Vừa qua có một số ý kiến cho rằng chương trình Ngữ văn 2018 chỉ chú trọng vấn đề thể loại và kiểu văn bản; coi nhẹ kiến thức lý luận và lịch sử văn học. Có đúng thế không và nên hiểu thế nào?
Giáo viên trao đổi với học sinh trong tiết học môn ngữ văn (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
1. Chương trình Ngữ văn 2018 chủ trương dạy cách đọc hiểu, cách viết và cách nói – nghe cho học sinh. Cách đọc hiểu bao gồm cả cách thưởng thức, cảm thụ, đánh giá. Tất cả những gì giúp cho việc phát triển năng lực đọc, viết, nói và nghe đều được tôn trọng như là các công cụ, phương tiện. Để hình thành cách đọc, cách viết thì cần dựa vào đặc điểm thể loại và kiểu văn bản. Việc dạy học tác phẩm văn học theo thể loại đã có từ rất lâu. Cái mới ở chương trình Ngữ văn 2018 chỉ là không xếp thể loại theo lịch sử văn học như đã nói. Chương trình 2018 chỉ coi các kiến thức lý luận và lịch sử văn học, kiến thức tiếng Việt, kinh nghiệm sống và các kiến thức văn hóa khác như là công cụ giúp cho việc đọc và viết. Nghĩa là để đọc hiểu văn bản – tác phẩm cần lấy đặc điểm thể loại làm chỗ dựa và vận dụng các kiến thức khác vào để hiểu. Chương trình không chủ trương dạy lịch sử văn học, lý luận văn học như là các bài học độc lập để nhằm mục đích học lý luận và lịch sử văn học…, nhưng cũng không chủ trương bỏ kiến thức lý luận và lịch sử văn học. Chỉ là thay đổi cách tiếp cận theo định hướng mới, trả lời câu hỏi: Lý luận và lịch sử văn học giúp gì cho đọc hiểu và viết?
2. Các yêu cầu vận dụng kiến thức lịch sử văn học vẫn có mặt trong chương trình. Cuối cấp THCS có yêu cầu về hệ thống hóa lịch sử văn học như: “Sơ giản về lịch sử văn học và vai trò của lịch sử văn học trong đọc hiểu văn bản” và “Vận dụng được một số hiểu biết về lịch sử văn học Việt Nam để đọc hiểu văn bản văn học” (Chương trình Ngữ văn 2018 – lớp 9). Lên cấp THPT thì lịch sử văn học càng được chú ý với các yêu cầu cần đạt (xem mục liên hệ, so sánh, kết nối, cột yêu cầu cần đạt của chương trình). Các kiến thức lý luận văn học hiển thị rất rõ ở cột yêu cầu cần đạt và cột nội dung của chương trình. Khi chú ý đến đặc điểm thể loại là đã chú ý lý luận văn học. Nếu liệt kê (cả 2 cột) thì sẽ thấy không chỉ các kiến thức về đặc điểm thể loại (truyện, thơ, ký, kịch…), các thành tố tạo nên văn bản văn học (chi tiết, nhân vật, cốt truyện, vần, nhịp, điểm nhìn…) mà còn rất nhiều yêu cầu về lý luận văn học được nêu trong đó như: Tác phẩm và người đọc, tính chất và đặc trưng văn học; vai trò và chức năng văn học; ngôn ngữ văn học, phong cách nghệ thuật, đặc điểm cơ bản của phong cách cổ điển, hiện thực và lãng mạn… Nhưng cũng như lịch sử văn học, chương trình chủ trương tích hợp vào các hoạt động dạy đọc, viết; không dạy thành bài học riêng.
3. Tóm lại, chương trình Ngữ văn 2018 không chủ trương dạy, học kiến thức lý luận và lịch sử văn học một cách thuần túy, chỉ để biết các kiến thức ấy; mà coi trọng yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức lý luận và lịch sử văn học giúp cho hoạt động đọc và viết như là các công cụ. Sách giáo khoa không dạy thành bài học riêng độc lập như chương trình 2006 và trước đó mà cung cấp, hình thành các kiến thức lý luận và lịch sử văn học theo hướng tích hợp, thông qua thực hành đọc hiểu và viết. Cần đặt ra câu hỏi: Dạy các kiến thức lý luận văn học và lịch sử văn học cho học sinh nhằm mục đích gì? Câu trả lời ở đây là giúp cho học sinh hiểu văn bản chứ không phải là để hiểu lý luận và lịch sử văn học. Khi đó giáo viên sẽ thấy không nên dạy các kiến thức lý luận văn học và lịch sử văn học riêng rẽ theo kiểu dạy “chay” mà luôn gắn với các văn bản đọc. Thông qua các tình huống cụ thể, vận dụng kiến thức lý luận văn học và lịch sử văn học để hiểu văn bản; qua đó cũng nắm được và thấy tác dụng của các kiến thức ấy.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống
Bình luận (0)