Dù muốn hay không con người cũng phải tiếp xúc với khái niệm tiền từ bé. Tiền “lì xì”, tiền bỏ ống, tiền thưởng. Rồi tiền đóng góp ở trường, ở đội, tiền quà bánh, mua sắm sách vở. Các em còn thấy người lớn chi tiêu tiền chợ, điện, nước, học phí, thuốc men. Chưa nói đến tiền lương, tiền tiết kiệm, tiền trợ cấp, tiền cứu trợ, tiền chơi xổ số, buôn bán, vay mượn… Trên ti-vi, suốt ngày khái niệm tiền đập vào mắt, dội vào tai: giá các loại hàng, giá dầu, giá vàng; trên báo chí đọc đâu cũng thấy giá tiền hàng hóa, dịch vụ. Rõ ràng khái niệm tiền là một cái trục, bao quanh nó là các hoạt động kinh tế, xã hội. Chưa kể các khái niệm công cụ tài chính như sec, thẻ ATM, thư chuyển tiền, tài khoản… rất phổ biến trong hoạt động kinh tế.
Các nhà sư phạm đặt vấn đề: khái niệm tiền chi phối hoạt động xã hội như vậy, tại sao nhà trường không dạy cho học sinh “kiến thức về tiền” một cách chính thức, công khai, giúp các em có cái nhìn đúng đắn về tiền, biết giữ tiền, sử dụng tiền? Trên thực tế, các em rất thiếu kiến thức về tiền. Một cuộc điều tra xã hội học cho biết 8 phần 10 trẻ em từ 10 đến 15 tuổi, thậm chí đến 20 tuổi, vẫn phải nhờ cha mẹ tư vấn về tài chính. Mà không phải bậc cha mẹ nào cũng rành rẽ hơn các con mình.
Để khắc phục tình trạng bất cập đó, từ năm 2007, Viện Giáo dục Tài chính công cộng (IEFP) đã mở một trang web (www. lafinancepourtous. com), có tính “học thoải mái, tự giác” phục vụ rộng rãi nhiều đối tượng: tất cả mọi người có trình độ tiểu học, thầy giáo, bà nội trợ, thậm chí chỉ cần biết đọc, biết viết, biết làm tính cộng, trừ, nhân chia. Mục tiêu là cung cấp kiến thức cơ bản về tài chính, cụ thể là biết giá trị tiền, giữ tiền, tiêu tiền, kể cả rút tiền, viết séc, đổi tiền, gửi tiền, sao cho an toàn nhanh chóng, chính xác, không bị nhầm lẫn, lừa đảo, mất mát.
IEFP liên kết với một nhóm thầy giáo trung học lập ra một chương trình “tài chính sơ cấp” dựa trên kiến thức toán sơ cấp: phép tính nhẩm, phép tính trên số thập phân, phân số, tỷ lệ phần trăm. Chỉ chừng đó thôi cũng đã giải quyết được một số nhu cầu tài chính như mua sắm, thối tiền, đổi tiền, tính tiền một hàng hóa khi hạ giá hoặc lên giá; ngoài ra biết viết séc, rút tiền từ thẻ từ, biết hàng hóa tăng, giảm mấy phần trăm, gửi tiết kiệm, rút tiết kiệm… Bài tập phong phú, bám sát thực tế được ra dưới nhiều dạng, có thể in ra để tham khảo, theo tinh thần “mưa lâu thấm dần”, không thời hạn, không kiểm tra. Tinh thần nhất quán của chương trình là nội dung kiến thức phải thiết thực, dễ nhớ, dễ làm, hấp dẫn, vui. Tự học xong, người học có thể tự tin trong các dịch vụ tài chính như rút riền, chuyển tiền, vào siêu thị nhà hàng mua hàng, đổi tiền, mua hàng trên internet… Một mục tiêu quan trọng nữa mà chương trình nhắm tới là giáo dục mọi người, nhất là các em nhỏ, biết quý tiền, biết chi tiêu hợp lý, biết tiết kiệm, không đua đòi. Chương trình không dừng lại ở đó, mà càng trở nên phong phú với những câu hỏi về lịch sử đồng tiền (trong lịch sử, tiền xuất hiện như thế nào, ở đâu, bằng gì, tên các loại tiền qua các thời kỳ lịch sử?…). Các học sinh lớn có thể chơi những trò chơi về tiền trong ô chữ, giải bài toán về tiền, tìm phương án tối ưu để tiết kiệm được nhiều tiền nhất. Trang web cung cấp “tự điển các từ về tài chính” để người học tra cứu, “tự điển song ngữ bỏ túi” để chuyển dịch qua lại các từ tài chính giữa các thứ tiếng (Pháp-Anh, Pháp-Đức…), hướng dẫn người đọc địa chỉ cần liên hệ để thực hiện những dịch vụ tài chính, những cuốn sách, tủ sách có vấn đề cần tham khảo về tài chính. Tất nhiên toàn là những kiến thức phổ thông của một người sống trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa.
Học sinh lớp 5 và 4 (lớp 7, 8 VN) với kiến thức toán có thể tiếp cận chương trình “1 Euro/ngày để mượn và vay mua vi tính” . Học sinh lớp 3 (lớp 9 VN) với kiến thức thống kê và xác suất có thể tập mua bảo hiểm các loại (sức khỏe, tai nạn…) và các trò chơi xổ số, cá cược hợp pháp, công khai, được nhà nước bảo trợ.
Với thầy giáo, chương trình cũng đem lại nhiều ích lợi. Một danh mục sách đồ sộ có liên quan đến những kiến thức về tài chính từ sơ cấp đến cao cấp được kê ra, kèm theo những địa điểm có cho mượn, bán các sách đó. Rồi video, băng hình, tạp chí…có liên quan đến kiến thức tài chính…
Theo thống kê, hiện nay mỗi ngày có đến 1.000 người truy cập trang web về tài chính do IEFP xây dựng… IEFP còn dự định tổ chức “Những ngày kinh tế” từ 20 đến 28-11-2008 ở Lyon để kỷ niệm một năm thành lập chương trình và hội thảo nhằm mở rộng phạm vi của chương trình theo hướng thiết thực hơn, quần chúng hơn, phong phú hơn.
PHAN THANH QUANG
(Trong Thế giới Giáo dục số 4/2008)
Bình luận (0)