Xung quanh việc cho con học chữ trước khi vào lớp 1, PV đã phỏng vấn ông Lê Tiến Thành (ảnh), vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ Giáo dục – đào tạo (GD-ĐT). Ông Thành khẳng định:
– Luật giáo dục quy định trẻ sáu tuổi mới vào học lớp 1. Để chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1 được thuận lợi, chương trình giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi chỉ thực hiện việc dạy trẻ nhận biết các chữ cái tiếng Việt và con số từ 1-10. Các trường mầm non ngoài việc giáo dục trẻ năm tuổi những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi chỉ được phép thông qua các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng giúp trẻ học đếm, phát triển ngôn ngữ.
Ví dụ cho trẻ tập đếm số bạn trong cùng nhóm chơi hoặc nhận biết tên gọi của các loài vật, hoa cỏ qua tranh ảnh, video… Việc tổ chức dạy chữ (học vần và tập viết), dạy toán trong trường mầm non hay ở các “lò” dạy thêm cho trẻ chưa đến tuổi đi học lớp 1 đều trái luật. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng là không được phép dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ chưa đến sáu tuổi.
* Việc tổ chức dạy chữ (học vần và tập viết), dạy toán trong trường mầm non hay ở các “lò” dạy thêm cho trẻ chưa đến tuổi đi học lớp 1 đều trái luật.
* Việc liên kết và dạy trước lớp 1 trong các nhà trường (trường mầm non, tiểu học) dù dưới bất kỳ hình thức nào đều là sai phạm cần phải xử lý và ngừng hoạt động.
* Ngành giáo dục các địa phương phải có biện pháp sát sao hơn trong việc chỉ đạo các trường tiểu học, giáo viên đảm bảo dạy đúng yêu cầu của chương trình, phân phối chương trình.
|
* Nhưng trên thực tế việc dạy trước chương trình lớp 1 vẫn diễn ra tràn lan. Một trong những lý do dẫn đến việc này là do ở trường tiểu học giáo viên cũng đã quen việc trẻ phải biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1, những đứa trẻ không được học trước trở nên lạc lõng, mang tâm lý thua kém bạn bè từ ngày đầu đến trường. Việc này ngành giáo dục có biết không và đã làm gì để ngăn chặn?
– Vấn đề này nên nhìn nhận từ hai phía: một phần do nhu cầu xã hội, cụ thể là các bậc cha mẹ. Với tâm lý lo lắng thái quá, muốn chuẩn bị kỹ càng cho con trước khi đi học nên một số người đã cho con đi học sớm. Và sau đó nhiều người khác cũng lo sợ con mình bị tụt hậu.
Tôi nghĩ trong số này chắc chắn có nhiều người không biết rõ quy định của Bộ GD-ĐT về điều kiện đối với trẻ trước khi vào lớp 1, không biết trong trường tiểu học giáo viên sẽ dạy thế nào… Không biết và lo sợ nên phải đi theo số đông. Nhìn từ phía khác – các cơ sở giáo dục – cũng có xảy ra tình trạng giáo viên chủ quan nghĩ trẻ đã biết chữ, biết số nên dạy không đúng quy định phân phối chương trình.
Hằng năm Bộ GD-ĐT vẫn đi kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở giáo dục và phát hiện tình trạng này. Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan được phân cấp phải xử lý kỷ luật đối với giáo viên vi phạm quy định và yêu cầu ngành giáo dục các địa phương phải có biện pháp sát sao hơn trong việc chỉ đạo các trường tiểu học, giáo viên đảm bảo dạy đúng yêu cầu của chương trình, phân phối chương trình.
Năm tới, chúng tôi sẽ lưu ý hơn việc này và tăng cường kiểm tra. Quy định của Bộ GD-ĐT đã rõ ràng, trách nhiệm trực tiếp trong việc để xảy ra tình trạng trên là của các sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường. Ngành giáo dục các địa phương cần phải có những biện pháp cụ thể nhằm phổ biến, tuyên truyền cho cha mẹ học sinh và hướng dẫn cụ thể cho các trường trong việc kiểm soát chặt chẽ việc dạy học đúng chương trình, đúng đối tượng đối với giáo viên phụ trách lớp 1. Giáo viên sai phạm cần phải xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Việc tổ chức dạy chữ (học vần và tập viết), dạy toán cho trẻ chưa đến tuổi vào lớp 1 là trái luật -Ảnh: NHƯ HÙNG
|
* Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng gia tăng lò luyện lớp 1 bên ngoài nhà trường và những hình thức liên kết giữa giáo viên trường tiểu học và trường mầm non trong việc dạy chữ cho trẻ chưa đến sáu tuổi?
* Ông Nguyễn Hoài Chương (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Học trước chỉ trội vài tháng, sau đó khả năng tiếp thu giảm
Chương trình mẫu giáo dành cho trẻ 5 tuổi đã có đầy đủ các bước chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1. Chương trình lớp 1 của Bộ GD-ĐT cũng đã ghi rõ: phải dạy cho trẻ chưa biết chữ, dạy cách cầm bút, dạy tư thế ngồi viết, các nét chữ… rồi mới đến dạy chữ, dạy vần. Vậy mà phụ huynh vẫn thi nhau cho con đi học trước. Tôi nghĩ là do tâm lý ai cũng sợ con mình thua con người ta, ai cũng muốn con mình giỏi.
Ngành giáo dục TP.HCM đã có một số nghiên cứu khoa học: học sinh học trước khi mới vào lớp 1 có thể trội hơn các bạn khác, nhưng sau đó vài tháng khả năng tiếp thu kiến thức giảm hẳn. Phụ huynh đừng lo lắng việc giáo viên bỏ qua các bài cơ bản, chỉ dạy cho học sinh đã biết chữ rồi. Ngành giáo dục TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra chuyện này và sẽ xử lý nghiêm nếu giáo viên dạy qua loa, cắt xén chương trình.
H.HG. ghi
|
– Bản chất của việc dạy học trước lớp 1 là lợi dụng tâm lý phụ huynh để tổ chức dạy thêm, học thêm ở một số tổ chức, cá nhân. Việc kiểm soát và ngăn chặn những “lò luyện” bên ngoài nhà trường có sự tham gia của giáo viên các trường tiểu học là việc của các sở GD-ĐT và chính quyền địa phương.
Những cơ sở không đủ điều kiện và không phép sẽ phải yêu cầu ngừng hoạt động. Còn việc liên kết và dạy trước lớp 1 trong các nhà trường (trường mầm non, tiểu học) dù dưới bất kỳ hình thức nào đều là sai phạm cần phải xử lý và ngừng hoạt động.
* Hiện nay có một số trường tiểu học có tiếng tuyển đầu vào lớp 1 và một trong những tiêu chí để chọn là học sinh phải biết đọc, biết viết. Theo ông, việc này có được phép không?
– Có thể khẳng định ngay là trường tiểu học công lập không được phép thi tuyển đầu vào. Còn các trường tư thục có tiếng, để tuyển đủ chỉ tiêu trong số đông trẻ dự tuyển họ có thể tổ chức một hình thức để lựa chọn học sinh, nhưng tuyệt đối không được đặt ra tiêu chí biết đọc, biết viết, biết làm toán. Chỉ có thể lựa chọn học sinh trên cơ sở phản xạ về ngôn ngữ, phản ứng nhanh nhẹn của trẻ hoặc có thể chọn học sinh đơn giản hơn theo cách ai nộp đơn trước nhận trước, hoặc nhận học sinh cư trú trên địa bàn gần trường…
* Hiện tại có rất nhiều phụ huynh đã cho con đi học để biết đọc, biết viết chuẩn bị học lớp 1 vào tháng 9-2009. Nhiều phụ huynh khác lo lắng không biết có nên chọn việc học trước hay không. Vậy ông có khuyến cáo gì đối với cha mẹ của các em?
– Cho trẻ học trước là bắt trẻ sớm phải chịu áp lực học tập vượt quá tâm sinh lý lứa tuổi. Theo đó, sẽ dẫn đến hai trường hợp: hoặc trẻ học đuối sẽ mang tâm lý sợ học ngay từ buổi đầu, hoặc những trẻ nhanh nhẹn hơn biết đọc, biết viết sẽ trở nên chủ quan, lơ là học tập khi bước vào học chính thức.
Chưa kể việc cho trẻ đi học tại các lớp học thêm sẽ dễ bị sai phương pháp, lệch lạc khó sửa. Vì thế với những trẻ đã lỡ đi học trước, cha mẹ càng nên quan tâm khi các cháu vào lớp 1, rất có thể những cháu học trước mới là những cháu có vấn đề bất ổn về học lực. Đồng thời các cô giáo dạy lớp 1 phải có phương pháp dạy phù hợp với các đối tượng (học trước và không học trước), nhưng về nguyên tắc không được dạy quá nhanh, bỏ qua những yêu cầu của chương trình, kể cả khi học sinh đều đã được học trước.
TRỊNH VĨNH HÀ (TTO)
Bình luận (0)