Năm học 2011 – 2012 là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai đại trà môn kỹ năng sống trong trường học. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc dạy và học kỹ năng sống ở các trường học vẫn chưa có một chuẩn thống nhất.
Tự do áp dụng
Cách phổ biến nhất được các trường áp dụng hiện nay là lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào các môn học của chương trình.
Ảnh: Thúy Hằng |
Tùy từng trường mà cách lồng ghép khác nhau, có trường lồng ghép vào môn mỹ thuật, hát nhạc, có trường lại chọn môn Văn học, lịch sử… nhằm giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Thay cho tiết sinh hoạt thứ 7 hàng tuần, Trường THPT Dân lập Đông Đô (Võng Thị, Tây Hồ, HN) cho học sinh học bộ môn kỹ năng sống. Đây là năm đầu tiên trường đưa bộ môn này vào giảng dạy cho học sinh các lớp cấp 3 theo qui định của Bộ GDĐT. Trường chú trọng rèn luyện học sinh các kiến thức kỹ năng cơ bản như chấp hành qui định của trường, lớp, bảo vệ môi trường xung quanh, chấp hành luật an toàn giao thông, trở thành con ngoan, trò giỏi…
Từ năm học 2010- 2011, học sinh Trường THCS Nguyễn Tất Thành được làm quen với môi trường sinh hoạt tập thể tại Trung tâm đào tạo Phương pháp tổ chức vui chơi cho thanh thiếu niên (Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội). Tại đây, các em được học cách xây dựng nếp sống lành mạnh thông qua các trò chơi tập thể, văn hóa nghệ thuật và giáo dục.
Tuy nhiên, không phải học sinh trường nào cũng được tiếp cận với môn học này.
Học sinh khối chuyên THPT thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội khá xa lạ với bộ môn này. Một học sinh khối 11 cho biết, mỗi năm một lớp có 2 học sinh, thường là lớp trưởng, bí thư chi đoàn được sang trường Đại học FPT học về các kỹ năng như thuyết trình, lãnh đạo, lập dự án. Từ các kỹ năng này, những lãnh đạo lớp sẽ ứng dụng vào trong việc điều hành lớp.
Khó khăn vì không thống nhất
Theo cô Vũ Thu Hương, giáo viên trường tiểu học Nhân Chính, việc chủ động lồng ghép kỹ năng sống vào bài giảng của giáo viên gặp nhiều khó khăn. Vì không có quy chuẩn nào cho việc lồng ghép, nhất là lồng ghép với từng bộ môn như toán, mỹ thuật, văn học… giáo viên khá lúng túng.
Chính vì thế, khó có thể đánh giá được môn kỹ năng sống này tại các trường có thật sự hiệu quả hay không.
Theo đánh giá của các học sinh trường tiểu học Dịch Vọng A, THCS Nguyễn Tất Thành, THPT Đông Đô, các em mong muốn kỹ năng sống sẽ là những tiết học nhẹ nhàng, giảm áp lực. Tuy nhiên, vì chưa có chuẩn áp dụng nên ở nhiều trường, việc dạy kỹ năng sống còn hời hợt, nhiều khi chiếu lệ hay nặng nề không khác gì tiết kiểm điểm học sinh khiến nhiều em “ngán”, muốn “né” không muốn học kỹ năng.
Theo Nguyễn Thị Thúy Hằng
(laodong)
Bình luận (0)