Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy học trực tuyến: Làm sao để sinh viên không ‘rời mắt khỏi màn hình’?

Tạp Chí Giáo Dục

Do dịch Covid-19 kéo dài, các trường ĐH buộc phải chuyển sang dạy học và thi theo hình thức trực tuyến. Việc làm sao để sinh viên không "rời mắt khỏi màn hình" là trăn trở của nhiều giảng viên.
Sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM trong giờ học trực tuyến /// Đ.N.
Sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM trong giờ học trực tuyến. Đ.N.
Dạy học trực tuyến không còn là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài. Nhiều trường ĐH còn xác định dạy học trực tuyến là một phần trong các hình thức dạy học chính thức trong điều kiện bình thường thời gian tới.
Từ thực tế kinh nghiệm quản lý và giảng dạy, các chuyên gia cho rằng để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu qủa cần có sự phối hợp của cả nhà trường, giảng viên và sinh viên.
Yếu tố quyết định là… ‘kịch bản’ bài giảng
Tiến sĩ Đinh Tiên Minh, Trưởng bộ môn Marketing, Khoa Kinh doanh quốc tế – marketing Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giảng viên trong việc thu hút sinh viên tham gia lớp học trực tuyến. Trước hết, giảng viên cần có kiến thức công nghệ và sẵn sáng sử dụng công nghệ trong môi trường số hoá hiện nay, đồng thời bản thân giảng viên cũng cần trang bị đầy đủ hạ tầng thiết bị, có khi cần tới 2 máy tính và các thiết bị khác để hỗ trợ một buổi dạy.
“Giảng viên cần có kịch bản chu đáo cho từng môn học, trong từng buổi học cụ thể. Sự đa dạng của kịch bản này sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng môn học, khối ngành. Tuy nhiên, khi có trình độ công nghệ tốt, kết hợp với sự sáng tạo trong xây dựng kịch bản bài giảng, người đứng lớp sẽ có khả năng thu hút sinh viên và khiến họ không thể rời mắt khỏi màn hình để làm việc riêng”, tiến sĩ Minh nhấn mạnh.
Để có kịch bản hay giảng viên phải có sự đầu tư để cùng một nội dung bài học nhưng sẽ có bài giảng thiết kế mới dựa trên sự hỗ trợ đa dạng của các công cụ trực tuyến. Chẳng hạn, thay vì tổ chức buổi hội thảo trực tiếp trên lớp, thầy cô có thể tổ chức buổi hội thảo trực tuyến webminar với khách mời là chuyên gia bên ngoài dù họ đang ở bất cứ đâu…
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cũng cho rằng muốn tạo sự hấp dẫn cho người học trực tuyến thì giảng viên phải am hiểu nhiều nền tảng, công cụ khác nhau để đa dạng hóa hoạt động dạy học và đánh giá. Để được như vậy thì các thầy cô cần thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm từ đồng nghiệp và các chương trình bồi dưỡng.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giảng viên Viện đào tạo quốc tế Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng giảng viên cần linh động điều tiết tăng thời gian tương tác trao đổi của người học, giảm thời gian giảng bài đơn lẻ nhằm tạo cơ hội để sinh viên làm chủ quá trình học tập. Việc giảng viên giảng liên tục với khối lượng kiến thức cao sẽ gây áp lực và giảm hiệu qủa học tập của sinh viên.
Trường học, người học cần ra sao?
Bên cạnh yếu tố giảng viên, để học trực tuyến hiệu qủa các ý kiến cho rằng còn phụ thuộc vào nhà trường và bản thân người học.
Tiến sĩ Đinh Tiên Minh cho rằng nhà trường phải tạo được hành lang thông thoáng từ quy định, quy chế đến nền tảng hạ tầng công nghệ. Sinh viên cần có kiến thức công nghệ, cơ sở hạ tầng đầy đủ và phải tự học chủ động.
Ở góc nhìn nhà quản lý, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ cũng cho rằng, trường ĐH nên tập trung vào 3 việc để nâng cao hiệu qủa dạy học trực tuyến. Thứ nhất là ban hành các văn bản hướng dẫn về dạy trực tuyến và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó cần chọn được hệ thống quản lý học tập (LMS) tốt và đảm bảo thi được ở quy mô lớn. Nhà trường cũng cần thường xuyên tổ chức tập huấn cho giảng viên cả về phương pháp lẫn các phương tiện dạy học trực tuyến.
Ông Nguyễn Minh Trí thì cho rằng nhà trường cần có buổi trao đổi trực tuyến hoặc qua văn bản nhằm nhắc nhở sinh viên về các nguyên tắc học tập trực tuyến như: chủ động xem bài, chuẩn bị bài, đề cao tinh thần làm việc nhóm ngoài giờ để sinh viên có thể hỗ trợ nhau trong qua trình học tập.
“Nội dung chương trình cần được tinh gọn, chắt lọc để truyền tải đến sinh viên cô đọng nhất. Tránh dài dòng, rườm rà làm cho sinh viên nản lòng, giảm đi động lực học tập”, ông Trí nói thêm.
Ông Trí còn nhấn mạnh vai trò của giáo vụ hoặc cố vấn học tập cần phối hợp với lớp trưởng để kịp thời nắm bắt tâm tư, khó khăn của sinh viên khi học trực tuyến để hỗ trợ kịp thời.
Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)