Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hộ nghèo, cận nghèo là một trong những giải pháp trọng tâm để giảm nghèo bền vững tại TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Nâng cao chất lượng đào tạo
Nhiệm vụ chính trong việc giảm nghèo theo phương pháp đa chiều của TP Hồ Chí Minh là đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Sau 2 năm (2016 – 2018) thực hiện, số lượng lao động qua đào tạo đã đạt chỉ tiêu thành phố đề ra.
Lao động nghèo tại các huyện ngoại thành được học các nghề truyền thống để ổn định cuộc sống ngay trên địa bàn. |
Tuy nhiên, bà Triệu Lệ Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, cho rằng đào tạo nghề cho người dân nói chung và thành viên hộ nghèo, cận nghèo nói riêng nhằm giải quyết thất nghiệp, nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế – xã hội mặc dù có nỗ lực song vẫn còn một bộ phận không nhỏ không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề để đáp ứng nhu cầu người sử dụng lao động.
Nói về chất lượng đào tạo nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đại diện nhiều quận huyện, sở ngành cũng thừa nhận chất lượng nguồn nhân lực bị đánh giá chưa đáp ứng được yêu cầu cao, đặc biệt là yêu cầu trong thời kỳ phát triển và hội nhập hiện nay. Do nghề được đào tạo chủ yếu là điện dân dụng, điện tử, điện lạnh, may công nghiệp, điện lạnh… Ngoài ra, các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm… chưa cao.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Lâm cho rằng, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, học việc tại một số quận huyện, cơ sở giáo dục chưa hiệu quả nên người học chưa lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với khả năng, trình độ của mình. Một số cơ sở dạy nghề chưa tổ chức được các lớp dạy nghề theo ngành nghề mà người lao động mong muốn. Hơn nữa, rất nhiều lao động muốn có thu nhập để ổn định cuộc sống nên ngại tham gia các khóa học, thậm chí chọn các khóa học ngắn hạn để tìm việc làm nhanh, dẫn đến trình độ tay nghề thấp. Do vậy, việc làm của người lao động sau đào tạo không ổn định và chương trình này cũng không đạt được định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp – xây dựng, thương mại, dịch vụ của thành phố.
Đào tạo theo "đơn hàng"
Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho hộ nghèo và cận nghèo, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết trước mắt các trường dạy nghề tại quận, huyện nên gắn kết với các khu công nghiệp, khu chế xuất gần nhất để hoạt động theo phương thức đặt hàng. Nghĩa là dạy nghề gắn kết giữa cung – cầu (nhà trường – doanh nghiệp). Đặc biệt, khâu đào tạo nghề nên chủ động đón đầu những ngành nghề có triển vọng trong tương lai, tránh tình trạng đào tạo ngành nghề có nguy cơ lạc hậu với thị trường. Ngoài đào tạo nghề cần bổ sung các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm cho người lao động.
Các khu vực nông thôn được chuyển đổi từ nông nghiệp sang các ngành dịch vụ để người dân vươn lên thoát nghèo. |
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nga, đại diện Liên Đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết để có hành lang pháp lý về đào tạo nghề cho người lao động, Liên Đoàn Lao động Thành phố cũng đang kiến nghị Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, quy định về phối hợp thực hiện công tác nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho người lao động. Trong đó, chú trọng tới việc tìm đầu ra cho người lao động sau khi ra trường, khuyến khích đào tạo nghề theo hướng xã hội hóa có liên kết với nhà tuyển dụng để người lao động có việc làm ổn định ngay khi ra trường.
Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Bình luận (0)