Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu, các trường trung học xây dựng đầy đủ các phương án tổ chức hoạt động dạy và học phù hợp với các đối tượng học sinh, đảm bảo 100% giáo viên và học sinh của nhà trường tham gia vào hệ thống phần mềm dạy và học trực tuyến.
Việc đánh giá quá trình học tập của học sinh trong quá trình học tập trực tuyến qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm, các bản báo cáo quá trình học tập của học sinh; các bài thu hoạch… Kiểm tra, đánh giá định kỳ có thể được thực hiện bằng hình thức trực tuyến trong trường hợp học sinh không thể tới trường.
Chiều 23-8, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và 21 quận huyện; Hiệu trưởng trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp THPT) về việc thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường khi dạy học trực tuyến tại các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố trong năm học 2021-2022.
Sở GD-ĐT TP lưu ý, nội dung dạy học trực tuyến phải đáp ứng mức độ cần đạt hoặc yêu cầu cần đạt được của chương trình GDPT. Hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo các chủ đề và được xây dựng trên cơ sở chương trình GDPT. Chuyên đề dạy học trực tuyến phải đảm bảo sự tương tác giữa giáo viên với người học, người học với người học và giáo viên phải giám sát được toàn bộ quá trình học tập này.
Tài khoản của học sinh và giáo viên dùng trong các phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến được xác định theo mã số định danh cá nhân của học sinh và giáo viên. Nhà trường đảm bảo 100% giáo viên và học sinh của nhà trường được cấp tài khoản (ID) để tham gia vào hệ thống phần mềm dạy và học trực tuyến. Các hệ thống dạy học trực tuyến phải tích hợp được với nhau và tích hợp được với cơ sở dữ liệu ngành trong quá trình thực hiện.
Nhà trường xây dựng thời gian biểu dạy học trực tuyến phù hợp, thông báo lịch học, lịch tương tác với giáo viên phụ trách đến học sinh và phụ huynh học sinh; xây dựng đầy đủ các phương án tổ chức hoạt động dạy và học phù hợp với các đối tượng học sinh. Tuân thủ các quy định hiện hành theo các quy định của pháp luật.
Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, hệ thống dạy học trực tuyến được sử dụng riêng hoặc kết hợp các phần mềm song đáp ứng chuẩn kết nối với cơ sở dữ liệu của ngành giáo dục thành phố và kết nối với nhau.
Với giáo viên, dạy học trực tuyến là thực hiện thiết kế chủ đề/bài học dạy học trực tuyến, tổ chức giờ học trực tuyến để hướng dẫn học sinh học tập; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh; quản lý quá trình học tập, kiểm tra đánh giá của học sinh trên hệ thống.
Với học sinh, học tập trực tuyến là thực hiện các hoạt động học tập; tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức; thực hiện kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên; khai thác, ứng dụng các nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi của giáo viên; trao đổi thảo luận với các học sinh khác; theo dõi kết quả học tập và rèn luyện của mình trên hệ thống.
Đối với nhà trường, cần quản lý hồ sơ, tiến trình học tập, kết quả học tập của học sinh và các hoạt động dạy của giáo viên; hỗ trợ quản lý các thông tin khác theo yêu cầu cơ sở giáo dục phổ thông và cơ quan quản lý các cấp. Phân công tổ bộ môn, giáo viên tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến. Quản lý thời khóa biểu, lịch dạy và học của giáo viên và học sinh. Phân tích được quá trình học tập, hoạt động học tập của học sinh trên hệ thống.Thống kê được hoạt động dạy- học trực tuyến theo cấu trúc quản lý nhà trường (môn/giáo viên, khối/lớp).
Cơ quan quản lý giáo dục sẽ quản lý hồ sơ, tiến trình học tập, kết quả học tập của học sinh và các hoạt động dạy của nhà trường/môn học/giáo viên/khối/lớp. Phân tích được quá trình học tập, hoạt động học tập của học sinh trên hệ thống. Thống kê được hoạt động dạy-học trực tuyến theo cấu trúc quản lý nhà trường.
Gia đình có trách nhiệm hỗ trợ, giám sát tạo điều kiện cho học sinh tham gia quá trình học tập trực tuyến. Phối hợp với nhà trường, giáo viên hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiệm vụ và nộp sản phẩm học tập cho giáo viên để kiểm tra, đánh giá.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ rõ, khi tổ chức dạy học trực tuyến, các cơ sở giáo dục trung học cần thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Kế hoạch dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Thực hiện dạy học theo chương trình bảo đảm nội dung cốt lõi theo yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục; nội dung cốt lõi cần xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp khi có đủ điều kiện cho học sinh đến trường. Kế hoạch giáo dục của nhà trường thể hiện rõ sự kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đơn vị. Cần có tối thiểu 2 kịch bản dạy học trong nhà trường để ứng phó trong các trường hợp bất khả kháng, đáp ứng mục tiêu hoàn thành kế hoạch dạy và học tại đơn vị. Xây dựng, bổ sung, điều chỉnh Quy chế kiểm tra đánh giá học sinh phù hợp với việc tổ chức dạy học trực tuyến và trực tiếp.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, học liệu dạy học trực tuyến phải phù hợp với nội dung bài học, chủ đề học tập và hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh; bảo đảm tính khoa học, sư phạm và phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, phải được tổ chuyên môn thông qua và được người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông phê duyệt. Chuyên đề, chủ đề dạy học trực tuyến phải được thầy cô trong cùng tổ bộ môn xây dựng và thực hiện trên cơ sở phê duyệt của nhà trường.
Đối với việc đánh giá học sinh trung học khi dạy học trực tuyến, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP quy định, nhà trường rà soát các quy định về kiểm tra đánh giá, xây dựng và bổ sung tiêu chí kiểm tra, đánh giá, hình thức kiểm tra đánh giá trực tuyến vào quy chế kiểm tra đánh giá của nhà trường. Xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá, phân công tổ chuyên môn/giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra của bộ môn. Thông tin kế hoạch, tiêu chí kiểm tra đánh giá đến giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Việc đánh giá quá trình học tập của học sinh trong quá trình học tập trực tuyến qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm, các bản báo cáo quá trình học tập của học sinh; các bài thu hoạch… Nhà trường vận dụng văn bản của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, xây dựng hướng dẫn giáo viên sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh trong quá trình học trực tuyến thay cho các bài kiểm tra thường xuyên đúng quy định. Cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua Internet, bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.
Riêng kiểm tra, đánh giá định kỳ và kiểm tra lại, Sở GD-ĐT quy định thực hiện trực tiếp tại nhà trường theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ. Trong trường hợp học sinh không thể đến trường tại thời điểm kiểm tra, đánh giá vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ có thể được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
Việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến cần được xây dựng thành quy trình kiểm tra, đánh giá bao gồm đánh giá theo quá trình trực tuyến kết hợp với hình thức kiểm tra và thực hiện hồ sơ kiểm tra đánh giá theo quy định. Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.
Yến Hoa
Bình luận (0)