Có rất nhiều chương trình, hoạt động kỹ năng dành cho tân sinh viên trước thềm năm học mới.
SV Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2, TP.HCM) học nhóm tại công viên – Ảnh: Lê Thanh
Nhiều sự lựa chọn
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng Hỗ trợ đời sống thuộc Trung tâm hỗ trợ học sinh, SV TP.HCM, cho biết đang triển khai nhiều chương trình dạy kỹ năng như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống tự lập, kỹ năng xác lập mục tiêu và tạo động lực học tập, kỹ năng thiết lập các mối quan hệ, kỹ năng tự học, kỹ năng hội nhập – thích nghi và sớm hòa nhập với cuộc sống ở môi trường ĐH.
Trong khi đó, Nhà văn hóa SV TP.HCM cũng triển khai 2 chương trình: “Hành trang cuộc sống dành cho tân SV” và “Đồng hành cùng SV đến giảng đường”. Chương trình sẽ có những buổi tập huấn cho SV thích nghi từ môi trường học phổ thông sang môi trường học ĐH để không bị bỡ ngỡ. Không những thế, tại đây còn có những lớp đào tạo kỹ năng như: làm việc nhóm – quản lý nhóm, nói chuyện trước đám đông, học Anh văn hiệu quả, kỹ năng thích ứng với cuộc sống cá nhân, học tập hiệu quả trong môi trường ĐH…
Bà Lê Phương Anh, Trưởng phòng Nghiệp vụ đào tạo Nhà văn hóa SV TP.HCM, cho biết: “Chẳng hạn, khi bàn về kỹ năng thích ứng với cuộc sống cá nhân thì chúng tôi sẽ cho SV đi tham quan các địa điểm như nhà sách, công viên, cách làm quen với các tuyến xe buýt để các bạn có thể dễ dàng trong việc đi lại hằng ngày. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các chuyến sinh hoạt dã ngoại để SV biết cách làm việc nhóm sao cho thật hiệu quả”.
Ngoài ra, nơi đây cũng có những lớp kỹ năng dành riêng cho các bạn SV đang học năm 2, năm 3 như: trình bày và viết email để thuyết phục người khác, tìm kiếm thông tin hay trên mạng, viết hồ sơ thực tập, trả lời phỏng vấn trước nhà tuyển dụng nhằm giúp SV biết cách tiếp cận, kết nối với doanh nghiệp sau khi ra trường.
Nếu các bạn muốn giải trí thì tại Nhà văn hóa SV cũng có nhiều lớp năng khiếu như: nhảy hiện đại, võ tự vệ, khiêu vũ, đàn, thanh nhạc, thể dục thẩm mỹ… với mức học phí chỉ mang tính tượng trưng. “Nói chung ở đây có rất nhiều sân chơi và cuộc thi phù hợp cho tất cả SV để các bạn có thể tham gia tùy khả năng, sở thích, sở trường của mình”, bà Phương Anh cho biết thêm.
Hòa nhập nhanh vào cuộc sống mới
Từ môi trường học phổ thông chuyển sang môi trường ĐH lúc đầu sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách xoay xở thì sẽ sớm hòa nhập với môi trường mới.
Nguyễn Văn Minh, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kể: “Lần đầu tiên sống xa nhà, phải tự lập nên lúc đó mình bị sốc và hụt hẫng dữ lắm. Mới lên thành phố học được mấy ngày đã muốn về quê vì nhớ ba mẹ, nhưng cứ như thế thì không thể nào học hành được gì cả. Sau khi nghe lời khuyên của các anh chị SV đi trước, mình bắt đầu tham gia các câu lạc bộ ở trường, các lớp kỹ năng và được tiếp xúc, giao lưu với nhiều bạn bè nên đã nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới”.
Không chỉ thay đổi về cuộc sống, cách học ĐH cũng hoàn toàn khác so với bậc phổ thông, cho nên SV cần phải có những phương pháp học phù hợp. Nguyễn Minh Vũ, SV Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2), lưu ý có 3 nguyên nhân khiến SV giảm hoặc mất động lực trong học tập ở môi trường ĐH, đó là: không tự tin vào bản thân, không tập trung, không biết hướng đi.
Để khắc phục điều này, Vũ cho rằng hãy viết tất cả những khả năng, thành tích đã đạt được ra một tờ giấy và dán nó trên bức tường trước mặt nơi bạn học. Ghi tất cả tin nhắn khen ngợi, động viên của người khác dành cho bạn vào một cuốn sổ. Việc nhắc lại thành tích hay nghe lại những lời khen tặng giúp bạn có thêm động lực vì biết mình đã làm và có thể làm được những gì chứ không phải để bạn tự mãn về thành tích đó. Đừng bao giờ rơi vào tình trạng không biết phải làm gì, vì đây sẽ là nguyên nhân khiến bạn nhụt chí, chán nản, mệt mỏi và muốn bỏ dở việc học.
Lê Thanh
(TNO)
Bình luận (0)