Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Dạy học trò yêu thương

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ truyền đạt cho học trò kiến thức môn vật lý, cô giáo Hồ Thị Ngọc Thảo (Trường THCS Võ Thành Trang, Q.Tân Phú, TP.HCM) còn gửi đến các em bài học yêu thương với mô hình “Một ngày mới”.
Cô giáo Hồ Thị Ngọc Thảo (áo hoa) cùng các học trò lớp cô chủ nhiệm – Ảnh: K.A.
Cô giáo Ngọc Thảo đã được Thành đoàn TP.HCM xét trao giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” hai năm liền 2010, 2011.
Trường nằm ở quận Tân Phú, học trò đa số là con em gia đình nhập cư, cha mẹ lo làm ăn, không đủ thời gian chăm lo con cái. Chính vì thế, là giáo viên chủ nhiệm, cô Thảo giúp học sinh của mình học tập và vun đắp tâm hồn qua những bài học yêu thương. Vào nghề giáo tám năm thì ngần ấy năm cô Thảo làm chủ nhiệm khối lớp 8 hoặc 9.
Có lần cô Thảo chủ nhiệm một lớp 9 có đến gần nửa lớp học sinh học yếu, nhiều học trò quậy phá, thậm chí có cả một nữ “đại ca” của trường. Nhiều thầy cô từng bị nữ “đại ca” hù dọa đòi đánh, chính cô Thảo cũng đã bị em này dọa thuê xã hội đen “xử”.
Cô Thảo đã kể lại cho lớp câu chuyện được cô sưu tầm trên báo để thấy được hậu quả của những hành động bồng bột. Bằng tấm lòng dành cho học trò, cô đã tiếp xúc với bạn gái này và hiểu hoàn cảnh gia đình em quá phức tạp. Được cô tin tưởng giao việc, từ ấy cô học trò đã rũ áo “đại ca”. Bây giờ khi đã là nữ sinh cấp III, cô học trò “đại ca” ngày xưa vẫn thường liên lạc với cô Thảo qua email, khi cần lại tìm đến cô để “gỡ rối”.
Ngoài dạy học, cô Thảo còn là… nhà tâm lý thông qua hộp thư “Bồ câu”, tư vấn cho học trò những thắc mắc về tâm sinh lý tuổi ô mai. Nếu không tiện gặp trực tiếp, cô sẽ tư vấn qua email, điện thoại. Cô cũng kiêm luôn việc tư vấn cho phụ huynh cùng mình giáo dục giới tính cho các em.
Giờ sinh hoạt lớp thay cho nội dung “kiểm điểm lớp” lại là thời gian cô dạy cho học sinh những bài học yêu thương để các em cảm nhận, tự sửa chữa những lỗi lầm mình mắc phải. Những mẩu chuyện về tính tiết kiệm, tình yêu thương của Bác Hồ cũng được cô Thảo lồng ghép vào tiết sinh hoạt lớp. “Ngoài việc dạy kiến thức thì dạy cách để học sinh làm người mới là công việc quan trọng của người thầy” – cô Thảo tâm sự.
Không những học yêu thương trên lớp, cô Thảo còn đưa học sinh đến thăm các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn, thăm trẻ em vùng sâu vùng xa để các em có thêm những bài học yêu thương từ cuộc sống.
“Nhiều em sau mỗi chuyến đi đã có chuyển biến tốt về nhận thức” – cô Thảo bày tỏ. Các em đã biết chia sẻ khó khăn với bạn cùng lớp qua việc tiết kiệm mỗi tuần 1.000 đồng để trao học bổng khích lệ bạn vượt khó, hay quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt, em nhỏ vùng sâu vùng xa…
Theo KIM ANH
(TT)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)