Qua rà soát cho thấy việc dạy – học bằng ngoại ngữ tại một số địa phương và các cơ sở giáo dục ĐH vẫn còn những hạn chế như chưa rõ ràng về điều kiện cơ sở vật chất; thiếu giáo viên đạt chuẩn năng lực về trình độ ngoại ngữ; một số giáo viên mặc dù có đủ chứng chỉ ngoại ngữ nhưng khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh chưa đáp ứng; trình độ người học chưa đồng đều, thiếu động lực học tập và rèn luyện.
Bộ GD-ĐT vừa có tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục để Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nghị định này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH; không áp dụng với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư của nước ngoài trong giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH.
Nghị định này cũng không điều chỉnh những chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài; các chương trình giáo dục tích hợp; các lĩnh vực chính trị, lịch sử và ngữ văn liên quan tới Việt Nam trong chương trình giáo dục phổ thông.
Thiếu giáo viên đạt chuẩn, trình độ người học chưa đồng đều
Về sự cần thiết phải ban hành nghị định, Bộ GD-ĐT cho hay, Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo đã coi chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục – đào tạo là một trong 9 giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
Với chính sách mở cửa, tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục, việc dạy – học bằng tiếng nước ngoài nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên và nghiên cứu viên sau ĐH đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động hiện đại. Xuất phát từ thực tiễn này, các chương trình, đề án dạy – học bằng tiếng Anh đặc biệt ở các môn STEM được chú trọng tại các tỉnh, nhất là TP.HCM và Hà Nội.
Quy định việc dạy – học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác hiện được thực hiện theo Quyết định số 72 ngày 17-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 72 đã tạo hành lang, cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc dạy – học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học, người dạy.
Tháng 5-2024, Bộ GD-ĐT đã thực hiện rà soát, lấy ý kiến của các địa phương và các cơ sở giáo dục ĐH về việc thực hiện Quyết định 72. Kết quả rà soát cho thấy bên cạnh những ưu điểm khi thực hiện việc dạy – học bằng ngoại ngữ tại một số địa phương và các cơ sở giáo dục ĐH vẫn còn những hạn chế như chưa rõ ràng về điều kiện cơ sở vật chất; năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học dẫn đến chậm, muộn trong việc giải quyết thủ tục hành chính và hiệu quả của việc triển khai.
Ngoài ra, một số lý do khách quan của các địa phương như thiếu giáo viên đạt chuẩn năng lực về trình độ ngoại ngữ; một số giáo viên dù có đủ chứng chỉ ngoại ngữ nhưng khả năng giao tiếp, giảng dạy bằng tiếng Anh còn hạn chế, không đảm bảo được chất lượng dạy học; trình độ của người học chưa đồng đều, thiếu động lực học tập và rèn luyện ngoại ngữ.
Khuyến khích biên soạn tài liệu, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam
Trên cơ sở tiếp thu đề xuất của địa phương và các cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo nghị định này nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người học, người dạy; góp phần đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế trong giáo dục – đào tạo; giúp thu hút sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam; thúc đẩy đầu tư và xã hội hóa giáo dục. Đồng thời, nhằm khắc phục những hạn chế và phát huy các ưu điểm của Quyết định số 72 cùng các văn bản có liên quan; giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký hoặc là thành viên.
Dự thảo nghị định gồm 5 chương và 24 điều. Trong đó, chương I quy định chung, gồm 3 điều quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc dạy – học bằng tiếng nước ngoài. Chương II có 6 điều quy định điều kiện, tổ chức dạy – học bằng tiếng nước ngoài. Chương III có 5 điều quy định về thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục phê duyệt tổ chức dạy – học bằng tiếng nước ngoài. Chương IV có 8 điều quy định về tổ chức thực hiện. Chương V có 2 điều quy định về điều khoản thi hành.
Theo bộ, về nguyên tắc, việc dạy – học bằng tiếng nước ngoài phải xuất phát từ nhu cầu của xã hội, sự tự nguyện của người học và năng lực, điều kiện bảo đảm chất lượng dạy – học bằng tiếng nước ngoài của cơ sở giáo dục. Các môn được dạy – học bằng tiếng nước ngoài phải bảo đảm mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục của chương trình đã được phê duyệt ở từng cấp học, trình độ đào tạo và tuân thủ những quy định của pháp luật liên quan đến giáo dục – đào tạo. Không sử dụng kết quả việc học bằng tiếng nước ngoài làm cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ của người học.
Trong điều kiện, tổ chức dạy – học bằng tiếng nước ngoài, dự thảo nghị định đã bổ sung thêm phần khuyến khích việc xây dựng và biên soạn tài liệu dạy – học bằng tiếng nước ngoài để góp phần quảng bá văn hóa, chương trình đào tạo của Việt Nam.
Đối với nội dung về thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục phê duyệt tổ chức dạy – học bằng tiếng nước ngoài, dự thảo nghị định đã kế thừa, cập nhật các quy định còn phù hợp tại Quyết định số 72 và Thông tư 16 ngày 18-5-2016 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành các quy định của nghị định, đồng thời bổ sung các quy định mới cho phù hợp với thực tế. Theo đó, quy định rõ hơn thủ tục hành chính đối với việc thẩm định, quyết định, gia hạn hoặc chấm dứt việc dạy – học bằng tiếng nước ngoài tại các cơ sở giáo dục. Các nội dung quy định về quản lý này phù hợp với quy định tại Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục ĐH 2012 và Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.
Thục Trân
Bình luận (0)