Ông Hoàng Ngọc Vinh (dấu X), Vụ trưởng Vụ GDCN (Bộ GD-ĐT), phát biểu tại hội thảo |
Đào tạo theo tiếp cận năng lực là một trong những phương pháp mới được triển khai trong hoạt động dạy nghề đem lại hiệu quả cao cho người dạy lẫn người học và thị trường lao động. Tuy nhiên, các tài liệu hướng dẫn và tham khảo chưa nhiều, chuyên gia về phương pháp khá ít, giáo viên còn lúng túng trong tổ chức dạy theo phương pháp này…
Những vấn đề trên được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá thực trạng theo tiếp cận năng lực ngành quản lý siêu thị trình độ TCCN” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TDC) tổ chức vừa qua.
Học sinh – sinh viên tiếp cận nhiều kỹ năng
Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT cùng với Tổ chức Hỗ trợ GD-ĐT Vương quốc Bỉ và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phổ biến phương pháp đào tạo theo tiếp cận năng lực (còn gọi là phương pháp APC) trong hoạt động dạy nghề tại Việt Nam. Trong đó, năm 2012, Bộ GD-ĐT đã chọn 4 trường để đào tạo thí điểm 2 nghề quản lý siêu thị và quản lý kho hệ TCCN theo phương pháp này là TC Đông Dương, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Bách khoa Đà Nẵng và CĐ Hải Dương. Qua gần 4 năm triển khai, phương pháp này đã nhận được tín hiệu hưởng ứng từ giảng viên, học sinh – sinh viên cũng như doanh nghiệp.
TS. Vũ Hoài An, Hiệu trưởng Trường CĐ Hải Dương, cho biết khi triển khai thí điểm phương pháp này, các chương trình đào tạo, đặc biệt là của Khoa Kinh tế được cấu trúc, thiết kế lại phù hợp với hoạt động nghề nghiệp ngoài thị trường lao động. Tỷ lệ học sinh – sinh viên tốt nghiệp từ chương trình đào tạo APC xin được việc làm và thích nghi nhanh công việc tăng lên, được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao về năng lực nghề. Trong khi đó, giáo viên vận dụng phương pháp này cũng tạo được hứng thú và kích thích động cơ học tập cho học sinh – sinh viên”.
Vừa qua, Khoa Quản trị kinh doanh của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã tiến hành khảo sát về mức độ hài lòng của học sinh – sinh viên và giảng viên về chương trình đào tạo theo phương pháp này. Theo đó, có đến 76,92% giáo viên cho rằng hài lòng về năng lực chuyên môn được phát hiện; 15,38 giáo viên rất hài lòng, chỉ có một số ít giáo viên ít hài lòng về sự phát triển năng lực chuyên môn. Đến nay trường đã tuyển sinh được 3 khóa ngành quản lý siêu thị đào tạo theo phương pháp này. Qua khảo sát có 87,88% học sinh – sinh viên đang học và 50% cựu học sinh – sinh viên hài lòng về chương trình đào tạo. Đối với người sử dụng lao động, khoa cũng khảo sát và kết quả có đến 70% người sử dụng lao động hài lòng về học sinh – sinh viên tốt nghiệp và thực tập; 20% rất hài lòng và 10% ít hài lòng. Khi khóa đầu tiên tốt nghiệp 100%, các em đã có việc làm ngay, trong đó 70% làm việc ở các siêu thị Big C, Co.opmart, Co.opXtra, Vinmart, Lottemart; 30% còn lại làm ở công ty hoặc tại gia đình trong lĩnh vực thương mại.
Bà Dương Ngọc Cảnh, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart xa lộ Hà Nội (Q.2), đánh giá: “Khi làm quản lý, các em phải chịu trách nhiệm về nhân sự, hàng hóa, khách hàng… nên các em phải bắt đầu vị trí từ nhân viên trước. Qua nhiều năm nhận học sinh – sinh viên thực tập được đào tạo theo phương pháp này, chúng tôi thấy nhiều em khá nhạy bén, có kỹ năng ứng xử, giao tiếp với khách hàng, có thái độ chấp nhận khó khăn và khá nhanh nhẹn trong việc vượt qua khó khăn, thử thách…”.
Giáo viên còn lúng túng
Mặc dù chương trình mang lại nhiều hiệu quả nhưng nhiều giáo viên cũng như ban giám hiệu các trường cho rằng việc thực hiện chương trình gặp không ít khó khăn, giáo viên còn lúng túng khi tiếp nhận đổi mới.
TS. Vũ Hoài An khẳng định: “Nhân lực chủ công được các chuyên gia tập huấn đã tích cực hướng dẫn lại cho giáo viên toàn trường nhưng tư duy và phương pháp dạy học truyền thống đã ăn sâu vào một số giáo viên khiến họ khó đổi mới, điều này cần phải có sự lãnh đạo quyết liệt từ ban giám hiệu”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện Khoa Quản trị kinh doanh của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, phân tích: “Một số giáo viên còn ngại áp dụng phương pháp mới vì mất nhiều thời gian đầu tư nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị bài giảng trong khi chúng ta chưa có chính sách để khuyến khích giáo viên nghiên cứu và áp dụng. Các tài liệu hướng dẫn và tham khảo chưa nhiều, đặc biệt là chuyên gia khá ít nên giáo viên lúng túng trong tổ chức dạy học theo phương pháp này, khi vướng mắc thì chưa được tư vấn kịp thời”.
Không chỉ giáo viên mà học sinh – sinh viên cũng chưa thoát khỏi lối mòn dạy và học truyền thống. Ông Đặng Ngọc Thuận, đại diện Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ, thẳng thắn: “Một số giáo viên vẫn miệt mài thuyết giảng một cách chi ly từ đầu đến cuối buổi, còn học sinh – sinh viên thì chỉ ngồi im lắng nghe và ghi chép lại một cách thụ động. Vì vậy, khi áp dụng phương pháp mới, người dạy không biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào…, còn người học thì thiếu quan tâm, suy nghĩ, trông chờ, ỷ lại vào kết quả của người khác”.
Bài, ảnh: Dương Bình
Tại hội thảo, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ GDCN (Bộ GD-ĐT) cho biết: Đào tạo theo tiếp cận năng lực ngành quản lý siêu thị là một chương trình đào tạo hệ CĐ của Pháp, khi về Việt Nam đã được chuyển hóa để phù hợp với nhu cầu của các siêu thị tại Việt Nam. Qua quá trình triển khai thí điểm, nhận thấy chương trình có nhiều hiệu quả nên sắp tới sẽ triển khai ở Trường TC Kinh tế Khánh Hòa, CĐ Kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên, giáo viên chưa được đào tạo bài bản cũng như chưa có kinh nghiệm khi thiết kế chương trình nên hội thảo được tổ chức nhằm giúp ban giám hiệu và giáo viên các trường thảo luận, chia sẻ để triển khai đào tạo tốt hơn. |
Bình luận (0)