“Tiên học lễ, hậu học văn” là điều căn bản trong giáo dục trẻ của gia đình cũng như nhà trường. Tuy nhiên, giảng dạy lễ giáo, nhân nghĩa như thế nào để có hiệu quả nhất đang là câu hỏi mà không ít bậc phụ huynh đau đầu suy nghĩ.
Cha mẹ cần mềm mỏng khi dạy bài học lễ phép cho con (ảnh minh họa). Ảnh: I.T |
Uốn nắn con từng li từng tí
Chị Hảo (Q.4, TP.HCM) thổ lộ với vẻ bất bình: “Gia đình tôi thấy rất băn khoăn và buồn phiền vì con gái lên 8 tuổi ngày càng ứng xử thiếu lễ độ. Cháu thích gì nói đó, không suy nghĩ trước sau. Nói chuyện với người lớn nhưng cháu chẳng chịu thưa gửi, phép tắc gì cả. Cháu hay nói trống không với người lớn tuổi. Khi người lớn đang nói chuyện cháu thường chen ngang vào. Không ít lần gia đình có khách đang bàn chuyện công việc của người lớn, cháu thường ngồi “chầu rìa” và vô tư góp ý xen ngang câu chuyện. Chúng tôi đã nhắc nhở, uốn nắn con rất nhiều mà cháu vẫn chứng nào tật ấy. Lắm lúc cháu còn buông ra những lời rất khó nghe xúc phạm cha mẹ khiến chúng tôi cảm thấy bất lực vì chưa tìm được cách giáo dục con sao cho phù hợp”.
Trẻ ứng xử lễ phép là một thói quen không phải một sớm một chiều mà có ngay được. Cha mẹ và trẻ cần phải kiên trì lặp đi lặp lại một hành động đẹp theo nguyên tắc “người nói phải có người nghe”. Cha mẹ cần thường xuyên trực tiếp chỉ bảo, giúp đỡ trẻ hiểu cách ứng xử nào là phù hợp, cách nào không nên nói với người lớn tuổi hơn mình.
Trước tiên, các bậc phụ huynh cần phải nhận ra và khắc sâu rằng trẻ con không phải là người lớn và càng không phải là người lớn thu nhỏ để hiểu được ý nghĩa thiết thực của lễ giáo, phép tắc cư xử đúng mực và thế nào là hành vi phù hợp với yêu cầu của xã hội. Với trẻ em, không ít em vẫn xem việc được giúp đỡ là hiển nhiên và không biết chào hỏi thực sự có ý nghĩa như thế nào. Thậm chí có bé còn thấy phiền phức, câu nệ nên không phải bận tâm và chúng không muốn nói lời thưa gửi, chào hỏi hay cảm ơn. Vì thế, cha mẹ đừng vội la mắng trẻ mà cần phải nhẹ nhàng dạy dỗ, uốn nắn dần dần. Khi được trên 4 tuổi, trẻ đã hiểu biết hơn nhiều và thích bắt chước. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để dạy những điều về phép tắc cho trẻ. Phụ huynh cũng cần phải loại trừ ngay suy nghĩ là con trẻ không biết gì để từ từ rồi dạy. Tâm lý lứa tuổi này là bé bắt chước thái độ và hành vi của người lớn rất nhanh. Trẻ thường học hỏi từ những thói quen của cha mẹ. Vì thế, cách nói năng, cư xử của phụ huynh chính là bài học đầu đời của trẻ.
Bí quyết của phụ huynh
Bí quyết chị Hồng Loan (Q.Tân Bình, TP.HCM) có đứa con rất biết phép tắc, lễ độ trong mọi tình huống: “Giáo dục những điều lễ phép, lịch sự cho con phải cụ thể và thiết thực. Bé nhận thức rất cảm tính, non nớt nên cái gì cảm thấy có lợi cho bé, bé mới thực hiện. Gia đình tôi luôn cố gắng dùng những điều lễ phép một cách tự nhiên như nói lời xin lỗi, cảm ơn để các con khi nói không cảm thấy miễn cưỡng, gượng gạo”. Cậu nhóc mới 4 tuổi cứ hồ hởi chào khách và cảm ơn mọi người khi được cho quà bánh với cử chỉ, điệu bộ cũng như vẻ mặt phấn khởi. Chị Hồng Loan trình bày “thủ thuật” bỏ túi của mình: “Để con thẩm thấu những hành vi lễ phép một cách nhuần nhuyễn, tự nguyện, tôi phải thường xuyên tạo điều kiện cho con có cơ hội biểu đạt các cung bậc cảm xúc của mình qua từng hành vi cụ thể. Hành vi nào tốt đều được thưởng một lời khen, một cái ôm hôn hay một cái kẹo nhỏ… Còn hành vi nào chưa phù hợp nhưng chính cu cậu chưa nhận ra thì tôi khéo léo nhắc con nên tránh kẻo mẹ buồn. Được mẹ khích lệ quan tâm, con tôi càng muốn làm tốt hơn. Lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy, không cần phải dạy những câu từ về đạo đức một cách sáo rỗng, rối rắm, cứng nhắc, con tôi cũng bắt chước biết cảm ơn một cách tự giác mỗi khi nhận được bất cứ thứ gì từ người khác. Khi có lỗi với con, tôi đã chân thành xin lỗi và mong con tha thứ. Việc làm đó đã giúp bé hình thành được ý niệm khi làm phiền hoặc không làm được điều tốt cho người khác thì phải nói lời xin lỗi”. Sự thật cũng cho thấy dạy trẻ bằng những việc làm cụ thể có hiệu quả gấp nhiều lần so với việc cứ lặp đi lặp lại câu nói suông: “Con lớn rồi phải biết cư xử sao cho lễ phép chứ!” hoặc chì chiết trẻ kiểu như: “Sao lớn thế mà không biết chào hỏi ai cả. Đúng là một đứa trẻ hư hỏng!”. Lúc này tâm trạng sẽ rất nặng nề, khiến trẻ càng “ác cảm” với những điều phép tắc, lễ giáo.
Trong sinh hoạt thường ngày, cha mẹ phải dùng những từ ngữ văn minh lịch sự, không được dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để đùa nghịch trẻ, cũng không nên nói những lời đùa ác ý làm tổn thương trẻ. Điều này sẽ tránh hình thành ở trẻ những thói quen nói những lời bình phẩm thiếu tế nhị làm đau lòng người khác. Muốn có những đứa trẻ lễ phép, cha mẹ phải là người biết kính trên nhường dưới. Không thể có những đứa con biết ứng xử đúng phép tắc khi cha mẹ là người ăn nói cộc cằn, thô lỗ, có thái độ hành vi ứng xử vô lễ với người trên. Những hành vi, cử chỉ, việc làm của cha mẹ luôn ăn sâu, thấm nhuần vào đầu con trẻ. Sự gương mẫu của cha mẹ có giá trị hơn hàng vạn lời nói, nó để lại ấn tượng hết sức sâu sắc. Vì thế, cha mẹ hãy là tấm gương sáng về những hành vi lễ nghĩa để con cái noi theo.
Phụ huynh phải giúp trẻ hình thành thói quen ứng xử lễ phép cần có những biện pháp cụ thể, phù hợp với từng độ tuổi, từng hoàn cảnh sống và đặc biệt là chú ý đến tâm lý đặc trưng của từng đứa trẻ. Chẳng hạn, đối với đứa trẻ có tâm lý linh hoạt, nhanh nhẹn, thích giao tiếp với mọi người, cha mẹ hãy trực tiếp nhắc nhở việc trẻ chào hỏi, thưa gửi, nói lời cảm ơn trong từng tình huống cụ thể, trẻ sẽ nhanh chóng tiếp thu và vận dụng một cách hiệu quả. Song, đối với đứa trẻ có tính khí nóng nảy, bướng bỉnh, lỳ lợm thì cần phải giáo dục một cách khéo léo, tế nhị.
Dù có muốn bé thuần thục các hành vi lễ phép đúng chuẩn mực, cha mẹ cũng tuyệt đối đừng nên quá nôn nóng, thiếu bình tĩnh mà dạy bài học lễ phép cho con bằng những phương pháp mạnh bạo. Biện pháp này sẽ “lợi bất cập hại”. Trẻ có thể phục tùng mà làm tốt trước mặt cha mẹ để đối phó, nhưng bé sẽ không “tâm phục, khẩu phục”. Vì vậy, để những bài học về lễ nghĩa không còn quá khó để lĩnh hội cha mẹ hãy là những người bạn đồng hành định hướng, chia sẻ với con.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học –
Trường ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)