Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy kỹ năng trong trường học thiếu sức hút

Tạp Chí Giáo Dục

Từ khi có quyết định cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, nhiều trường tại TP.HCM chuyển hướng mở các câu lạc bộ dạy kỹ năng sống ngoài giờ cho học sinh. Nhưng thay vì gửi con đến các lớp học này, phụ huynh lại chuyển con vào lớp học văn hóa.

Học văn hóa kèm kỹ năng

Mặc dù mức học phí khi tham gia các câu lạc bộ (CLB) kỹ năng chỉ dao động trên dưới 100.000 đồng/tháng nhưng phụ huynh cũng không gửi con. Nhiều CLB hoạt động cầm chừng được một thời gian ngắn rồi ngưng vì lượng học sinh tham gia chỉ lác đác trên đầu ngón tay.
Một hiệu trưởng tại Q.1 cho biết: “Nhiều phụ huynh thiết tha yêu cầu nhà trường tổ chức học thêm sau giờ học vì không đón con kịp. Lúc này, trường trả lời không thể mở lớp dạy thêm vì như thế là trái với quy định và tư vấn để phụ huynh tham gia các CLB kỹ năng tại trường nhưng không mấy phụ huynh lựa chọn. Nhiều phụ huynh thà thuê người tới đón con rồi đưa con đi học văn hóa ở một số trung tâm, nhà giáo viên chứ không chịu cho con học kỹ năng ở trường vì cho rằng thời gian học kỹ năng tại trường là lãng phí. Cần đầu tư nhiều hơn để củng cố nền tảng về văn hóa của con em họ”.
Một giờ học ngoại khóa của học sinh tiểu học  	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một giờ học ngoại khóa của học sinh tiểu học Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Có giáo viên kể: “Tâm lý phụ huynh thường thích cho con học văn hóa hơn học kỹ năng nên một số trường đã kết hợp giữa dạy văn hóa và dạy kỹ năng trong cùng một buổi học. Tức là thời gian học thêm sau giờ học chính khóa khoảng hơn 1 tiếng thì sẽ dành ra 15 – 20 phút đầu để dạy kỹ năng như: hát nhạc, vẽ…, sau thời gian này là tới nhiệm vụ của giáo viên dạy các môn văn hóa như: toán, tiếng Việt, Anh văn… Hình thức này được cho là tiện cả đôi đường vì vừa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh là có dính tới học văn hóa vẫn hơn; Mặt khác, giáo viên dạy văn hóa và dạy kỹ năng đều có việc làm thêm sau giờ chính khóa. Đặc biệt, trong trường hợp bị thanh tra, kiểm tra đột xuất thì trong giấy tờ sẽ chỉ đăng ký là dạy kỹ năng”.
“Thực chất chỉ là giữ trẻ ngoài giờ”
Chị Nguyễn Thị Lan, phụ huynh tại Q.1, cho biết: “Tôi nghĩ việc cho con học kỹ năng ở bậc tiểu học là chưa cần thiết vì ở tuổi này cháu cũng chưa đủ lớn để thẩm thấu. Những hoạt động như học vẽ, hát… thì chỉ cần thời gian học trên lớp là vừa đủ vì ở độ tuổi của các cháu chỉ cần học để biết nên không nhất thiết phải học ngoài giờ”. Chị Lan nói thêm: “Nếu trường tổ chức dạy thêm toán, tiếng Việt tôi sẵn sàng cho con đi học ngay, nhưng vì trường chỉ tổ chức dạy kỹ năng nên tôi đành phải đón con sớm và đưa đi học tại các trung tâm. Thời gian đón sớm cũng khá bất tiện nhưng tôi nghĩ bậc tiểu học, các cháu rất cần bồi dưỡng thêm về văn hóa để có một kiến thức nền tốt nên vẫn sẽ duy trì”.
Có định hướng ngay từ nhỏ sẽ cho con học ngành y nên thay vì chọn học kỹ năng tại trường sau các giờ học, chị Bùi Thị Thùy Linh, có con học ở Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.1), cũng chăm chỉ đưa đón con học thêm tại các trung tâm. Chị Linh cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống làm nghề y và không có định hướng cho con theo đuổi các môn nghệ thuật nên dù trường tư vấn cho con học nhảy, học vẽ sau giờ chính khóa nhưng tôi không cho con tham gia”. Chị Linh cho biết thêm: “Con tôi học toán hơi yếu nên ngoài thời gian học ở lớp tôi cho con đi học thêm môn toán ở trung tâm”.
Ngoài những phụ huynh ưu tiên việc học thêm các môn văn hóa thì rất nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con học kỹ năng nhưng không thực sự tin tưởng vào chất lượng của các CLB tổ chức tại trường.
Một phụ huynh nhận xét: “Mặc dù cho con tham gia CLB võ thuật sau giờ học tại trường đã gần 5 tháng nhưng con trai tôi vẫn chỉ biết vài động tác múa may chứ không có biểu hiện gì của một đứa trẻ được học võ. Khi tôi hỏi thăm tại trường thì giáo viên trả lời cháu học tốt và vẫn lên đai”. Chị Hà cho biết thêm: “Lúc đầu đăng ký cho con học võ tôi nghĩ là trường sẽ thuê huấn luyện viên, ai ngờ trường lại cho giáo viên dạy thể dục kiêm dạy võ ngoài giờ. Theo tôi chỉ là mập mờ từ ngữ chứ học như vậy thì có khác gì là giữ trẻ chẳng có chút gì giống học kỹ năng”.
Chị Huỳnh Thị Thu Thủy (có con đang học lớp 3 tại Q.7) cho biết: “Theo tôi việc dạy kỹ năng tại trường chỉ là nói cho hay như vậy chứ thực chất chỉ là hoạt động trông giữ trẻ ngoài giờ. Nhiều hôm cho con ở trường học vẽ xong về nói con vẽ thử quả táo rất đơn giản nhưng cháu cũng không thể vẽ được. Khi tôi quyết định cho cháu nghỉ học ở trường và gửi con học kỹ năng ở nhà văn hóa thì rất khác. Chỉ sau khoảng 2 tháng học vẽ, cháu đã có thể vẽ được một số trái cây đơn giản. Mặc dù chưa được cân đối và hoàn hảo nhưng kỹ năng vẽ đã tốt hơn trước rất nhiều”.
Nhiều phụ huynh thẳng thắn nhận xét các CLB này chỉ giống như những lớp giữ trẻ ngoài giờ chứ không bổ sung kỹ năng thực sự cho con em họ. Nếu muốn thu hút được phụ huynh tham gia vào các khóa học kỹ năng thì trường nên đầu tư về chất lượng nhiều hơn chứ không nên chỉ tổ chức cho có.

Đức Anh (TNO)

 

Bình luận (0)