Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy học văn bản tiếng Việt

Tạp Chí Giáo Dục

T đin tiếng Vit gii thích: Văn bn là chui ký hiu ngôn ng hay nói chung nhng ký hiu thuc mt h thng nào đó, làm thành mt chnh th mang mt ni dung ý nghĩa trn vn (T đin tiếng Vit do Trung tâm T đin hc và Nhà xut bn Đà Nng n hành năm 2010, trang 1.406). Đnh nghĩa này đã th hin rõ, văn bn không ch là văn bn viết hoc là sn phm in n.


Theo tác gi, vic dy và hc văn bn trong nhà trưng ph thông cn phi đưc quan tâm đy đ (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

Việc dạy và học văn bản trong trường phổ thông, đặc biệt là từ bậc THCS, cần được quan tâm đầy đủ. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với việc học tốt môn ngữ văn mà còn có tác dụng rất quan trọng trong giao tiếp và biểu lộ suy nghĩ, tình cảm cũng như nhiều hoạt động khác bằng tiếng Việt (kể cả nói lẫn viết).

Trên thực tế, hoạt động giao tiếp và truyền bá tri thức thường diễn ra bằng 2 dạng: nói và viết. Văn bản là sản phẩm của việc tổ chức các câu nói và viết để trình bày một vấn đề gì đó tương đối hoàn chỉnh. Thí dụ: Một học sinh trình bày một bản thuyết trình về suy nghĩ của em đối với sự khổ luyện của vận động viên bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên; giáo viên soạn một đề cương bài giảng về tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; học sinh viết một đoạn văn nêu cảm tưởng của em sau chuyến đi bảo tàng… Yếu tố “tương đối hoàn chỉnh” ở đây có nghĩa là văn bản đó thể hiện một ý nghĩa nào đó mà người đọc cơ bản hiểu được ý muốn biểu lộ của người thực hiện văn bản.

Văn bản thường mang tri thức về hiện thực bên ngoài và những điều xảy ra trong nội tâm; những suy nghĩ, ý kiến về những tri thức đó, gọi tắt là nội dung thông tin (chẳng hạn, miêu tả về vẻ đẹp của một thắng cảnh, nhận định về tác phẩm/câu nói, nhận xét về một cá nhân…). Văn bản cũng nêu tình cảm, thái độ, cách đánh giá của người tạo lập văn bản đối với nội dung bên trong, gọi tắt là nội dung biểu cảm (thể hiện thái độ yêu thích hay hờ hững với thắng cảnh, ủng hộ hay phản đối về tác phẩm/câu nói, bộc lộ tình cảm yêu hay ghét đối với cá nhân đó…). Đồng thời, văn bản còn nêu những hành động mà người tạo lập muốn thực hiện hoặc muốn người tiếp nhận (người nghe, đọc…) thực hiện, gọi tắt là nội dung hành động (thúc đẩy người đọc muốn đến tham quan thắng cảnh đó, tác động đến người đọc làm theo hoặc phản đối suy nghĩ, cá nhân nào đó…). Để mang lại hiệu quả cao nhất cho văn bản, văn bản đó phải được thể hiện bằng một hình thức phù hợp, tức là bằng các yếu tố ngôn ngữ, các cách thức sử dụng ngôn ngữ cũng như cách thức bố trí những ý tạo nên nội dung. Thí dụ, một đoạn văn phải được thể hiện bằng các từ đúng chính tả, các câu đúng ngữ pháp, được sắp xếp theo một trật tự nhất định, được viết bằng một lối viết dễ đọc, cỡ chữ phù hợp… Thiếu một trong các yếu tố đó thì văn bản sẽ không đạt hiệu quả biểu đạt như mong muốn. Mỗi văn bản được tạo lập thường mang một mục đích nhất định, tức là qua đó người tạo lập muốn tác động một điều gì đó đến người tiếp nhận. Có 4 mục đích chính của văn bản.

Thứ nhất, tính thuyết phục. Người lập văn bản muốn người tiếp nhận nắm được các tri thức, ý kiến đó rồi tán thành, ủng hộ với quan điểm, nhận định của mình. Thí dụ: Giáo viên nói về tinh thần yêu thương con người sâu sắc của Nguyễn Du qua một số tác phẩm như Truyện Kiều, Sở kiến hành, Văn tế thập loại chúng sinh, Long Thành cầm giả ca… thông qua chứng minh bằng các luận điểm, luận chứng, luận cứ thì muốn học sinh chia sẻ nhận thức này. Thứ hai, tính truyền cảm. Tức là tác động vào tình cảm, người tạo lập văn bản trình bày tình cảm, thái độ, cách đánh giá và mong muốn người tiếp nhận có cùng tình cảm, thái độ, cách đánh giá như mình, từ đó quan hệ thân ái được hình thành. Cũng trong thí dụ trên, giáo viên mong muốn học sinh tiếp thu ý kiến đó, ghi nhớ điều này, từ đó có thái độ chia sẻ, cảm mến Nguyễn Du như bản thân mình. Đương nhiên, có nhiều trường hợp người tạo ra văn bản muốn người đọc thù ghét hoặc có ấn tượng xấu với ai đó, điều gì đó; chẳng hạn qua phân tích về lòng yêu thương con người trong Truyện Kiều, giáo viên cũng có thể nhấn mạnh và tác động đến học sinh lòng căm phẫn trước thái độ tàn bạo của một số thế lực trong xã hội phong kiến, như Tú bà, Bạc bà, Bạc Hạnh, Mã Giám Sinh, bọn Ưng, Khuyển… Thứ ba, tính hành động. Tức là người tạo lập văn bản trình bày hành động mà mình muốn thực hiện hoặc muốn người tiếp nhận thực hiện là mục đích hành động. Khi nói về lòng nhân ái của đại thi hào, giáo viên một cách rất tự nhiên có thể cho biết mình học tập được điều đó ở nhà thơ, đồng thời mong muốn học sinh tiếp thu tinh thần đó và áp dụng trong thực tế. Thứ tư, tính thẩm mỹ. Với một số văn bản (nhất là tác phẩm văn học, nghệ thuật), người tạo lập văn bản (tác giả) có mục đích gợi lên ở người tiếp nhận các cảm xúc thẩm mỹ. Qua việc giới thiệu tinh thần nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du, giáo viên muốn học sinh tiếp thu và hình thành quan điểm thẩm mỹ trong học sinh ở các khía cạnh như yêu thương con người, tôn trọng con người, vì con người… Hoặc từ văn bản là tác phẩm Truyện Kiều, tác giả muốn người đọc thông cảm với số phận người phụ nữ trong chế độ phong kiến mà từ đó yêu thương với người phụ nữ nhiều hơn…

Dĩ nhiên, trong một số văn bản, hiện tượng “ý tại ngôn ngoại” được thể hiện sâu sắc, kín đáo, tế nhị. Với những câu chữ đó, nghĩa hàm ngôn (hoặc nghĩa hàm ẩn) có thể được khéo léo thể hiện ở một góc độ khác. Nếu một người có kiến thức và tư duy về văn bản tốt sẽ nhanh chóng hiểu được ý nghĩa đó. Thí dụ: Anh Ba phải đi lấy thuốc cho vợ, nghĩa hàm ngôn có thể hiểu (dù phát ngôn này có các nghĩa không thể hiện trực tiếp trên câu chữ): (1) Anh Ba đã có vợ. (2) Vợ anh Ba bị ốm hoặc vợ anh Ba làm nghề bán thuốc. (3) Anh Ba không có nhà… Học tốt về văn bản sẽ giúp học sinh đọc văn bản một cách có hiệu quả, từ đó rút tỉa mà xây dựng nên văn bản mang các mục đích rõ ràng và thuyết phục hơn. Chẳng hạn, qua việc tìm hiểu một đoạn văn, với tính chất là một văn bản, học sinh sẽ nắm bắt được cấu trúc của đoạn văn đó thế nào, được diễn đạt theo phương pháp nào, nội dung cốt lõi của đoạn văn đó là gì, tính nghệ thuật được trình bày ra sao, các chi tiết đặc sắc trong đoạn văn đó nằm ở đâu… Từ đây, học sinh có thể vận dụng để học cách trình bày một đoạn văn, sao cho trở thành một văn bản thực sự, chứ không phải chỉ là tập hợp các câu, sao cho không quá ngắn, không quá dài, có số câu vừa phải, cách thức và phương pháp diễn đạt nào là phù hợp… Trong giao tiếp, học sinh cũng sẽ học được cách sử dụng các chi tiết đắt giá, tạo sự thuyết phục và hấp dẫn cho phần trình bày của mình.

Trên thực tế, thời gian qua trong các dạng đề thi học sinh giỏi hoặc tuyển sinh, tốt nghiệp, dạng đề “đọc hiểu” văn bản rất thường được áp dụng. Do đó, việc gợi mở, định hướng cho học sinh có kiến thức và tư duy về việc đọc hiểu văn bản là rất quan trọng. Không chỉ vậy, chính điều này sẽ giúp học sinh khi trưởng thành có thể tiếp cận văn bản trong làm việc, công tác, nghiên cứu được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.

Nguyn Minh Hi

 

Bình luận (0)