Về các tác phẩm thể ký, chương trình 2018 quy định: Lớp 6 đọc hiểu hồi ký hoặc du ký; lớp 7 tùy bút và tản văn; lớp 11 truyện ký, tùy bút hoặc tản văn; lớp 12 phóng sự, nhật ký hoặc hồi ký.
Theo tác giả, khi dạy về ký, giáo viên cần chú ý hướng dẫn học sinh khai thác những đặc điểm chung và riêng của mỗi văn bản ký, không chỉ nội dung mà còn cả hình thức thể hiện (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Về lý thuyết có thể phân biệt được các tiểu loại của thể ký; tuy nhiên, trong thực tế trước một văn bản ký đôi khi rất khó phân biệt, do một số tiểu loại ký khá gần nhau. Vì thế, khi dạy giáo viên cần lưu ý một số điểm giống và khác biệt.
1. Giống nhau. Tất cả các tiểu loại ký đều thuộc loại văn bản phi hư cấu (non fiction); con người, sự việc, cảnh vật… đều dựa trên sự thực, có thật. Vì thế, khi dạy cần cho học sinh nhận biết các dấu hiệu nào trong văn bản cho thấy tính phi hư cấu (thời gian, địa điểm, người tham gia, chứng kiến, sự việc… có thể kiểm chứng được bằng nhiều nguồn khác nhau). Các tác phẩm ký đều liên quan đến cái “tôi” của người viết. Trong văn bản ký, người viết xưng tôi thường tham gia hoặc trực tiếp chứng kiến; trực tiếp thể hiện suy nghĩ, tình cảm… Vì thế, khi dạy cần cho học sinh nhận biết và nhận xét, đánh giá được cái tôi của người viết (tư tưởng, tình cảm, thái độ, tài năng…) và cách thể hiện cái tôi ấy (gián tiếp, trực tiếp)… Nội dung tác phẩm ký thường gắn với chuyện riêng của mỗi người viết, nhưng lại liên quan đến cái chung của nhiều người, của cộng đồng… Vì thế, khi dạy ký cần cho học sinh nhận biết và đánh giá được ý nghĩa của nội dung mà bài ký nêu lên: Đối với tác giả, với cộng đồng và với cá nhân mỗi học sinh (người đọc). Phương thức biểu đạt của tác phẩm ký thường kết hợp hai hay nhiều loại: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh. Học sinh đọc hiểu tác phẩm ký phải nhận biết được phương thức biểu đạt chính và sự kết hợp các phương thức; chỉ ra được tác dụng của sự kết hợp ấy. Ngôn ngữ trong các tác phẩm ký gắn với các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đó (kể, tả, thuyết minh, nghị luận…) nhưng nhìn chung giàu màu sắc biểu cảm, trữ tình (còn gọi là giàu chất thơ). Chất trữ tình do thể hiện trực tiếp những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết trước con người và sự việc được nói tới. Vì thế, cái “tôi” hiện lên rất rõ nét như nhẹ nhàng, lặng lẽ hay sôi nổi; tinh tế, lịch lãm hay quyết liệt; sung sướng hay buồn rầu, căm giận… Do chú trọng tái hiện nội tâm, cảm xúc, miêu tả thiên nhiên thơ mộng, sử dụng nhiều biện pháp tu từ, từ ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu… nên ngôn ngữ của ký giàu chất thơ. Giáo viên cần tổ chức cho học sinh trao đổi, nhận biết được đặc điểm ngôn ngữ của văn bản ký và phân tích tác dụng của ngôn ngữ đó. Bố cục, kết cấu các phần đoạn trong tác phẩm ký nhiều khi tản mạn, vì thể hiện theo mạch nghĩ, mạch cảm xúc “miên man” của người viết… nhưng vẫn có chung một sợi dây kết nối các phần, đoạn ấy, đôi khi đó là một mạch ngầm xuyên suốt văn bản. Dạy đọc văn bản ký cần cho học sinh trao đổi, tìm kiếm, phát hiện ra mạch liên kết ấy…
2. Khác nhau. Mỗi tiểu loại ký có đặc điểm riêng; ví dụ lớp 6 là hồi ký và du ký. Cả hai loại đều kể lại chuyện đã xảy ra mà người viết đã chứng kiến…, nhưng hồi ký kể lại những câu chuyện, sự việc đã diễn ra từ rất lâu, thường là nhớ lại một thời từ tuổi trẻ cho đến khi đã về già… Chẳng hạn, hồi ký “Những ngày thơ ấu” (ngữ văn 6) của Nguyên Hồng kể lại thời ấu thơ của chính mình (nhân vật cậu bé Hồng). Trong khi du ký kể lại những chuyện vừa xảy ra, mới gần đây. Mà thường là ghi chép lại những điều tai nghe mắt thấy, về con người, cảnh vật… của một vùng đất mà mình vừa được du ngoạn, thưởng thức. Văn bản “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” của Văn Công Hùng (ngữ văn 6) là ví dụ. Tương tự như vậy là tùy bút và tản văn ở ngữ văn 7. Tùy bút là thể văn xuôi trữ tình ghi chép lại một cách tự do những suy nghĩ, cảm xúc mang đậm màu sắc cá nhân của tác giả về con người và sự việc. Tản văn, một dạng bài gần với tùy bút, là thể văn xuôi sử dụng cả tự sự, trữ tình, nghị luận…, nêu lên các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội và bộc lộ một cách chân thực, trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm cá tính của tác giả. Tùy bút thường nhân một sự việc, hiện tượng, người viết phát biểu những suy nghĩ, nói lên tư tưởng, thổ lộ tình cảm, đôi khi tản mạn hết điều này đến điều khác miên man. “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới (ngữ văn 7) là một ví dụ. Nhân hình ảnh cây tre mà tác giả trình bày suy nghĩ của mình về nhiều phẩm chất của cây tre và cũng là phẩm chất của con người Việt Nam. Cái mạch ngầm liên kết những suy nghĩ và tình cảm trong bài là tình cảm da diết yêu thương, tự hào, trân trọng về đất nước con người Việt Nam. Tình cảm ấy được thể hiện bằng một ngôn ngữ bay bổng, đậm chất thơ. Tản văn trong ngữ văn 7 là văn bản “Người ngồi đợi trước hiên nhà” của Huỳnh Như Phương. Nếu tùy bút chỉ nhân một sự vật, con người… mà phát biểu suy nghĩ của người viết là chính, thì nội dung tản văn có câu chuyện để kể (Câu chuyện về dì Bảy)… Tác giả vừa kể vừa lồng những suy nghĩ, tình cảm của mình vào câu chuyện ấy. Vấn đề bài tản văn này nêu lên không chỉ là câu chuyện gia đình mà còn có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc… Lớp 11 lặp lại yêu cầu đọc hiểu tùy bút và tản văn, chỉ thêm một thể loại mới là truyện ký. Truyện ký là thể loại giao thoa giữa truyện và ký, trong đó, nhà văn dựa vào những con người và sự việc có thật, lựa chọn, sắp xếp và tổ chức thành câu chuyện hấp dẫn. Truyện ký phát triển mạnh trong các cuộc kháng chiến do yêu cầu cổ vũ động viên, ca ngợi người thật, việc thật… Những tác phẩm như “Sống như anh” (Trần Đình Vân viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi), “Người mẹ cầm súng” (Nguyễn Thi viết về cuộc đời chị Út Tịch)… là những truyện ký tiêu biểu của thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Truyện ký chú trọng tính xác thực về con người và sự kiện, đồng thời sử dụng hư cấu với các chi tiết, tâm lý nhân vật, sự việc… do nhà văn tưởng tượng ra khiến câu chuyện hiện lên vừa chân thực, khách quan vừa sinh động theo cách nhìn độc đáo của tác giả. Ví dụ ở tác phẩm “Vào chùa gặp lại”, Minh Chuyên đã dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời của nữ quân y Lương Thị Thân, sau này là nhà sư Đàm Thân ở một ngôi chùa Thái Bình để dựng lại một truyện ký có sự kết hợp giữa hư cấu và phi hư cấu.
Như thế, khi dạy, giáo viên cần chú ý hướng dẫn học sinh khai thác những đặc điểm chung và riêng của mỗi văn bản ký; không chỉ nội dung mà còn cả hình thức thể hiện.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)