Trước những điều chỉnh linh hoạt của UBND TP.HCM về việc xét nghiệm, cách ly y tế với F1, các trường học tại TP đã được “gỡ khó” rất nhiều và ngày càng ổn định việc dạy – học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh.
Giáo viên Trường Mầm non 14 (Q.Tân Bình) tuyên truyền phụ huynh về công tác phòng dịch trong nhà trường
Việc dạy học trực tiếp ngày càng đi vào ổn định
Tuần này, cô N.T.T.T – giáo viên chủ nhiệm lớp 4/18, Trường TH An Hội (Q.Gò Vấp) thông báo là F0. Ngay lập tức, lớp học được kích hoạt chuyển trạng thái, tuy nhiên không phải là chuyển sang học online mà theo hình thức hoàn toàn mới.
Học sinh lớp 4/18 vẫn đến trường học trực tiếp, Ban giám hiệu sẽ phân công giáo viên trong khối cùng hỗ trợ giờ học chủ nhiệm, các tiết khác giáo viên bộ môn vẫn đứng lớp, nhân viên văn phòng sẽ hỗ trợ giờ ăn, ngủ…; GVCN sẽ kết nối, theo dõi lớp qua hình thức trực tuyến, nắm bắt việc học của học sinh.
Cô Ngô Thị Thúy Lan (Phó Hiệu trưởng nhà trường) thông tin, đây là hình thức được nhà trường mới áp dụng nhằm thích ứng linh hoạt hơn nữa với điều kiện dịch bệnh, được phụ huynh, học sinh và giáo viên rất ủng hộ. Khi tính toán mức độ an toàn và không chuyển đổi lớp sang học trực tuyến, học sinh được đảm bảo quyền lợi học trực tiếp, không gây xáo trộn với phụ huynh, giáo viên bộ môn cũng vẫn duy trì được việc đứng lớp, việc dạy và học trực tiếp của trường được ổn định.
“Khi có 1 GVCN báo là F0 bộ phận tin học của trường sẽ kiểm tra kết nối đường truyền của lớp, sẵn sàng kích hoạt, giúp GVCN kết nối với lớp từ xa. Lớp trưởng mỗi lớp cũng sẽ được hướng dẫn để điều khiển lớp, tắt mic, nối mic cùng với GVCN. Năm học này, nhà trường đã tăng cường thêm hệ thống wifi, đảm bảo đường truyền đủ mạnh để phủ sóng khắp toàn trường, giúp các tiết học trong mùa dịch được thông suốt…”, cô Lan chia sẻ.
Riêng những học sinh phụ huynh không đồng ý cho con đi học, học sinh là F0, F1 thuộc diện buộc phải cách ly, Trường TH An Hội sẽ tổ chức lớp học song hành trực tiếp, trực tuyến. Học sinh ở nhà thực hiện các nhiệm vụ học tập cùng với học sinh trên lớp, gửi bài cho giáo viên hỗ trợ, phụ huynh cũng thêm an tâm, việc dạy và học vì thế không bị ảnh hưởng.
Theo cô Ngô Thị Thúy Lan, hiện toàn trường còn 6/3.666 học sinh chưa đến trường do phụ huynh còn lo ngại về dịch bệnh. Một mặt Ban giám hiệu, GVCN tiếp tục động viên, làm công tác tư tưởng để phụ huynh an tâm cho con đến trường, một mặt tăng cường hỗ trợ, theo sát để các em có thể thể theo kịp bạn bè, đạt các yêu cầu cần đạt tối thiểu trong năm học.
“Khi UBND TP điều chỉnh các quy định về xét nghiệm, về cách ly y tế đối với F1 trong trường học, việc dạy và học của trường đã ngày càng đi vào ổn định. Việc thiếu hụt về nhân sự trước đây khi giáo viên, nhân viên là F1 phải cách ly hiện nay đã được “tháo gỡ”, giúp nâng cao hơn nữa công tác dạy học trực tiếp đảm bảo phòng dịch trong nhà trường – phụ huynh càng thêm hỗ trợ, đồng hành”, Phó Hiệu trưởng Ngô Thị Thúy Lan bày tỏ.
Tăng sự an toàn để thêm sự an tâm của phụ huynh
Theo đánh giá của các nhà trường, hiện nay tình hình dịch Covid-19 trong trường học đã “hạ nhiệt” hơn so với thời điểm vài tuần sau Tết. TP.HCM cũng đã có những điều chỉnh quy định áp dụng cách ly y tế đối với F1, việc xét nghiệm trong lớp có F0 để thích ứng linh hoạt nhất với dịch bệnh hiện nay.
Cùng với những điều chỉnh của TP, từ phía các cơ sở giáo dục cũng có những thay đổi để phù hợp hơn nữa với đặc thù đơn vị mình, nhằm giúp việc dạy và học trực tiếp được linh hoạt, ổn định nhất.
Tại Trường Mầm non 14 (Q.Tân Bình), chiến dịch truyền thông về dịch bệnh, phòng chống dịch Covid-19 trong nhà trường vẫn được duy trì, đẩy mạnh hơn nữa với phụ huynh. Vào mỗi đầu giờ đưa, đón trẻ, phụ huynh sẽ được phát những tờ bướm, được giáo viên hướng dẫn, giải đáp tận tình những vướng mắc về công tác phòng dịch của trường.
Theo cô Phan Thị Ánh Hiệp (Hiệu trưởng nhà trường), nhiều phụ huynh còn băn khoăn về hướng xử lý của trường khi xuất hiện trẻ F0, khi được các cô giải thích, phụ huynh rất ủng hộ, thêm an tâm. Qua tác tuyên truyền giúp phụ huynh thêm an tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với nhà trường trong phòng chống dịch, đảm bảo môi trường an toàn nhất cho trẻ khi đến trường.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho hay, việc TP.HCM điều chỉnh các quy định y tế đối với F1 là hướng rất linh hoạt của thành phố, không chỉ nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các trường như khó khăn về nhân sự, về tổ chức lớp học, tạo thuận lợi cho phụ huynh mà trên hết là giúp việc dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố được ổn định nhất, hoà cùng với việc thích ứng linh hoạt trên toàn thành phố. Dù vậy, vẫn sẽ có một bộ phận học sinh chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 phải thực hiện cách ly y tế tại nhà theo đúng quy định 7 ngày nếu chưa tiêm vắc-xin. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn trong sự chủ động, linh hoạt trong các nhà trường khi tổ chức giảng dạy và đảm bảo phòng dịch. |
Tại mỗi lớp, các hoạt động giảng dạy của giáo viên cũng được thiết kế điều chỉnh để phù hợp với độ tuổi, đảm bảo an toàn cho trẻ. Các cô tập trung trang bị cho trẻ kỹ năng, thói quen phòng dịch qua các phương pháp đặc thù như hoạt động nhóm, trò chơi, tranh ảnh. Tất cả các hoạt động này đều được giáo viên thông báo, chia sẻ lên group lớp để phụ huynh cùng theo dõi, biết con học tập, sinh hoạt ở lớp ra sao, thêm an tâm, tin tưởng khi con ở trường.
Kế hoạch dạy học linh hoạt trong bối cảnh dịch của Trường Mầm non 14 còn chia giờ cho, chia ca để trẻ được ra sân vận động, tổ chức đa dạng các hoạt trò chơi, tăng cường thêm kỹ năng và sức khỏe cho trẻ.
“Từ chính các giải pháp an toàn phòng dịch, sĩ số trẻ trở lại trường đang ngày càng gia tăng. Từ con số mỗi lớp chỉ vài trẻ, đến nay toàn trường đã có hơn 350/430 trẻ và con số đang tiếp tục tăng theo thông báo từ giáo viên chủ nhiệm các lớp. Ngày càng nhiều phụ huynh cho con đến trường khi an tâm với các biện pháp phòng dịch, xử lý tình huống cũng như cách thức tổ chức của trường”, cô Phan Thị Ánh Hiệp vui mừng.
Đỗ Yến
Bình luận (0)