Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy học trực tuyến, mỗi giáo viên có gần 10 nhóm tương tác!

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu học sinh gặp không ít khó khăn khi tham gia học trực tuyến, thì giáo viên cũng vất vả không kém khi dạy theo hình thức này.
Khi dạy học trực tuyến, giáo viên phải tương tác với rất nhiều nhóm trên mạng  /// Đào Ngọc Thạch
Khi dạy học trực tuyến, giáo viên phải tương tác với rất nhiều nhóm trên mạng. ĐÀO NGỌC THẠCH
Đặc biệt là khi dạy học trực tuyến, giáo viên (GV) phải tương tác quá nhiều trên các nhóm nên máy tính, điện thoại lúc nào cũng… nóng hầm hập!
GV sẽ gặp khó khăn trong dạy học nếu không tham gia một nhóm nào đó trên mạng. Khi dạy trực tuyến, số lượng nhóm mà mỗi GV tham gia tăng lên 2, 3 lần là điều khó tránh khỏi. Hiện tại có nhiều ứng dụng nhóm, nhưng phổ biến nhất là Facebook, Messenger, Zalo, Instagram…
Một GV THPT nhẩm tính: “Vừa chủ nhiệm lớp, giảng dạy và tham gia kết nối khác, hiện tại tôi có trên dưới 10 nhóm. Nào là nhóm trường, nhóm lớp dạy và chủ nhiệm, nhóm tổ bộ môn; nhóm với cha mẹ HS; nhóm lớp học của con…”. Vì kết nối nhiều, lại tương tác liên tục, nên điện thoại của GV lúc nào cũng như muốn… “cháy”!
Tham gia kết nối nhóm là điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho công việc và trao đổi thông tin. Tuy nhiên phiền toái của nó cũng không ít. Như lời một GV chia sẻ: “Muốn khuyên con hạn chế dùng điện thoại, xem ti vi… cũng không dễ, vì mình cũng đang lướt web liên tục”. Tiện lợi nhưng cũng có phần bất lợi, vì buộc phải cập nhật liên tục với công việc. Nhiều khi không kịp xem tin, để tin bị “trôi” thì bản thân người dùng chịu phiền toái. Xem tin vui, tin tốt thì lòng nhẹ nhõm. Nếu ngày nào mà chỉ toàn tin không hay, mới thấy lòng trĩu nặng làm sao!
Khi người tham gia trong nhóm biết cư xử thì còn đỡ khổ, chẳng may có người lỡ vô ý tứ sẽ làm phiền đến nhiều người khác là khó tránh khỏi. Sợ nhất là các tin đến lúc nghỉ trưa, tin từ sau 10 giờ tối, tin chẳng liên quan gì đến mục đích lập nhóm, tin riêng tư của vài người!
Vì nhiều phiền toái như đã nói ở trên, thiết nghĩ lãnh đạo các trường không nên “lạm phát” tạo nhóm để quản lý, sinh hoạt với GV trong thời gian dạy học trực tuyến này. Cần đưa thêm quy định tương tác nhóm vào nội quy dạy học trực tuyến (chẳng hạn về thời gian: tránh giờ trưa, giờ khuya…; về nội dung: tránh thông tin không phù hợp, không cần thiết…).
Theo Trần Nhân Trung/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)