SV Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định trong giờ học (ảnh minh họa). Ảnh: M.Tâm
|
Việc thực hiện đào tạo theo tín chỉ ĐH Đà Nẵng đã bước sang năm thứ 6, người học từ thế thụ động được xác định là trung tâm đào tạo. Thế nhưng, hiện tượng sinh viên (SV) lười phát biểu, thụ động trong học tập vẫn diễn ra ở số đông. Để giúp SV không còn thụ động trong học tập, nhiều giảng viên (GV) có nhiều kinh nghiệm đã vào cuộc “chẩn bệnh, kê toa”…
Thờ ơ với vai trò trung tâm
Hơn 5 năm sau ngày áp dụng phương thức học tín chỉ đối với SV các trường ĐH, CĐ tình trạng thụ động trong học tập của SV vẫn đang là vấn đề “bức xúc” đối với nhiều GV. Thậm chí bản thân SV cũng nhìn rõ sự buông thả, “nhờ vào vận may rủi” ở những buổi thi cử mà họ vẫn không tự mình làm một cuộc bứt phá để trở thành vai trò trung tâm đào tạo như mục tiêu của hình thức tín chỉ đề ra. Phần lớn SV sống xa nhà, thiếu sự sâu sát của phụ huynh nên ít SV có kế hoạch học tập cụ thể, khoa học, đảm bảo sức khỏe mà hầu hết học theo ngẫu hứng. Theo đánh giá của các cán bộ quản lý công tác giáo dục, nhiều SV thiếu quan tâm, không nắm vững chương trình khóa học, thậm chí nhiều em còn mù tịt chương trình trong học kì. Đó là chưa kể, ở tín chỉ đòi hỏi SV phải nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu nhưng nhiều SV quên hẳn việc tự học, tự nghiên cứu hoặc nghiên cứu một cách sơ sài, yếu chuyên môn. Đa phần sản phẩm của các em đều thể hiện sự đối phó với GV trong thi cử để tính điểm qua môn. Nhiều môn học dù đã được hướng dẫn tài liệu, phát tài liệu về đọc, nghiên cứu trước nhưng vẫn diễn ra tình trạng SV ôm tài liệu về nhà cất rồi hôm sau lên lớp hoàn toàn dựa vào sự chỉ dẫn của GV, rất ít khi thắc mắc về nội dung học tập hay phát biểu ý kiến trong lớp; SV chỉ học và thực hiện những gì do GV yêu cầu…
Theo kết quả điều tra bằng bảng câu hỏi của một nhóm GV với 100 SV Trường CĐ Công nghệ thông tin Đà Nẵng, chỉ có 7% SV thường xuyên tham gia phát biểu ý kiến trong giờ học; 55% SV thỉnh thoảng phát biểu, chủ yếu là do GV trực tiếp chỉ định; 32% SV rất ít khi và không bao giờ phát biểu trong giờ học. Nguyên nhân là do SV “lười và ngại phát biểu trước đám đông”. Mặc dù học chế tín chỉ xác định lấy người học làm trung tâm chủ đạo nhưng trên thực tế nhiều năm qua, người học vẫn chưa thực sự xem mình là trung tâm của quá trình đào tạo.
Cô Lê Thị Mỹ Dung (GV Khoa Quản trị kinh doanh Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng) tâm tư: “Mỗi giờ dạy, GV thường đưa ra những câu hỏi nằm trong phạm vi bài học nhằm giúp SV ôn bài vừa khơi dậy tinh thần tự giác, tự tin của SV cũng như không khí lớp học, thế nhưng có một điều rất buồn là ít khi có cánh tay nào giơ lên phát biểu. Như vậy, vô tình câu hỏi của GV mang đến một áp lực lớn cho SV, còn riêng GV thì không khỏi cảm thấy chán nản, mất cảm hứng giảng bài”. Trong khi đó, cô Trần Lương Nguyệt (GV Trường CĐ Công nghệ thông tin Đà Nẵng) lại kể về nhiều cảnh trớ trêu hơn. Vào mỗi giờ cemina, SV cứ cúi gằm mặt xuống bàn trước yêu cầu của GV là đặt câu hỏi thảo luận. Một bầu không khí căng thẳng bao trùm tiết học khiến ai cũng mệt mỏi. Có nhiều trường hợp SV thụ động đến nỗi khi GV giảng bài lại cứ một mực kêu GV đọc lại. Và cứ thế, SV cặm cụi chép vào vở nhằm làm tư liệu cho kì thi chứ chẳng mấy ai để tâm chú ý nghe hiểu cặn kẽ bài giảng…
Đột phá từ người dạy lẫn người học
Để tạo ra một sự thay đổi thật sự về nhận thức, tư duy của SV nhằm nâng cao hiệu quả thực chất của quá trình đào tạo cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía. Bản thân người học phải ý thức được vai trò của mình; người dạy cần có phương pháp giảng dạy hấp dẫn, thu hút. Thầy và trò tạo thành mối quan hệ tương tác chặt chẽ: Thầy định hướng – trò làm việc. Đây là hai yếu tố quan trọng nhất trong việc giúp SV không còn tới lớp trong tình trạng thụ động.
Một trong những yếu tố góp phần ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ học tập của SV là phương pháp dạy của GV. Theo kinh nghiệm của TS. Võ Như Tiến – Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Đà Nẵng: “GV cần tạo ra môi trường làm việc cho SV giúp các em chủ động. Đơn cử như trường hợp GV đặt những câu hỏi yêu cầu SV phải tìm hiểu bài trước khi đến lớp gắn với hình thức thưởng phạt bằng điểm số hoặc tổ chức nhiều buổi thảo luận, thuyết trình cho SV thì khả năng phần lớn SV sẽ phải tích cực hoạt động”.
Theo cơ chế tín chỉ, điểm của các môn thi là kết quả tổng hợp các bài kiểm tra, thực hành, thảo luận, tổ chức hoạt động nhóm… Do đó, người thầy phải đáp ứng cho học trò về nhiều mặt: Kiến thức, kỹ năng, khả năng phân tích, phối hợp và nhân cách… Trong bài giảng, GV cần đưa những minh chứng dẫn chứng thực tế, gắn cuộc sống bên ngoài vào bài giảng đồng thời phải là người không ngừng tìm hiểu, cập nhật những kiến thức mới giúp SV có vốn kiến thức tổng quát nhất.
Một khi có sự đột phá từ bài giảng của GV buộc SV phải tự vận động mình, không còn ỷ lại vào giáo trình. Sự thụ động của SV nhờ đó bị loại bỏ. “Làm được điều này, không chỉ chất lượng SV sẽ nâng cao mà còn tạo nhiều thuận lợi cho các em sau khi ra trường có đủ kỹ năng đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng”, TS. Võ Như Tiến khẳng định.
Phan Vĩnh Yên
Phương pháp dạy và học chưa thay đổi theo yêu cầu
Nguyên nhân của sự thụ động, theo nhiều GV là do học chế tín chỉ chưa được áp dụng triệt để, chưa phát huy hết những ưu điểm; phương pháp giảng dạy của GV và phương pháp học của SV chưa thực sự thay đổi theo mục tiêu của học chế này. Bản thân SV không ý thức được vai trò của mình trong việc học nên không thể hoạch định lộ trình học tập của riêng mình, phải căng mình chạy theo hoàn thành những chỉ tiêu môn học do nhà trường quy định sẵn.
Mặt khác, thực tế hiện nay, phần lớn GV sử dụng PowerPoint trong bài giảng và hầu hết nội dung giảng dạy của GV đều nằm trong giáo trình có sẵn khiến bài giảng trở nên nhàm chán. Từ đó nảy sinh tư tưởng ỷ lại của SV rằng bài giảng đã có giáo trình nên không cần đến lớp hoặc có đến cũng chỉ vì GV điểm danh. Bên cạnh đó, một số GV cứ theo giáo trình dạy đủ giờ rồi ra về mà không mấy khi liên hệ nội dung bài giảng với thực tế cuộc sống hoặc gợi mở cho SV tự liên hệ, vì thế tạo nên sự nhàm chán, SV không hứng thú với môn học.
|
Bình luận (0)