cung cấp kiến thức tổng hợp mà quan trọng hơn phải xây dựng được môi trường trải nghiệm sáng tạo thông qua các hoạt động dạy học thích hợp, khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh gắn bó với cuộc sống hiện thực, vận dụng được kiến thức kỹ năng vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống, góp phần hoàn thành chuẩn năng lực đầu ra của mỗi cấp/lớp.
Như vậy đối với từng bài học, việc lựa chọn văn bản không chỉ nhằm mục tiêu phát triển năng lực đọc hiểu mà ngay từ đầu văn bản đó phải được đặt trong mối liên hệ xác định với những kiến thức cần thiết về tiếng Việt, làm văn tương ứng. Lấy văn bản đọc hiểu làm cơ sở phát triển năng lực học sinh trên cả hai phương diện, tiếp nhận văn bản và tạo lập văn bản. Ví dụ, những kiến thức về từ Hán Việt sẽ được thể hiện tự nhiên trong các văn bản văn học trung đại như “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn), “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (Thân Nhân Trung). Những kiến thức về từ đồng âm, từ trái nghĩa sẽ được thể hiện tự nhiên trong các văn bản truyện cười; những kiến thức phương ngữ Nam bộ sẽ được thể hiện tự nhiên trong văn bản “Hương rừng Cà Mau” (Sơn Nam). Tương tự, văn bản “Một thời đại trong thi ca” (Hoài Thanh) còn là văn bản mẫu giúp học sinh viết những bài nghị luận về một giai đoạn văn học. Văn bản “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” (Phạm Văn Đồng) còn là văn bản mẫu giúp học sinh viết những bài nghị luận về một tác giả văn học; văn bản “Tuyên ngôn độc lập” (Hồ Chí Minh) còn là văn bản mẫu giúp học sinh viết những bài nghị luận chính trị – xã hội, đồng thời là ngữ liệu giúp các em hiểu rõ hơn về các thao tác lập luận…
SGK cần hướng đến mục tiêu phát triển năng lực giáo viên, tạo ra những độ mở nhất định để trên cơ sở của SGK, thầy cô có thể chủ động tích cực và hứng thú thiết kế nên các giáo án dạy học đa dạng, sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của các cơ sở giáo dục nói chung và với sở trường, khả năng của từng cá nhân nói riêng. |
Cùng với quá trình hướng nội (xây dựng các bài học tích hợp), bản thân môn ngữ văn cũng phải tham gia vào quá trình hướng ngoại (tích hợp liên môn); và để đáp ứng yêu cầu này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể trước hết phải là một chương trình mở có sự tương tác đa chiều, trong đó các kiến thức chuyên biệt thuộc các môn học khác nhau liên thông với nhau và có thể tham chiếu lẫn nhau ở từng cấp học, lớp học.
Không chỉ là tài liệu tạo cơ hội cho học sinh kiến tạo hiểu biết, SGK còn cung cấp nhiều hoạt động học tập, phản ánh quan điểm kiến tạo về bản chất tích cực của học tập. Tuy nhiên, lâu nay mối quan hệ giữa SGK với việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên còn ít được thể hiện. Chất lượng SGK không chỉ là thuộc tính của bản thân SGK mà còn là sự phản ánh cách sử dụng SGK của giáo viên. Chính vì thế mà đào tạo giáo viên là cốt lõi của quy trình lâu dài thực hiện chương trình và sử dụng ngày càng hiệu quả SGK chất lượng. Vì thế trong thời gian tới, mối quan hệ giữa giáo viên – SGK – học sinh cần phải được xác lập một cách đầy đủ hơn, một mặt tiếp tục đổi mới nội dung chương trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm và biên soạn SGK tích hợp; mặt khác phải khẳng định rằng: phát triển năng lực, dạy cách học cho học sinh vừa là điều kiện tiên quyết vừa là mục tiêu cuối cùng của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông. Suy cho cùng chỉ có học sinh mới thực sự là những chủ thể tích hợp kiến thức nội môn, liên môn và xuyên môn để vừa phát triển học vấn phổ thông vừa rèn luyện được năng lực ứng xử, giải quyết những tình huống thực tế đặt ra cho nhà trường và trong cuộc sống, làm cho quá trình học tập mới thực sự trở nên ý nghĩa với chính bản thân mình.
TS. Trần Thanh Bình (NXB Giáo dục tại TP.HCM)
Bình luận (0)