Xác định được vai trò của tiếng Anh ngày càng quan trọng trong cuộc sống, ngành giáo dục TP.HCM đã mạnh dạn triển khai thực hiện giảng dạy ngoại ngữ này ở bậc tiểu học.
Trải qua từng thời kỳ, nhiều kế hoạch đã được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng dạy học, phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu.
Những bước đi đầu tiên
Năm học 1998-1999, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thực hiện thí điểm 2 lớp 1 học chương trình tiếng Anh tăng cường với 60 học sinh (HS) tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1). Do đội ngũ giáo viên (GV) tuyển từ nhiều nguồn khác nhau, trình độ không đồng đều, chủ yếu là GV tốt nghiệp ĐH hoặc CĐ sư phạm. Bên cạnh đó điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học cũng chưa được đầu tư đồng đều tại các trường học khiến cho việc thực hiện gặp không ít khó khăn.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), Sở GD-ĐT đã tổ chức rà soát, quy hoạch, xây dựng, bổ sung kế hoạch đào tạo và đào tạo lại. Thực hiện bồi dưỡng, sàng lọc, tuyển dụng đội ngũ GV, bảo đảm đáp ứng nhu cầu về số lượng, cơ cấu, trình độ, phấn đấu có đủ GV tiếng Anh đạt trình độ B2 cấp tiểu học theo chuẩn của Bộ GD-ĐT đề ra. Mặt khác, ngành giáo dục thành phố cũng đẩy mạnh kết hợp với các nhà xuất bản uy tín như Oxford, Cambridge hay Hội đồng Anh tổ chức chuyên đề bồi dưỡng phương pháp dạy học tiên tiến để GV có nhiều cơ hội trao đổi chuyên môn, rút kinh nghiệm.
Tiết học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ tại Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) |
Ngoài chương trình tiếng Anh tăng cường, theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, năm 2003, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chỉ đạo các trường tổ chức chương trình tiếng Anh tự chọn với lớp 2 buổi/ngày, mỗi tuần dạy 2 tiết. Năm 2011, Đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2011-2020” của UBND TP.HCM ra đời đã cụ thể hóa việc thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.
Kết quả sau hơn 10 năm thực hiện, tính đến thời điểm cuối học kỳ I năm học 2014-2015, tổng số HS học ngoại ngữ trong nhà trường là 410.788/542.484 em, đạt 75,7%. Số trường có dạy ngoại ngữ là 454/498, đạt 91,2%; trong đó có 219 trường thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường với 2.189 lớp (khoảng 90.960 HS), còn lại là tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh theo đề án và các ngoại ngữ khác.
Tiến tới hội nhập quốc tế
Có thể thấy công tác dạy – học tiếng Anh hiện nay tại TP.HCM đã và đang thể hiện xu hướng hội nhập quốc tế. Nổi bật phải kể đến Hội nghị triển khai đề án “Dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” đến 34 trường tiểu học, 22 trường THCS, và phấn đấu 16 trường THPT trong năm học 2015-2016. Theo đó người học được thụ hưởng một chương trình tiên tiến, mang yếu tố quốc tế song vẫn đảm bảo nét văn hóa dân tộc.
Ngoài chương trình tích hợp, năm học 2015-2016, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng quyết định đưa vào sử dụng bộ giáo trình Family and Friends Special Edition từ lớp 1 đến lớp 3, làm tài liệu giảng dạy chính thức cho chương trình tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh tăng cường. Đây là bộ giáo trình do Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Nhà xuất bản ĐH Oxford và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng, phát triển dựa trên bộ Family and Friends gốc của Nhà xuất bản ĐH Oxford, theo hướng phản ánh bản sắc văn hóa Việt Nam, đảm bảo tầm nhìn quốc tế, giúp HS có thể tham gia vào các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế như TOEFL Primary, Cambridge Young Leaners… Trước đó, nhiều giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy tiếng Anh như: Sách tiếng Anh 3, 4, 5 (sách thí điểm của Bộ GD-ĐT); Gogo Loves English (Nhà xuất bản Pearson); Let’s Learn English (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam); UK English Program. Let’s Go (Nhà xuất bản Oxford) hay Family and Friends (Nhà xuất bản Oxford). Mỗi một bộ sách phù hợp với từng chương trình giảng dạy, từng đối tượng HS và từng thời điểm giảng dạy. Việc thay đổi giáo trình phần nào cho thấy phù hợp với xu thế đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ: TP.HCM là địa phương luôn đi đầu cả nước trong việc giảng dạy tiếng Anh. Mặc dù gặp những khó khăn nhất định, song nhờ các bước quản lý thông qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn việc dạy – học phù hợp và sự mạnh dạn trong đổi mới đã nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng chuẩn đầu ra cho người học. Sự đổi mới còn thể hiện đúng tinh thần nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Từng bước khắc phục khó khăn Kể từ khi đất nước thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập ra khu vực và thế giới thì tiếng Anh được coi là ngôn ngữ quốc tế. Việc dạy và học tiếng Anh ở bậc tiểu học ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội nên ngành giáo dục TP.HCM đã từng bước khắc phục những khó khăn, đưa ra các bước quản lý thông qua ban hành các văn bản hướng dẫn việc dạy – học, mở các lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho GV. |
Bình luận (0)