Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy học trực tuyến môn văn: Giáo viên đừng chú trọng việc biểu diễn, thể hiện mình

Tạp Chí Giáo Dục

Dạy học trực tuyến (dạy online hoặc qua truyền hình) không phải bây giờ mới có; nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 năm nay mới thấy vấn đề trở nên cấp thiết và quan trọng. Sự cần thiết của dạy học trực tuyến không có gì phải bàn cãi. Vấn đề là làm thế nào cho có chất lượng, phù hợp với yêu cầu, đặc trưng môn học; bảo đảm sự bình đẳng cho mọi học sinh (HS) mới là vấn đề đáng quan tâm.

Tôi không có thời gian và điều kiện để xem nhiều bài giảng trực tuyến của các giáo viên (GV) môn ngữ văn, nhưng cũng có xem một số giờ. Có bài chủ động xem vì do người dạy là GV giỏi mà tôi biết rõ; một số bài xem tình cờ, ngẫu nhiên… Với những gì nghe và thấy được, tôi thật sự lo lắng cho hiệu quả việc dạy này nếu không có sự chỉ đạo và hướng dẫn GV dạy học trực tuyến đúng đắn cho từng môn học. GV dạy trực tuyến hiện nay ngoài chuyện phải loay hoay với kỹ thuật phương tiện hiện đại, nhìn chung chưa được trang bị cách dạy trực tuyến sao cho đúng với đặc trưng và yêu cầu của môn học. Với dạy học môn ngữ văn, hầu hết là GV tự phân tích, bình giảng các tác phẩm cần dạy; thuyết minh giới thiệu các nội dung tiếng Việt, làm văn cần chú ý. Đành rằng dạy trực tuyến rất khó tương tác trực tiếp… nên đành phải thuyết trình, diễn thuyết một mình là chính. Nhưng nếu thế thì chỉ như là học hộ HS, đọc hiểu hộ, cảm thụ giùm người học. Đành rằng nghe cũng tốt, cũng là học, nhất là gặp GV giỏi. Nhưng chỉ nghe không thì khó đạt được yêu cầu của dạy học tích cực, càng khó thực hiện phát triển nghị luận. Hơn nữa không phải tất cả các bài, các GV dạy trực tuyến đều dạy hay, dạy đúng. Một GV giỏi viết tin nhắn cho tôi sau khi nghe một GV khác dạy trên truyền hình Hà Nội rằng: “Dạy thế HS không chán mới lạ”.

Dạy trực tuyến giờ đọc hiểu vẫn cần cố gắng đạt được 2 yêu cầu: giúp HS hiểu tác phẩm được dạy và hình thành cho các em cách đọc văn bản, cách cảm thụ tác phẩm. Vì thế GV cần biết cách trình bày bài giảng. Cần giả định HS ngồi trước mình, để đặt ra các tình huống, các câu hỏi (cả câu hỏi về nội dung, nghệ thuật; cả câu hỏi về cách khám phá, tìm hiểu văn bản). Đành rằng HS ở xa, lớp học ảo, nhưng vẫn cần đặt ra câu hỏi, vấn đề, tình huống để người nghe buộc phải suy nghĩ. Từ đó GV phân tích, gợi mở thì người nghe mới tiếp nhận một cách tích cực, bớt nghe một chiều như nghe đọc truyện đêm khuya. Việc này dạy học online có thể thực hiện tốt hơn trên truyền hình. Tóm lại, việc dạy trực tuyến vẫn cần có tương tác bằng các hình thức phù hợp, vẫn phải chấp nhận những khoảng lặng buộc người nghe suy nghĩ… GV đừng quá chú trọng việc biểu diễn, thể hiện mình. Tôi nghĩ các cơ quan chỉ đạo chuyên môn nên có những hướng dẫn và thống nhất cách dạy học trực tuyến cho mỗi môn học để bảo đảm chất lượng, sự bình đẳng và có hiệu quả trong phạm vi cả nước.n

PGS.TS Đ Ngc Thng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)