Là một thầy giáo, khi đọc hàng loạt những bài viết về việc học sinh học kém về môn lịch sử tôi rất buồn. Tại sao vậy? Phải chăng ngành giáo dục của chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến phân môn này? Ngoài những nguyên nhân được các chuyên gia phân tích theo nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, tôi rất đồng tình; nhưng bản thân từng là người đi học và là người thầy – bằng sự trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng giáo dục lịch sử dân tộc cần phải dạy kỹ, dạy sâu khi các em còn học ở bậc tiểu học, mà con đường dễ nhớ và dễ thuộc là thông qua những bài học thuộc lòng, qua những bài tập viết chính tả.
Bản thân tôi hơn 40 năm trước, đã có kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc là nhờ những bài học thuộc lòng. Nhớ về cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng là tôi nhớ đến những câu trong bài học thuộc lòng: Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân… Nhớ về khởi nghĩa Ba Đình của Đinh Công Tráng thì: Đây chiến lũy Ba Đình nơi hiểm trở/ Giữa cánh đồng lầy lội cạnh sông cong… Mang tính khái quát lịch sử một ngàn năm Bắc thuộc, thì chỉ cần vài câu học thuộc lòng trong bài Hồn thiêng sông núi: “Ngồi giở lại từng trang tranh đấu sử/ Của dân ta một dân tộc oai hùng/ Xương trắng, máu đào đã trộn hòa chung/ Để gìn giữ đất đai bền vững mãi/ Đã bao lần lũ xâm lăng vô lại/ Hán, Ngô, Đường cậy mạnh định gồm thâu/ Dải đất này nhưng chúng có ngờ đâu/ Bị thảm bại trước tinh thần bất khuất/ Bạch Đằng giang hai phen vỡ mật/ Cọc sắt xuyên thuyền giặc ngổn ngang chìm/ Quên tuổi già Thường Kiệt phá Khâm Liêm/ Tuốt gươm báu trời Bắc phương sáng chói… Cảm khái về tình yêu quê hương thì lại nhớ đến những hình ảnh: “Tôi đã thấy tình quê hương đất nước/ Trên vai gầy sạm nắng bác nông phu/ Trên vó câu muôn dặm kẻ chinh phu/ Trên tấm áo màu nâu cô gái Việt…
Chỉ vỏn vẹn mấy câu văn vần, mà nhờ học thuộc lòng, học sinh thời ấy cũng có thể nắm bắt được một cách khái quát lịch sử dân tộc vào thời điểm các triều đại phong kiến phương Bắc đã từng xâm lược nước ta và tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc đã viết nên những trang sử oai hùng của đất nước.
Vậy đó, tái hiện lịch sử với những câu văn vần trong bài học thuộc lòng là con đường không chỉ dễ nhớ mà còn khắc sâu trong tâm trí trẻ thơ lòng tự hào về lịch sử dân tộc để các em yêu thích môn học này. Ở đây, tôi mới đề cập đến việc dạy và học môn lịch sử ở bậc tiểu học mà người thầy nào cũng biết khi áp dụng phương pháp tích hợp trong giờ lên lớp. Chính nhờ đó mà sẽ khắc phục phần nào lỗ hổng kiến thức cho học sinh. Đó phải chăng là điều mà chúng ta nên quan tâm?
Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)
Bình luận (0)