Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu kiến nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh vị trí việc làm phụ trách CNTT trong các cơ sở giáo dục, từ trình độ trung cấp sang trình độ đại học và có chế độ đãi ngộ phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong dạy và học tại các cơ sở giáo dục, nhất là khi dịch bệnh kéo dài…
TP.HCM cho rằng cần điều chỉnh vị trí chuyên trách về CNTT trong các cơ sở giáo dục để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hỗ trợ dạy học trực tuyến
Trong hội nghị tổng kết toàn quốc trực tuyến bậc trung học năm học 2021-2022, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định, nếu muốn ứng dụng CNTT tốt thì trong các cơ sở giáo dục phải có 1 người chuyên trách phụ trách về CNTT, có trình độ tốt để hỗ trợ giáo viên xây dựng nền tảng dạy học trên internet.
Tuy nhiên, hiện nay, biên chế việc làm của ngành giáo dục quy định, mỗi cơ sở giáo dục có một vị trí nhân viên phụ trách CNTT, trình độ trung cấp. Vị trí này lương rất thấp, không thu hút được người giỏi vào làm việc, sẽ là hạn chế trong ứng dụng CNTT dạy và học trong các năm học tới đây.
“Bộ GD-ĐT cần điều chỉnh vị trí này, sử dụng nhân sự có trình độ đào tạo đại học về CNTT, sẽ góp phần đẩy nhanh đề án chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục cũng như ứng dụng CNTT trong dạy và học, hỗ trợ dạy và học trực tuyến khi dịch bệnh có thể kéo dài”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị.
Cũng trong nội dung chuyển đổi số dạy và học, ông Hiếu cho biết, năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với các trường ĐH, xây dựng nền tảng, phần mềm chuyển đổi số, hỗ trợ tốt việc dạy và học trực tuyến, dạy học qua internet trên truyền hình. Ngành GD-ĐT TP đã hoàn thành dữ liệu trung học, các cơ sở giáo dục chia sẻ dữ liệu qua hệ thống phần mềm của Sở GD-ĐT gặp thuận lợi.
“Từ dữ liệu của các địa phương, Bộ GD-ĐT có thể chọn lọc, đưa lên hệ thống của Bộ các clip, video bài giảng có chất lượng tốt để các tỉnh, thành phố còn gặp khó khăn, hạn chế về daỵ học trực tuyến có thể sử dụng kho dữ liệu này để giảng dạy trong thời gian phòng chống dịch”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất.
Ngoài ra, TP.HCM cũng tiếp tục kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ xem xét đối với các tỉnh thành phố, các huyện có số lượng học sinh lớn, số lượng dân cư đông thì số lượng chuyên viên phòng giáo dục phải có sự tương ứng. Tại TP.HCM, có những quận, huyện số dân lên đến cả triệu song số lượng chuyên viên phòng giáo dục rất ít như các quận, huyện khác, gây khó khăn trong việc quản lý.
Để chuẩn bị cho Chương trình GDPT 2018 ở bậc lớp 6, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, TP.HCM đã phối hợp với các trường để tổ chức bồi dưỡng giáo viên trên hệ thống LMS của Sở. Từ năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT TP.HCM đã chủ động phối hợp với Trường ĐH Sài Gòn tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy Lý, Hoá, Sinh để hướng đến dạy môn KHTN, bồi dưỡng giáo viên Sử, Địa cho môn Lịch sử- Địa lý trong năm học 2021-2022. Đến giờ này, thành phố đã hoàn thành bồi dưỡng 100% giáo viên dạy lớp 6 chuẩn bị cho năm học mới.
Năm học 2021-2022, ở khối THCS, TP.HCM có khoảng 451.965 học sinh với 285 trường THCS; khối THPT, toàn TP có 234.767 học sinh với 202 trường THPT bao gồm công lập và tư thục…
Yến Hoa
Bình luận (0)