Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy kỹ năng từ… bữa ăn của trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Để giờ ăn không còn là sự “hành hạ” cho cả cô và bé, hiện nay các trường mầm non bắt đầu tổ chức đổi mới bữa ăn cho trẻ. Thay vì đợi cô giáo phục vụ từ A đến Z, bé sẽ tự phục vụ, lựa chọn thức ăn theo sở thích và cùng cô chuẩn bị bữa ăn.


 

Các bé lựa chọn thức ăn và tự phục vụ cho mình. Ảnh: NGUYỄN THỦY

Bữa ăn không tiếng khóc
Đến Trường Mầm non Họa Mi 2, quận 5 vào giờ ăn, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy các bé lớp lá và lớp mầm tự chuẩn bị bữa ăn. Nhận nhiệm vụ trực nhật lớp, cô bé Minh Hân lớp lá 1 nhanh nhảu chạy ra phụ cô giáo dọn cơm, bày biện muỗng, nĩa ra bàn. Các em nhỏ khác tự trang trí hoa để lên bàn ăn, viết thực đơn dán trước cửa lớp. Khi được cô giáo giới thiệu thực đơn hôm nay gồm: trứng chiên, canh cải, thịt nấu cà ri, nho, táo và chuối, cả lớp reo hò sung sướng. Không khí tại dãy nhà ăn trước cửa lớp của trường rộn rã tiếng cười vui của cô và bé.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Phượng, giáo viên lớp lá 2, cho biết: “Các bé rất hứng khởi với cách ăn mới này. Thậm chí nhiều bé còn rất hăng hái giúp đỡ các cô chuẩn bị bữa ăn. Nhìn các bé ăn một cách tự nhiên, không khóc lóc, đòi cô đút ăn hoặc bị ép ăn, chúng tôi thấy rất vui”. Bé Minh Hân khoe: “Con có thể tự gắp thức ăn và tự bưng khay thức ăn của mình. Cùng ngồi ăn và trò chuyện với các bạn trong lớp, con ăn được rất nhiều cơm và được cô giáo khen giỏi”.

 

 

Nhiều phụ huynh được mời lên xem giờ ăn trưa của con mình tại trường rất ngạc nhiên trước khả năng tự phục vụ của bé. Chị Trương Thị Ngọc Tâm, phụ huynh lớp lá 4, tâm sự: “Tôi không ngờ bé nhà mình lại ngoan như vậy, có thể tự lấy thức ăn và ăn một mạch hết tô cơm một cách vui vẻ mà không cần cô giáo nhắc nhở hay khóc lóc như trước nữa”.

Dạy kỹ năng sống

 

 

 

Bà Tăng Lang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi 2, chia sẻ: “Qua bữa ăn như vậy, bé học được kỹ năng tự phục vụ, cách dùng dụng cụ ăn. Ngoài ra, bé còn học được rất nhiều kỹ năng sống khác: kỹ năng chia sẻ với bạn bè, giúp đỡ cô giáo. Hiện nay chúng tôi đang thí điểm đổi mới bữa ăn cho trẻ lớp lá trước, sắp tới bữa ăn cho các bé lớp mầm cũng sẽ được thay đổi theo hướng này”.

 

 

Cô Nguyễn Thị Phương Nam, giáo viên lớp lá 4, cho biết: “Có thể với cách làm này, nhiều phụ huynh sẽ thấy xót vì thấy con mình tự làm việc, thay vì được cô giáo giúp làm hết. Nhưng dần dần, tôi tin rằng nhà trường sẽ thuyết phục được phụ huynh hiểu đó là cách dạy trẻ kỹ năng sống”.

 

 

Chị Trần Thị Lũy, phụ huynh một học sinh lớp lá 1, kể: Từ khi nhà trường đổi mới bữa ăn cho trẻ, tôi thấy bé nhà tôi thay đổi rất nhiều. Bình thường, ở nhà bé vẫn được mẹ đút cho ăn, thế nhưng dạo này bé đòi tự ăn, thậm chí đòi phụ mẹ dọn bàn ăn nữa. Còn chị Trịnh Thị Mỹ Hiệp vô cùng ngạc nhiên khi con mình đòi được cùng ngồi ăn với cả nhà, chứ không muốn được mẹ đút ăn riêng như trước nữa. Khi nghe cả nhà chuẩn bị ăn cơm, bé My con chị nhanh nhảu chạy đi rửa tay mà không cần phải đợi mẹ nhắc nhở. Một lần, cả nhà đi ăn buffet, anh Trần Văn Minh, phụ huynh một học sinh lớp lá 3 vô cùng ngạc nhiên trước câu hỏi của con: “Ba ơi, sao mấy người đó không xếp hàng hả ba? Hôm trước ở trường, cô giáo dạy các con phải xếp hàng khi lấy thức ăn mà?”…

 

Những năm gần đây, các trường mầm non tại TPHCM đã bắt đầu đẩy mạnh dạy kỹ năng sống cho trẻ từ 3 tuổi. Vì vậy, việc đổi mới bữa ăn cho trẻ cũng là cách để dạy lồng ghép các kỹ năng tự phục vụ bản thân, giao tiếp với bạn bè, thầy cô và học cả cách chia sẻ công việc với người lớn. Ngoài ra, để bé tự lựa chọn thức ăn theo nhu cầu, tự phục vụ cũng là cách để giảm áp lực giáo viên và nạn bạo hành, dọa nạt ép trẻ ăn.
 

Nguyễn Thủ / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)