Sự kiện giáo dụcTin tức

Đẩy mạnh công tác phân luồng bậc TCCN

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 25-6, Trường CĐ Kinh tế – kỹ thuật Phú Lâm đã tổng kết 5 năm thực hiện công tác phân luồng bậc TCCN. Thời gian qua, đây là một trong những đơn vị được ngành giáo dục thành phố giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện công tác phân luồng và phổ cập giáo dục bậc trung học tại các quận huyện. Ngoài ra, trường còn hỗ trợ hai huyện Bình Chánh và Nhà Bè trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Cho đến nay, trường đã thành lập được một phân hiệu đặt tại Trường THPT Đa Phước nhằm phân luồng, định hướng cho học sinh sau THCS khu vực Bình Chánh vào học TCCN, góp phần đào tạo nguồn lao động có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, trường còn liên kết với Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Chánh và Trung tâm GDTX để đặt thêm hai cơ sở đào tạo. Ông Huỳnh Minh Trí (Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT TP.HCM) đánh giá, mô hình và cách làm của nhà trường thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, bước đầu phục vụ được công tác phân luồng, phổ cập giáo dục bậc trung học tại các quận huyện. Đại diện các quận huyện có tham gia đào tạo với trường như: Bình Chánh, Bình Tân, Tân Phú, quận 11, quận 6… cũng nhìn nhận, việc đặt các cơ sở vệ tinh tại địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh THCS tham gia học tập TCCN gần nhà, tiết kiệm được chi phí. Riêng huyện Bình Chánh và quận Bình Tân, địa phương đã có hỗ trợ học phí cho học sinh. Cũng theo đại diện các đơn vị, việc nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của công tác phân luồng bậc TCCN phải đi kèm với khắc phục những hạn chế còn tồn tại thời gian qua. Đó là việc cải thiện chất lượng đầu vào, vì hiện nay đầu vào khá thấp, đa số là đối tượng học sinh không học nổi THPT hoặc đang học THPT thì bỏ giữa chừng. Học sinh chưa xác định rõ được động cơ học tập nên chưa thực sự có kế hoạch học tập, thiếu phấn đấu. Trong khi đó, sự quan tâm, phối hợp của phụ huynh với trường trong việc đào tạo, quản lý học sinh chưa được gắn kết chặt chẽ. Về phía các đơn vị tham gia đào tạo, việc cải thiện cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo cần được chú trọng. Thời gian qua, cơ sở vật chất tại một số cơ sở vệ tinh vẫn trong tình trạng thiếu thốn; khuôn viên chật hẹp thiếu sân chơi; thiếu thư viện và sách tham khảo cho các em. Lực lượng giáo viên cơ hữu mỏng, chủ yếu dựa vào giáo viên thỉnh giảng dẫn đến tình trạng trường rất bị động trong việc sắp xếp lịch học cho học sinh…
M.T

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)