Áp lực sĩ số học sinh đầu cấp luôn là bài toán khó về cơ sở vật chất với nhiều quận, huyện tại TP.HCM. Bằng việc mạnh dạn triển khai dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp ngay từ năm học 2020-2021, Q.Tân Phú đã giải được bài toán này, tạo nền tảng để thực hiện dạy học trực tuyến năm học 2021-2022.
Việc mạnh dạn, đột phá kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp đã giải quyết bài toán về cơ sở vật chất mà còn tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm
Sĩ số học sinh gia tăng, cơ sở vật chất không theo kịp
Năm học 2021-2022, TP.HCM dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 51 dự án với 801 phòng học mới, tăng thêm 525 phòng so với năm học 2020-2021.
Tuy nhiên, do thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của TP, ảnh hưởng đến tiến độ dự án đưa vào sử dụng. Tính đến ngày 15-11, toàn TP mới chỉ đưa vào sử dụng 42 dự án với 591 phòng học mới.
Trong khi đó, năm học này, toàn TP có hơn 1.69 triệu học sinh. Riêng khối phổ thông tăng 10.493 học sinh so với năm học trước. Trong đó, tăng nhiều nhất ở bậc TH với 23.085 học sinh.
Sở GD-ĐT TP nhận định, số học sinh tăng nhiều ở cấp tiểu học chủ yếu tập trung tại TP.Thủ Đức và Q.12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, do đây đang là các khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng dân số tăng cơ học cao. Bình quân, mỗi năm số học sinh không có hộ khẩu TP gần 350.000 học sinh.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch, một bộ phận học sinh theo ba mẹ về quê song áp lực về sĩ số học sinh đầu cấp vẫn là bài toán khó ở một số quận, huyện vốn là “vùng nóng” hàng năm.
Đơn cử như Q.12, năm học 2021-2022, toàn quận có gần 100.000 học sinh ở các bậc học. Trong đó, tăng nhiều nhất là ở bậc TH với 48.145 học sinh, tăng 4.699 học sinh so với năm học trước. Sĩ số học sinh cao, dân số tăng cơ học hàng năm lớn, áp lực về trường lớp, cơ sở vật chất luôn là bài toán khó đối với quận này. Tỷ lệ học sinh TH học 2 buổi/ngày chỉ đạt 24,3%, giảm 2% so với năm học trước. Tỷ lệ này ở bậc THCS là 18%.
Ông Khưu Mạnh Hùng (Trưởng phòng GD-ĐT quận) cho hay, áp lực học sinh gia tăng nhưng cơ sở vật chất trường lớp không theo kịp đã khiến các trường TH trên địa bàn quận luôn trong trình trạng “quá tải”, sĩ số học sinh/lớp ở nhiều trường TH lên trên 50 học sinh, ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục.
Lợi thế từ sự mạnh dạn, đột phá
Q.Tân Phú là một trong những địa phương chịu áp lực sĩ số học sinh đầu cấp hàng năm lớn, cơ sở vật chất không theo kịp tốc độ dân số tăng cơ học, sĩ số học sinh/lớp cao, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp, trở thành rào cản triển khai Chương trình GDPT 2018.
Giải bài toán này, từ giữa HKII năm học 2020-2021, quận đã mạnh dạn triển khai thí điểm dạy học trái buổi trên internet tại các trường TH trên 5 buổi/tuần, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế quận và của từng đơn vị trường học.
Để triển khai hiệu quả, phòng GD-ĐT quận đã xây dựng 6 giải pháp, bao gồm: Đẩy mạnh công tác tham mưu; Triển khai kế hoạch; Tổ chức tập huấn giới thiệu các phần mềm ứng dụng dạy học qua internet; Hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học trên internet; Tổ chức dạy học trên internet; Tổ chức kiểm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm.
Ông Phan Sĩ Đạt – Trưởng phòng GD-ĐT quận cho hay, mấu chốt thực hiện thí điểm là quận thông tin kịp thời đến đội ngũ về phương pháp tổ chức, tạo điều kiện để đội ngũ chia sẻ khó khăn, đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả, phù hợp. Từng đơn vị nhà trường đã xây dựng kế hoạch, triển khai đến giáo viên về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức, tiến độ thực hiện. Đặc biệt, công tác lấy ý kiến của phụ huynh học sinh được chú trọng.
Khởi đầu, 8/17 trường TH trên địa bàn quận đã tổ chức dạy trên 5 buổi/tuần với buổi thứ 6 học trên internet. Các đơn vị thí điểm chọn khối lớp, lớp và đối tượng học sinh đảm bảo các yêu cầu về năng lực, khả năng, đáp ứng được yêu cầu của dạy học trên internet.
“Việc tổ chức tập huấn được hết sức chú trọng nhằm trang bị cho đội ngũ nắm vững kỹ năng sử dụng các phần mềm, lựa chọn phần mềm hiệu quả, phù hợp với dạy học trực tuyến, đảm bảo quản lý, theo dõi quá trình học trực tuyến của học sinh. Nhiều trường còn chủ động tập huấn cho giáo viên các phần mềm thông dụng, bổ trợ cho quá trình trao đổi, thông tin và hướng dẫn học sinh học trực tuyến, qua hình thức hướng dẫn đồng nghiệp”, ông Đạt bổ sung.
Về kế hoạch dạy học trên internet trong thời gian đầu thí điểm, ông Đạt cho biết, giáo viên xây dựng qua tổ chuyên môn, hiệu trưởng phê duyệt hàng tuần. Giáo viên chủ động lựa chọn các môn ít tiết, các tiết có yêu cầu thực hành nhiều, thông tin cụ thể đến phụ huynh qua tin nhắn điện tử, lựa chọn phầm mềm học tập phù hợp với năng lực và điều kiện học tập của từng đối tượng học sinh.
Tuỳ theo năng lực, khả năng của từng học sinh, giáo viên chủ động giao nhiệm vụ học tập phù hợp, thực hiện theo hình thức cá thể hóa nhằm phát huy tính tích cực của học sinh. Giáo viên thường xuyên theo dõi quá trình học tập của học sinh, thực hiện kiểm tra, đánh giá quá trình học tập thông qua việc chấm, sửa bài trên hệ thống giao bài tập trực tuyến hoặc sản phẩm bài làm của học sinh.
Một điều quan trọng là sau các tiết dạy, giáo viên kịp thời rút kinh nghiệm qua các buổi trao đổi với cha mẹ học sinh, qua sinh hoạt chuyên môn, điều chỉnh nội dung, phương pháp tổ chức cho phù hợp hơn với yêu cầu của môn học và điều kiện thực tế triển khai. Phòng GD-ĐT cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát, tổng kết đánh giá quá trình thực hiện…
Qua quá trình thí điểm vừa dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến, toàn quận có 84 lớp tham gia với 3.457 học sinh tiểu học tham gia học trên internet (tỷ lệ 88,03%). Cuối năm học, 100% học sinh tham gia học thí điểm trên internet tại các trường TH đều hoàn thành chương trình lớp học. Học sinh được đánh giá tốt về hình thành phát triển năng lực, phẩm chất. Phần mềm giáo viên lựa chọn giảng dạy hiệu quả…
“Từ quá trình dạy học trên internet kết hợp với dạy học trực tuyến trong HKII năm học 2020-2021 đã không chỉ giải quyết được bài toán về cơ sở vật chất, xây dựng được phương pháp dạy học phù hợp trong điều kiện thực tế, vừa phát triển được năng học học sinh, đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, sự mạnh dạn này đã tạo nền tảng để đội ngũ giáo viên vững vàng, phụ huynh an tâm khi triển khai dạy và học trực tuyến ngay từ đầu năm học 2021-2022”, ông Phan Sĩ Đạt đánh giá.
Cô Trần Thị Khanh (Hiệu trưởng Trường TH Lê Lai, Q.Tân Phú) nhìn nhận, từ quá trình sớm đột phá, mạnh dạn kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp đã mang lại nhiều hiệu quả. Trước tiên, làm tăng tính minh bạch trong quá trình dạy và học. Giáo viên có thể ghi hình tiết học đó và gửi cho phụ huynh, học sinh.
Giúp nhà trường, giáo viên có thêm các khoảng thời gian để tập trung phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh mà trước đây do hạn chế về cơ sở vật chất, trường lớp, sĩ số học sinh chưa thể triển khai được.
“Đây không còn là hình thức dạy học tạm thời nữa, đặt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì đã trở thành phương pháp dạy học hiệu quả, đáp ứng được sự thay đổi của tình hình”, cô Khanh bày tỏ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)